Tính đến 9/1, tổ cứu nạn cứu hộ công trình cầu Rọc Sen (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vẫn tiếp tục công cuộc cứu hộ để kéo ống cọc bê tông có bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) lên.
Về tiến độ thực hiện, đội cứu hộ đã đóng xong khung vây ván thép vòng ngoài để giữ ổn định cho thiết bị thi công. Đồng thời đơn vị lắp xong 2/5 tầng khung chống và đào đất được một phía vách đến cao độ khoảng -13 đến -14 m so với mặt đất.
Hiện đơn vị tập kết đến công trường các thiết bị phục vụ công việc như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6-1 m, ống vách đường kính 1 m và 2 m. Riêng búa rung 180 kW đang được vận chuyển từ cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), dự kiến tối 9/1 đến công trường.
"Nhân lực được huy động đảm bảo bố trí làm 4 ca thay phiên nhau, mỗi ca 6 giờ để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho công nhân làm việc", đại diện đội cứu hộ tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm.
Đội cứu hộ tỉnh Đồng Tháp điều thêm búa rung 180 kW, dự tiến tối 9/1 sẽ đến nơi. Ảnh: Sở TT&TT Đồng Tháp. |
Trước đó, trong cuộc họp ngày 7/1, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương đã thống nhất phương án nhổ ống cọc bê tông qua 11 bước. Các bước sẽ đảm bảo tính khả thi khi đáp ứng đủ thiết bị tại chỗ, thời gian cũng như độ an toàn cho đơn vị thi công.
Công cuộc cứu hộ để kéo ống cọc bê tông lên đã kéo dài hơn một tuần, tính từ trưa 31/12, thời điểm bé Hạo Nam rơi xuống. Sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia, phương án cứu hộ mới nhất được thông qua là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh ống cọc bê tông.
Theo đó, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh ống cọc bê tông tạo thành một bộ khung 4,8 m x 4,8 m, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1). Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6 m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy ống cọc bê tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy ống cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc ống cọc bê tông lên.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.