Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều kỳ diệu của sự sống qua tự truyện của bác sĩ nổi tiếng Nhật Bản

Cuộc đời bác sĩ Hinohara là minh chứng rõ ràng nhất cho sự kỳ diệu của sự sống. Ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa, nhân hậu và dùng sự sống của mình để giúp đỡ người khác.

100 điều kỳ diệu của cuộc sống là cuốn tự truyện được viết năm 99 tuổi của bác sĩ nổi tiếng Nhật Bản, Shigeaki Hinohara, tặng cho các em nhỏ, với mong muốn giúp các em có những hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của cuộc sống.

Bằng lối viết chân thành, nhân hậu, mỗi câu chuyện chia sẻ của tác giả Hinohara đều khiến người đọc tìm được sự đồng cảm, yêu quý.

100 dieu ky dieu cua cuoc song anh 1

Cuốn sách tự truyện viết lúc 99 tuổi của tác giả Shigeaki Hinohara. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Bệnh tật là món quà của thượng đế

Tuổi thơ của Hinohara Shigeaki có nhiều biến động, với hai lần bị bệnh nặng, nhưng đó lại là hai lần giúp ông có cái nhìn thấu đáo hơn về cuộc sống.

Năm 10 tuổi, ông bị mắc bệnh viêm thận cấp tính, không được vận động trong một năm. Ban đầu điều đó khiến cuộc sống của ông hoàn toàn bị đảo lộn, tâm trạng trở nên bức bối.

Trong hoàn cảnh khó chịu ấy, mẹ là người luôn nhẫn nại ở bên Hinohara, và động viên giúp ông tìm được hứng thú trong đời sống.

Thấu hiểu sự khó chịu của con trai, mẹ đã gợi ý ông thứ học viết thư pháp. Ban đầu một đứa trẻ yêu thích vận động như ông, cảm thấy điều đó sẽ không có gì vui. Nhưng để không phụ công mẹ chuẩn bị mực và giấy, ông vẫn viết, và thật kỳ lạ càng viết càng trở nên hứng khởi.

Cũng trong khoảng thời gian bệnh tật này, mẹ đã dồn tiền tiết kiệm để cho ông đi học piano. Việc được tiếp xúc với âm nhạc, đã khiến ông tìm kiếm được những điều tinh tế trong tâm hồn.

Đến năm 20 tuổi, khi đang là sinh viên năm nhất của Đại học Hoàng gia Kyoto, Hinohara lại một lần nữa bị căn bệnh viêm màng phổi do lao. Thời ấy, lao chưa có thuốc chữa, mắc phải căn bệnh này cảm giác của ông thật tuyệt vọng.

Nhưng ông đã kiên trì tiến lên, vượt qua được bệnh tật. Đồng thời dùng quãng thời gian bệnh tật ấy để chơi piano và sáng tác nhạc, làm cho tâm hồn tươi vui. Với ông, hai lần trải nghiệm nỗi tuyệt vọng của bệnh tật ấy đã giúp ông “hiểu sâu sắc nỗi thống khổ cũng như suy nghĩ sâu kín trong lòng người bệnh, sẽ có thể chăm sóc người bệnh theo cách phù hợp".

100 dieu ky dieu cua cuoc song anh 2

Chân dung bác sĩ huyền thoại của Nhật Bản. Ảnh: Artturi.


Làm một phần của vòng tròn lớn luôn truyền cảm hứng

Trong cuộc đời của mình, bác sĩ Hinohara luôn có một nguồn lực thôi thúc, như hai câu thơ ông yêu thích: “Đừng hài lòng với vòng tròn nhỏ mình vẽ. Hãy làm một phần tạo ra vòng tròn lớn”. Bởi thế, ông luôn dũng cảm tạo ra các thử thách bằng tầm nhìn lớn lao.

Năm 1954, ông đã xây dựng Khoa kiểm tra sức khỏe tổng quan đầu tiên tại Nhật Bản. Việc kiểm tra sức khỏe tổng quan nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm những căn bệnh mà bản thân người bệnh chưa thực sự cảm nhận được triệu chứng của bệnh.

