Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Điệu tâm tình dân tộc

“Ao nông cá vượt” là bài thơ hay của Nguyễn Thái Sơn. Ở đó, chúng ta nhận ra nhịp tự tình của người dân quê trong hình hài lục bát.

Mũi kim gãy giữa đường may

Chỗ kia tràn nước nơi này cơm khê

Bao nhiêu người đổ ra hè

Phố phường tắc nghẹn, ngựa xe chợt dừng.

***

Pháo nghênh pháo tiễn pháo mừng

Dập dìu bên ấy rưng rưng bên này

Dây diều đã vuột khỏi tay

Người xinh nhất tổng hôm nay lấy chồng.

***

Xe hoa nửa trắng nửa hồng

Tàn thu, ngọn gió lúc đông lúc nồm

Mẹ ơi xin mẹ đừng buồn

Lỗi tại con, chỉ vì con vụng về.

***

Người ta trả lễ rồi đi

Ngẩn ngơ khắp huyện, riêng gì nhà ai

Đau lòng cả đám con trai

Ao nông cá vượt ra ngoài sông sâu.

***

Nhạt vôi, héo cả cau trầu

Từ khi người ấy làm dâu đất người

Sân rêu lớp lớp lá rơi

Buồn chia khắp xứ, ngậm ngùi cả quê…

Lời bình

Nếu nhìn vào lịch sử thể loại, lục bát có lẽ là thể thơ đắc dụng nhất trong việc chuyển tải tâm tư, tình cảm, điệu tâm hồn của người dân quê. Chẳng thế mà ca dao đã vận hành theo thể lục bát để ngân lên nhịp tự tình dân tộc từ bờ tre gốc lúa, từ đêm trăng giao duyên đối đáp, từ cánh cò cánh vạc trên đồng…

Bài thơ Ao nông ca vượt của Nguyễn Thái Sơn đặt vào không gian lục bát với cấu trúc vần, nhịp quen thuộc không đem đến cho người đọc sự ngạc nhiên, mới mẻ nào. Dĩ nhiên, với người làm thơ, khuôn khổ vừa là chuẩn mực để đạt đến cũng vừa là thách thức để vượt qua. Nhưng, bài thơ lại rất ám ảnh. Vì sao vậy?

Như đã nói, điệu quê, tình quê chính là dưỡng chất đằm sâu vào lục bát. Đánh thức được hồn quê trong tình điệu ấy chính là điểm thành công của bài Ao nông cá vượt. Không gian của bài thơ dẫu có nhắc đến phố, đến huyện, đến tổng thì vẫn là không gian của ký ức làng còn in dấu trong lối tư duy và xúc cảm về duyên phận, cau trầu, quê xứ. Cả nỗi ngậm ngùi kim gãy, diều bay, ao nông cá vượt cũng là nỗi ngậm ngùi của kẻ quê vụng về đành lỡ dở.

Đường may cứ đều đặn nhịp nhàng chắc chẳng làm sao. Làm sao là khi kim gãy, cũng có khi vì ngơ ngẩn mà mũi kim châm vào ngón tay nhói buốt. Giấu trong nỗi ngậm ngùi của cả đám con trai, của cả huyện cả tổng dường như có một nét cười buồn. Ở đó, điệu tâm tình của người quê mới thực sự nhói lên. Người ta tìm thấy trong trạng thái buồn chút gì lấp lánh để không chìm vào bi lụy. Bài thơ ghim vào lòng ta bởi chính điệu tâm tình nguyên sơ ấy.

'Nếu em ngoái đầu nhìn lại'

Bài thơ “Nếu em ngoái đầu nhìn lại” của Hữu Việt đánh thức những rung động tinh tế, lặng thầm len giữa hai mùa, len giữa khoảng cách của tình yêu và xa cách.

Xanh xưa bên ai?

“Sen” là một bài thơ hay của Phùng Tấn Đông với những cảm xúc, thanh âm, hương sắc còn dùng dằng giữa phai tàn và níu giữ.

Nguyễn Thái Sơn

Bạn có thể quan tâm