Mới đây, hãng nghiên cứu NielsenIQ công bố báo cáo về thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dịp Tết cổ truyền qua các năm từ 2017, qua đó dự báo cho năm 2021.
Theo đơn vị này, tại nhiều thị trường châu Á trọng điểm, Tết Nguyên đán là lễ hội mang về doanh thu lớn nhất đối với ngành FMCG, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đồ uống, rượu, sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ gia dụng tăng cao.
Trong 3 năm gần đây, nhu cầu chi tiêu dịp lễ hội đã thúc đẩy doanh số bán hàng đạt mức tăng trưởng hai chữ số tại Trung Quốc (tăng 33%), Hong Kong (tăng 27%), Malaysia (tăng 32%) và Việt Nam (tăng 15%).
Dịp Tết Nguyên đán được coi là cơ hội lớn cho ngành FMCG tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Năm nay, mặc dù các buổi tiệc có thể im ắng hơn dưới tác động của dịch Covid-19, theo bà Didem Sekerel Erdogan, Phó chủ tịch cấp cao khu vực APAC & EEMEA của bộ phận Intelligent Analytics tại NielsenIQ, Tết cổ truyền vẫn sẽ thúc đẩy đáng kể doanh số FMCG, theo hình thức và quy mô khác mọi năm.
“Người tiêu dùng bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch sẽ hướng tới những mặt hàng có kích thước đóng gói nhỏ, tiết kiệm cùng với các chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn. Trong khi đó, những người ít bị ảnh hưởng sẽ chọn những mặt hàng cao cấp để tận hưởng Tết trọn vẹn hơn. Điều này tạo ra cơ hội hiếm hoi cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ ở cả hai phân khúc,” bà nhận định.
Riêng tại Việt Nam, doanh số FMCG dịp Tết thường tăng 12-15% so với thời điểm thông thường, chiếm gần 20% tổng doanh số cả năm. Các mặt hàng phổ biến như đồ uống, bia, bánh quy, bánh nướng, đồ ăn nhẹ, cà phê có mức tăng trưởng sản lượng từ 10-50% tùy loại.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, đại diện NielsenIQ cho biết quà tặng miễn phí và giảm giá trực tiếp là các chương trình khuyến mãi được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Do đó, các nhà sản xuất và bán lẻ nên lưu ý điều này khi hoạch định chiến lược khuyến mãi.
Những dự báo khả quan về sức tiêu thụ dịp Tết được coi là tín hiệu tốt cho ngành FMCG nói riêng và bán lẻ nói chung ở thời điểm bước sang năm mới 2021.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Lê Hoàng Long, Quản lý bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ của NielsenIQ Việt Nam nhận định Covid-19 là sự kiện ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tiêu thụ FMCG trong thập kỷ qua, với tình trạng suy giảm tiêu dùng diễn ra trên cả nước, trong đó nặng nề nhất là các thị trường Hà Nội, TP.HCM và Nam Trung Bộ.
Dự báo năm 2021, ông Lê Hoàng Long cho rằng các kênh bán lẻ hiện đại sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, một phần lớn nhờ sự mở rộng của các loại hình nhỏ, đặc biệt là siêu thị mini.
Với áp lực cạnh tranh lớn, mỗi loại hình bán lẻ cần phát huy tối đa thế mạnh của mình. Cụ thể, các siêu thị và đại siêu thị nên chú trọng phát triển các hình thức vui chơi, giải trí được kết hợp với hoạt động mua sắm, đồng thời tạo lợi thế thông qua các sản phẩm nhãn riêng. Tại Việt Nam, ông Lê Hoàng Long tiết lộ người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng nhãn riêng ở phân khúc cao cấp.