Ông cũng chia sẻ về triết lý 3 chữ V trong hành trình sống của mình đến với các bạn trẻ sau này: “Dù biết rõ sẽ gặp khó khăn, nhưng trước hết hãy vạch ra tầm nhìn (Vision) của mình, đó là điều quan trọng mà cha đã dạy cho tôi. Điều cần thiết là phải có tinh thần thử sức với thách thức - đó chính là chìa khóa mở cánh cửa tương lai, đưa chúng ta đến với chiến thắng (Victory). Có tầm nhìn (Vision) - biết vẽ ra kế hoạch lớn và mạo hiểm - Venture (thử sức với lòng dũng cảm) sẽ đưa chúng ta đến với chiến thắng đang đón chờ”.

Ông đã trao truyền những ý nghĩa lớn lao này đến với những lứa bác sĩ trẻ sau này, với niềm tin rằng, vòng tròn sẽ luôn được hoàn thiện.

100 dieu ky dieu cua cuoc song anh 3

Trân trọng sự sống mà chúng ta đang có là điều vô cùng quan trọng. Ảnh:Chanhtuduy.


Sự sống là một điều kỳ diệu

Cuộc đời trải dài 100 năm của bác sĩ Hinohara đầy những thăng trầm, với chiến tranh, khủng bố, đói nghèo… nhưng ông chưa từng bỏ cuộc. Ông hành nghề bác sĩ cho đến năm cuối đời, tích cực trong việc làm tình nguyện, và giáo dục thế hệ trẻ.

Ông là một trong những hành khách đi chuyến bay Boeing 727 mang số hiệu 351 của hãng hàng không Japan Airlines chở 115 người bị không tặc ngày 31/3/1970. Ông cũng là bác sĩ đã chứng kiến và chữa trị cho bệnh nhân trong vụ khủng bố thảm khốc bằng chất độc sarin trên tàu điện ngầm…

Nhiều lần đối diện với cái chết như vậy, với ông, sự sống chính là thời gian. “Chúng ta sử dụng thời gian có thể khác nhau, nhưng tất cả đều là sự sống”. Trân trọng sự sống mà chúng ta đang có là điều vô cùng quan trọng.

Cuộc đời bác sĩ Hinohara là minh chứng rõ ràng nhất cho sự kỳ diệu của sự sống. Ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa, nhân hậu và dùng sự sống của mình để giúp đỡ người khác.

Nói chuyện với mỗi bạn nhỏ về điều này, Hinohara mong muốn góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ, giúp các em hiểu được ý nghĩa của sự sống: “Sử dụng sự sống của mình vì người khác, điều ấy không dễ dàng chút nào. Nhưng nếu từng người, từng người một có thể sử dụng thời gian của mình vì người khác hơn nữa… thì lúc đó chúng ta sẽ tạo ra một thế giới hòa bình không chiến tranh”.

Ông đã dùng cả đời của mình nỗ lực để truyền gửi thông điệp về sự quý giá của cuộc sống và cho thế giới hòa bình.

Shigeaki Hinohara là bác sĩ huyền thoại của y học Nhật Bản. Ông là bác sĩ lâm sàng có nhiều cống hiến cho y tế dự phòng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối. Đặc biệt, Bác sĩ Shigeaki Hinohara là bác sĩ cao tuổi nhất liên tục hành nghề, không nghỉ hưu và làm việc cho đến khi ông qua đời ở tuổi 106.

Ông là người đi tiên phong phát triển ngành y học dự phòng tại Nhật. Ông đã nhận ba bằng Tiến sĩ danh dự do các trường đại học ở Nhật, Mỹ và Canada phong tặng.

Đọc sách sẽ xoa dịu nỗi cô đơn trong tâm hồn

“Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” dẫn dắt người đọc vào thế giới sâu thẳm của những cuốn sách, để sách trở thành liều thuốc chữa lành vết thương cho mỗi người.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm