Ảnh minh họa. Nguồn: Leonardo. |
Manga (truyện tranh Nhật Bản) với sự ảnh hưởng lớn đã phần nào tác động tới phong cách của họa sĩ truyện tranh thế hệ 9X, 2000. Dù vậy, là những người sáng tạo nghệ thuật, mỗi họa sĩ lại cho ra những nét độc đáo riêng biệt và tôn vinh bản sắc Việt.
Những điểm đặc trưng của manga
Theo họa sĩ Dương Đức (tác giả bộ truyện Nhóm máu O), manga không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một phương tiện kể chuyện mạnh mẽ. Hình ảnh trong manga được sắp xếp một cách tinh tế để truyền tải nội dung một cách mạch lạc. Đồng thời, có nhiều khung tranh không có lời thoại vẫn thể hiện được ý nghĩa sáng rõ.
Một trong những đặc trưng nổi bật của manga là cách vẽ nhân vật. Họa sĩ Dương Đức nhấn mạnh nhân vật trong manga thường có đôi mắt to tròn, biểu cảm rõ ràng và đôi khi hơi quá mức. Điều này không chỉ giúp tạo nên sự cuốn hút mà còn giúp truyền tải cảm xúc của nhân vật một cách rõ nét. Các đường nét hành động, như các đường kẻ để thể hiện tốc độ hoặc các hiệu ứng như "motion lines", cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính động của câu chuyện.
Các hiệu ứng này, cùng các biểu cảm như giọt mồ hôi khi căng thẳng, giọt nước mắt khi xúc động, hay các đường vân khi tức giận, tạo nên một thế giới sống động và dễ hiểu cho người đọc.
Họa sĩ Dương Đức (tác giả bộ truyện Nhóm máu O). Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngoài ra, tác giả Nhóm máu O cũng đề cập đến kỹ thuật "screentone" - việc sử dụng các chấm tròn với kích cỡ khác nhau để tạo sắc độ và chiều sâu cho hình ảnh. Kỹ thuật này giúp tăng cường hiệu ứng thị giác, tạo ra sự phong phú và đa dạng trong cách trình bày. Anh cho biết việc sử dụng screentone là một trong những đặc trưng không thể thiếu của manga, giúp phân biệt rõ ràng với các thể loại truyện tranh khác.
Về phong cách, tất cả yếu tố trên đều ít nhiều đã xuất hiện trong các sáng tác của tác giả Việt. Không chỉ họa sĩ Dương Đức, anh Đặng Quang Dũng (tác giả Nhật ký Mèo Mốc) hay họa sĩ Linh Rab cũng nhận xét rằng các họa sĩ trẻ hiện nay phần lớn đều bị ảnh hưởng bởi manga hơn là các loại truyện tranh khác như comic phương Tây… Nhưng mỗi người họa sĩ vẫn cho thấy khả năng tạo nên bản sắc riêng bởi nguồn cảm hứng đến từ những thứ rất Việt Nam như sự việc, con người, ngôn ngữ…
Khẳng định phong cách riêng
Nhìn từ góc độ phương thức thể hiện, làn sóng manga đã đem tới những sự lựa chọn mới cho các tác giả. Từ đó, họ có thể linh hoạt chọn lọc, biến đổi và trình bày câu chuyện theo phong cách cá nhân của mình. Họa sĩ Bách Lê (hiện là tác giả tại A2b Studio) kể lại giống nhiều họa sĩ khác, anh đã tiếp nhận văn hóa manga từ nhỏ và học hỏi từ nhiều phong cách khác nhau để phát triển phong cách riêng. Anh cho rằng, việc học hỏi và kết hợp những yếu tố hay từ nhiều nguồn khác nhau là cách để xây dựng phong cách cá nhân.
Dù vậy, họa sĩ Bách Lê vẫn đề cao việc thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, nó có thể xuất hiện trong suy nghĩ, tư tưởng, tính cách của nhân vật chính hay bối cảnh, chi tiết, sự việc... “Sẽ là thất bại nếu một tác phẩm Việt lại không được độc giả không nhận ra đây là truyện Việt Nam”, anh Bách Lê nhấn mạnh.
Họa sĩ Linh Rab cũng đồng ý bản sắc văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong việc định hình phong cách cá nhân. Là người Việt Nam, sống trong môi trường văn hóa Việt, các họa sĩ sẽ tự nhiên tạo ra những tác phẩm đậm chất văn hóa Việt, dù có ảnh hưởng từ bất kỳ nguồn nào.
Linh Rab cho rằng việc xây dựng một không gian truyện tranh trong nước rộng mở và được độc giả Việt yêu thích là mục tiêu quan trọng nhất. Các họa sĩ Việt Nam không chỉ nỗ lực sáng tạo mà còn liên tục làm mới những chất liệu văn hóa Việt để tạo ra những tác phẩm độc đáo và thu hút.
Họa sĩ Đặng Quang Dũng từng thừa nhận là một fan truyện tranh Nhật, đặc biệt là bộ Doraemon nhưng các sáng tác của anh vẫn mang chất riêng và câu chuyện đùa kiểu Việt Nam. |
Họa sĩ Dương Đức cũng nhấn mạnh dù tiếp thu nhiều đặc điểm từ manga, truyện tranh Việt Nam vẫn có những đặc trưng riêng biệt. Ví dụ, manga có thể chứa đựng yếu tố bạo lực, nhưng truyện tranh Việt Nam thường hướng tới sự trào phúng, thể loại phiêu lưu và giải trí. Điều này cho thấy việc định hình phong cách cá nhân không chỉ dừng lại ở việc học hỏi từ manga mà còn phải biết chọn lọc để phù hợp với văn hóa và thị hiếu của độc giả Việt Nam.
Từ những chia sẻ của các họa sĩ, có thể thấy rằng việc định hình phong cách cá nhân trong bối cảnh làn sóng manga lan rộng không chỉ là việc học hỏi và kết hợp mà còn phải đảm bảo giữ được bản sắc văn hóa Việt. Điều này không chỉ giúp tạo ra những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân mà còn góp phần xây dựng và phát triển nền truyện tranh Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng