Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà nghèo có nên học đại học?

Cô gái người Dao Chảo Yến đỗ đại học, mừng vui khôn tả. Thế nhưng, thím của Yến nói: "Không phải vui quá đâu, cháu vui, bố mẹ lại khổ".

Tôi về nhà thấp thỏm lo trượt, nhưng cũng không dám chia sẻ việc tôi không làm được bài với ai.

"Chị Yến đỗ đại học rồi"

Từ khi bị tôi khuất phục, mẹ đã luôn dành niềm tin tuyệt đối ở tôi, đã chịu đựng mọi thứ vì đứa con bướng bỉnh mà mẹ hay gọi là “đầu hai xoáy” này. Nhìn ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng của mẹ, tôi chẳng nỡ lòng nào kể chuyện cho mẹ nghe.

Với tôi, nỗi sợ lớn nhất không còn là đường về nhà nữa, mà chính là ánh mắt thất vọng của bố mẹ. Tôi lại im lặng. Tôi âm thầm cầu nguyện bà tiên thấu nỗi lòng của tôi mà chuyển hết đáp án của tôi từ sai thành đúng.

Thằng Tâm từ trường về hớn hở khoe: “Chị Yến đỗ đại học rồi”.

Tôi như không tin vào tai mình. Tôi nghĩ nó biết chuyện tôi không làm được bài nên trêu tôi. Nó lôi từ trong cặp sách giấy báo nhập học ra.

Tôi sung sướng đến phát khóc, tôi vụt nhảy cẫng lên, lòng không khỏi bồi hồi, xúc động. Hẳn ông bà tiên cũng đang đứng đâu đó nhìn tôi và nở nụ cười hiền từ như trong truyện cổ tích.

Tôi chạy xuống nhà khoe với thím là tôi đỗ đại học. Thím bĩu môi và nói: “Không phải vui quá đâu, cháu vui, bố mẹ lại khổ”.

Cảm xúc của tôi khi nghe câu nói ấy của thím là như thế nào nhỉ? Thất vọng, tự ái, hụt hẫng, uất ức, căm ghét, hơi đắng, hơi mặn, hơi nồng, mỗi thứ một ít, nhưng chẳng có cảm xúc nào là rõ ràng cả.

Tôi im lặng, bước ngược lại về nhà, để mặc thứ cảm giác đó bị tờ giấy trúng tuyển và nụ cười của mẹ xua đuổi, tẩy xóa.

Bố không ở nhà, bố tự có niềm tin, nên dù chưa biết kết quả, bố đã đi làm, đợi tôi có giấy báo là có ngay tiền đưa tôi đi nhập học.

Lần đầu ấy của tôi cũng là lần đầu của mẹ. Trong bản chưa từng có ai đi học đại học nên tôi với mẹ rất lo về thủ tục nhập học.

Mẹ chạy đôn đáo hỏi vay tiền cho tôi đi học

Mùng 5 tháng 9 phải nhập học mà bố vẫn chưa về, mẹ lo lắng vì nếu bố không về đưa tôi xuống trường thì nhà trường sẽ không nhận tôi nữa.

Tôi với mẹ sốt xình xịch. Mẹ như siêu nhân, chạy từ đầu làng đến cuối làng hỏi vay tiền, đánh gần bờ không hiệu quả, mẹ lại đánh xa bờ, nhưng cũng không có kết quả gì.

Tôi thấy lại ánh mắt đăng đắng của bố ở nơi mẹ khi mẹ nhìn tôi: “Làm thế nào bây giờ gái? Sắp đến ngày đi rồi mà bố con chưa về, mẹ còn chưa hỏi vay tiền người ta đã than khổ trước rồi nên mẹ đi về”.

Một tiếng thở dài như dòng điện cao thế xuyên ngang tim tôi, tạo nên một vết cắt vô hình đau buốt. Tôi không nói gì, lại cúi gằm mặt xuống để tránh đôi mắt ấy.

Tôi có suy nghĩ đến việc không đi học nữa, nhưng… Ừ, lại một từ “nhưng”, đi sau nó là cả nghìn lý do khiến tôi tiếp tục đóng vai đứa con bất hiếu.

Sau này, tôi có đọc được bài báo với tựa đề “Nhà nghèo có nên đi học?” và tôi có phần nào đồng ý với ý kiến của tác giả khi cho rằng việc bố mẹ nghèo mà con cái vẫn cố gắng đi học là bất hiếu.

Nhưng tôi cũng lại không đồng tình, vì khi ấy ngoài niềm tin đi học sẽ thoát nghèo ra, tôi không biết con đường nào khác để thoát nghèo hay đơn giản nhất chỉ là có niềm tin khác vào một con đường khác.

Chung quy, việc bài báo nói đúng một nửa, cũng đủ căn cứ, bằng chứng để kết tội một đứa ngang bướng như tôi rồi.

Không có điện thoại liên lạc với bố, thời gian cứ trôi đi không ngừng nghỉ. Mẹ và tôi tắt chế độ hồi hộp, bật chế độ bất lực ở mức cực đại, thì có người sang chỗ bố làm. Mẹ đưa tin đến bố. Tôi và mẹ lại sống trong những tháng ngày màu xanh của hy vọng, nhưng màu xanh ấy chuyển dần thành sắc xám ảm đạm khi hôm sau đã là ngày phải xuống trường mà chưa thấy bố về.

Mẹ nói: “Con cứ chuẩn bị đủ đồ đạc đi, mai nếu bố về thì đi luôn cho kịp”. Mẹ đâu biết rằng, tôi đã gấp đồ cần phải mang đi từ lúc nhận được giấy báo nhập học. Đồ tôi mang đi chỉ vỏn vẹn có cái cặp sách được nhà trường tặng vào hôm tri ân cho “công trạng” làm lớp trưởng ba năm liên tiếp.

Cả trường có mình tôi với bạn Hiền lớp A1 được nhận, chắc do hai đứa đanh đá quá nên không thể bị lật đổ dù kinh qua bao mùa “bầu cử”. Hành trang tôi mang còn có thêm hai bộ đồng phục cấp ba và một cái áo gió đồng phục nữa. Chỉ vậy thôi, nên nếu mẹ nhất quyết bắt tôi chuẩn bị đồ, tôi sẽ lôi chúng ra gấp rồi nhét ngược lại vào cho đúng thủ tục trình tự.

Ngày nhập học đã đến, tôi với mẹ cứ đứng ngoài sân nhìn sang con đường đi ngóng bố về. Chế độ tuyệt vọng được lập trình sẵn tự động bật lên khi bộ não của mẹ và tôi chỉ tiếp nhận được hình ảnh trong xanh, quang đãng, tĩnh lặng không một bóng người trên con đường đi ngược về làng. Sức mạnh siêu nhân tiềm tàng trong người mẹ trỗi dậy.

Chuyến xe cuối cùng trong ngày xuống thành phố Lào Cai vào 3 rưỡi chiều. Đúng 12 giờ trưa, niềm tin trong mẹ bùng cháy, mẹ truyền sức mạnh ấy sang cho tôi, tôi khoác túi, lê chân theo mẹ xuống thôn khác hỏi mượn tiền.

Nhiều khi tôi nghĩ, cuộc đời này thật lạ kỳ. Một gia đình vốn nổi tiếng ki bo kẹt xỉ, một quả trứng nấu đủ cả nhà năm miệng ăn bỗng nhiên lại gật đầu cái rụp và đưa tận 3 triệu cho mẹ. Thần kỳ, quá sức là thần kỳ!

Chuyện bố con cô gái người Dao đi thi đại học

Giờ đây, Chảo Yến đã hoàn thành chương trình thạc sĩ ở châu Âu và trở về, nhưng ấn tượng về lần đi thi đại học - chuyến đi xa đầu tiên - vẫn hiện lên sinh động.

Chảo Yến / NXB Thế giới và công ty sách Sống

SÁCH HAY