|
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và một thời (NXB Hội Nhà văn, 2018) của tác giả Nguyễn Xuân Hải, là cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của liệt sĩ, bác sĩ, đại biểu Quốc hội khóa I Nguyễn Văn Luyện.
Bác sĩ có tư tưởng tiến bộ
Với tư liệu có nguồn từ các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, hồi ký của các nhân vật lịch sử…, cuốn sách khắc họa cuộc đời 48 năm của vị bác sĩ yêu nước và những năm tháng cống hiến của ông cho cách mạng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện sinh ngày 30/4/1898, quê gốc ở xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp xuất sắc trường Y Đông Dương năm 1919, được bổ làm việc ở Phú Thọ.
Năm 1925, ông nhận học bổng sang Pháp học tiếp và làm luận án bác sĩ tại Paris với chuyên đề “Nghiên cứu Y học xã hội về sự tử vong của trẻ em ở tuổi đầu đời”.
Tháng 8/1928, ông về nước, làm việc ở Hưng Yên và một số tỉnh miền núi.
Năm 1931, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện về Hà Nội mở nhà thương tư.
Ông Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, từng cho biết: Nguyễn Văn Luyện là bác sĩ đầu tiên mở bệnh viện tư, ưu tiên khám chữa bệnh cho người nghèo. Ngôi nhà số 167 phố Phùng Hưng trở nên nổi tiếng với cái tên "Nhà thương Ngõ Trạm".
Từ năm 1939 đến tháng 1/1942, bác sĩ Luyện sáng lập và làm chủ tờ báo Tin Mới. Ông vừa chữa bệnh vừa viết báo và là tác giả của trăm bài về y học và xã hội học.
Theo ông Vũ Đình Hòe, Tin Mới thời ấy bán rất chạy ở Hà Nội do xu hướng tiến bộ và cập nhật thông tin sốt dẻo, in ấn đẹp. Quan điểm xã hội tiến bộ sớm đưa bác sĩ Luyện đến với phong trào cách mạng dân tộc dân chủ. Đây là tờ báo công khai đầu tiên đăng 10 chính sách của Việt Minh.
Tờ Tin Mới do bác sĩ Nguyễn Văn Luyện sáng lập và làm chủ bút. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam. |
Những cống hiến cho Nhà nước cách mạng
Hai tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thành lập Ban cố vấn giúp Người, với 10 thân sĩ uy tín nhất. Trong 6 vị cố vấn đầu tiên do chính Người đề nghị, có bác sĩ Nguyễn Văn Luyện.
Chỉ ít ngày sau khi trở thành cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Luyện tiếp tục được cử làm Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết và Tổng Thanh tra Tài chính.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 ở Hà Nội, ông Luyện trúng cứ, trở thành một trong 6 đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội. Tại kỳ họp Quốc hội khóa I diễn ra ngày 2/3/1946, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban thường trực Quốc hội.
Sau đó, ông tiếp tục được giao những trọng trách như thành viên Phái đoàn đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt, cố vấn phái đoàn đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa I, diễn ra từ ngày 29/10 đến 9/11/1946, bác sĩ Luyện được bầu là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ít nhiều có đóng góp gián tiếp của ông.
Theo giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ban dự thảo Hiến pháp 1946 có trụ sở làm việc tại 65B Lý Thường Kiệt, tức nhà riêng của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. Ông cho mượn phòng khách để làm việc và họp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và 2 con trai. Nguồn: Sách Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và một thời. |
Cuối năm 1946, tình hình rất căng thẳng khi thực dân Pháp liên tục gây hấn, kích động các đảng phái phản động chống Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Theo ông Vũ Đình Hòe, bác sĩ Luyện đã viết và cho in cuốn sách nhỏ, lên án chính sách thuộc địa mới của De Gaull, khiến bọn thực dân hiếu chiến vô cùng tức tối.
Cả gia đình bác sĩ Luyện được đề nghị tản cư ra vùng an toàn ở ngoại thành, nhưng ông đã trả lời: “Hai con trai tôi, sinh viên y khoa, là tự vệ thành, đã quyết tử thủ. Tôi là bác sĩ, quyết không rời chiến sĩ”.
Sang tháng Chạp năm 1946, trước tình hình chiến sự nổ ra bất cứ lúc nào, bác sĩ Luyện cho vợ và 3 con gái tản cư, còn ông và 2 con trai là Nguyễn Quang Giám và Nguyễn Đình Minh ở lại cố thủ trong ngôi nhà của mình.
Khoảng 20h ngày 19/12/1946, điện thành phố vụt tắt, tiếng đại bác từ Pháo đài Láng của ta gầm vang, bắt đầu Toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm đó, ông Vũ Đình Hòe được báo cáo rằng bác sĩ Luyện cùng 2 con đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, trước khi hy sinh.
Bác sĩ Luyện đã được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Vợ ông, bà Phùng Thị Thược, được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu năm 2018.