Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, tất cả các loại thực phẩm được sản xuất và bán ở Mỹ phải được dán nhãn chứa vừng nếu vừng nằm trong bảng thành phần.
Nếu vừng không nằm trong bảng thành phần của thực phẩm đó, các công ty vẫn phải đảm bảo thực phẩm hoàn toàn không tiếp xúc với vừng, nói cách khác là ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, theo AP.
Một túi bánh mì dãn nhán chứa vừng ở New York ngày 21/12/2022. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia trong ngành thực phẩm cho biết điều luật mới phức tạp và không thực tế.
Nathan Mirdamadi, một nhà tư vấn về an toàn thực phẩm nhận xét: “Luật mới như thể đang yêu cầu những người thợ ra bãi biển làm bánh và phải nhặt hết cát đi”.
Các yêu cầu nghiêm ngặt đến mức nhiều nhà sản xuất thấy việc thêm vừng vào sản phẩm và sau đó dán nhãn sản phẩm chứa vừng còn đơn giản và ít tốn kém hơn là cố gắng bảo vệ sản phẩm tránh khỏi tiếp xúc với vừng.
Một số công ty - bao gồm các chuỗi nhà hàng của Mỹ như Olive Garden, Wendy's, Chick-fil-A và các nhà sản xuất bánh mì - đã thêm vừng vào các sản phẩm vốn trước đây không có vừng.
Mặc dù hành động này là hợp pháp, người tiêu dùng và những người ủng hộ điều luật cho rằng nó phá hỏng tinh thần của điều luật - nhằm giúp thực phẩm an toàn hơn cho người bị dị ứng vừng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng cho biết họ “không ủng hộ” các công ty Mỹ hành động như vậy.
Vừng hiện là một trong 9 chất gây dị ứng chính tại Mỹ và bắt buộc phải được dãn nhãn trên thực phẩm, bên cạnh trứng, sữa, cá, lạc, các loại hạt dẻ, sò, lúa mì và đậu nành.
Những người dị ứng với vừng đã vận động hành lang trong nhiều năm để thêm loại hạt này vào danh sách các chất gây dị ứng chính.
Hơn 1,6 triệu người ở Mỹ bị dị ứng với vừng, có những người bị nghiêm trọng đến mức họ cần tiêm epinephrine, một loại thuốc dùng để điều trị các phản ứng đe dọa đến tính mạng. Theo Tiến sĩ Ruchi Gupta tại Đại học Northwestern, các trường hợp dị ứng vừng đang gia tăng trong những năm gần đây do ngày càng có nhiều thực phẩm chứa thành phần này.