Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du lịch TP.HCM tính phương án ứng phó Covid-19 năm 2021

Nếu Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam mở lại tất cả đường bay quốc tế từ đầu năm, TP.HCM phấn đấu thu về 144.000 tỷ đồng từ ngành du lịch, vượt chỉ số năm 2019.

Tại Hội nghị tổng kết ngành du lịch TP.HCM năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 sáng 27/1, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết lượng du khách nội địa đến TP trong năm qua đạt gần 15,9 triệu lượt, giảm 51,5% so với năm 2019. Trong khi đó, khách quốc tế giảm đến 84,8%, chỉ còn hơn 1,3 triệu lượt.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá đây là mức giảm sâu hơn trung bình cả nước. Mặc dù vậy, TP.HCM vẫn là điểm sáng của ngành du lịch, khi tổng thu vẫn đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6%, thấp hơn mức giảm chung của toàn ngành.

Tổng thu 2021 có thể vượt 2019

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, ngoài các giải pháp giảm giá điện, giảm phí, lệ phí, Sở Du lịch cũng làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.

Đến nay, 10/50 cơ sở lưu trú, lữ hành gặp khó khăn trong liên hệ với ngân hàng đã được giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, 10 doanh nghiệp đang được xem xét cơ cấu lại nợ gốc, ân hạn nợ gốc, hoãn thanh toán lãi, giảm lãi và tái cấp hạn mức.

du lich tphcm anh 1

Ngành du lịch TP.HCM xây dựng 3 kịch bản dự báo cho năm 2021. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sang năm 2021, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết Sở Du lịch sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời truyền thông, quảng bá về điểm đến và thương hiệu du lịch TP và thúc đẩy kích cầu, khai thác ứng dụng số trong du lịch.

Ở kịch bản tốt nhất, nếu tình hình dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam mở lại tất cả đường bay quốc tế ngay từ đầu năm, lượng khách quốc tế đến TP ước đạt 8,6 triệu lượt, Sở phấn đấu đạt 9 triệu lượt. Khi đó, lượng khách nội địa đến TP ước đạt 32,7 triệu lượt, phấn đấu đạt 33,5 triệu lượt.

Trên cơ sở đó, tổng thu ngành du lịch ước đạt 140.000 tỷ đồng, Sở đặt mục tiêu đạt 144.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tương đương mức tăng gần 3% so với năm 2019.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam chỉ có thể mở lại một số đường bay quốc tế đến một số quốc gia an toàn, ngành du lịch TP.HCM phấn đấu đón 7 triệu lượt khách quốc tế và 26 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu với kịch bản này ước đạt 97.700 tỷ đồng, phấn đấu đạt 111.800 tỷ đồng.

Trong trường hợp dịch Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, tình hình dịch tại Việt Nam diễn biến phức tạp và cần tạm ngưng các đường bay quốc tế, ngành du lịch sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ở mức thấp nhất. Lượng khách nội địa ước đạt 10 triệu lượt, phấn đấu đạt 10,5 triệu lượt, mang về tổng thu khoảng 35.600 tỷ đồng.

Thúc đẩy liên kết và chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu yêu cầu ngành du lịch TP.HCM đẩy mạnh quá trình cơ cấu, phát triển nhiều loại hình du lịch mới đa dạng, đặc sắc mà TP có lợi thế như MICE, du lịch ban đêm.

"Mỗi cuộc khủng hoảng như thế này là cơ hội để chúng ta tư duy lại, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm... TP.HCM phải là trung tâm du lịch sự kiện không chỉ của cả nước, khu vực mà còn của thế giới", lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel cũng cho rằng TP cần tập trung thúc đẩy phát triển cả nội tại lẫn liên kết bên ngoài. Trong đó, ngành du lịch nên đầu tư nâng cấp và làm mới các điểm đến nội ô, ngoại thành, tạo điều kiện cho người dân TP đi du lịch tại chỗ với những dịch vụ mới như du lịch sinh thái Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, du lịch đường sông Sài Gòn, sản phẩm văn hóa về đêm.

Bản thân mỗi doanh nghiệp, theo bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó giám đốc khách sạn Grand Saigon, cũng xác định du lịch nội địa tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2021, để từ đó chủ động xây dựng thêm nhiều gói sản phẩm kết hợp giữa dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hội nghị, giải trí... phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.

Nhằm hình thành nhiều sản phẩm mới đa dạng và thu hút du khách đến TP.HCM, đại diện các đơn vị cũng đề cao tầm quan trọng của các chương trình liên kết vùng và liên kết doanh nghiệp.

du lich tphcm anh 2

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng liên kết vùng là một trong những giải pháp hiệu quả để ngành du lịch sớm phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa: Ngọc Hiền.

Mặt khác, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng giao nhiệm vụ cho du lịch TP dẫn dắt quá trình chuyển đổi số ngành từ tài nguyên đến các sản phẩm, dịch vụ, thông qua các dự án du lịch thông minh.

Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Hiền cũng khẳng định việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình vận hành, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng, chăm sóc khách hàng, qua đó giảm chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch còn tác động đến ngành du lịch trong năm 2021, các doanh nghiệp kiến nghị Sở Du lịch TP.HCM tham mưu đề xuất các cấp quản lý tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế TNDN đến hết năm 2021, giãn các khoản phí, thuế khác như TNCN, công đoàn...

Đồng thời, cơ quan quản lý du lịch TP tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp tái phục hồi hoạt động cũng như trả lương cho người lao động.

So hoa du lich de kich cau hinh anh

Số hóa du lịch để kích cầu

0

Các địa phương và doanh nghiệp đều đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng sản phẩm, cải tiến mô hình hoạt động và quản trị để sớm vực dậy sau Covid-19.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm