Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí (1925-1945), nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp đã dành một phần nói về du lịch ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong bối cảnh xã hội đã có những biến chuyển to lớn về nhận thức.
Cuộc du lịch ba kỳ của ông Trịnh Hưng Ngẫu
Tác giả cho biết từ cuối thế kỷ 19, một số người Việt đã đi chu du nhiều xứ ở châu Âu (đa phần là Pháp) và các nước chung quanh bằng tàu thủy. Sau đó, họ đã kể lại trên báo chí quốc ngữ những việc mắt thấy tai nghe trong các chuyến đi như vậy.
Sang đầu thế kỷ 20, ông Jacques Lê Văn Đức - một doanh nhân và cũng là soạn giả của các tuồng hát bội và cải lương - từng đi chu du nhiều nước đã đăng nhiều kỳ nhật ký hành trình của ông trên báo L’Écho Annamite. Sau đó, xuất bản thành các sách: Du hành phương Đông (1925), Du lịch bên Xiêm (1926), Tây hành lược ký (1928), Cách đi Tây (1931).
Poster quảng bá du lịch Đông Dương những năm 1920, 1930. Nguồn: pinterest. |
Tờ Phụ nữ Tân văn - tờ báo phụ nữ xuất bản tại Sài Gòn và có nhiều ảnh hưởng về văn hóa, xã hội ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ 20 - ngay trong những số đầu tiên đã đăng du ký Sang Tây của Phạm Vân Anh (tức Quán Chi Đào Trinh Nhất) thuật lại chuyện đi tàu từ Sài Gòn đến Marseille.
Đến cuối thập niên 1920, trong quần chúng người Việt đã có khái niệm về du lịch đi qua các xứ gần và xa, nhất là từ khi Chim Giao (2 tay vợt nổi tiếng của miền Nam trong thập niên 1920 và 1930: Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao) đoạt giải vô địch quần vợt Malaya và thi đấu ở các nước Pháp, Singapore, Trung Quốc.
Trên tờ Phụ nữ tân văn (ra ngày 22/8/1929) có đăng nhật ký về chuyến du hành đến Singapore của ông Cao Văn Chánh, một người tân học có tư tưởng tiến bộ về nhiều mặt. Trong bài báo này, ông đã có những mô tả tương đối kỹ về Singapore và có những so sánh khá thú vị giữa vùng đất này với Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ông Trịnh Hưng Ngẫu - từng du học ở Pháp, sau này tham gia nhóm La Lutte (Báo Tranh đấu) cùng Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo - là người Việt đầu tiên tổ chức tour du lịch xuyên Việt. Ông đã dẫn một đoàn đi du lịch thăm ba kỳ (Nam - Trung - Bắc) và Cao Miên vào năm 1929. Tờ Phụ nữ tân văn ra ngày 22/8/1929 xem đây là một việc làm đem lại nhiều lợi ích.
Tờ này viết: “Cuộc du lịch ba kỳ của ông Trịnh Hưng Ngẫu đã tổ chức ra, thật là một việc làm có ích. Vì lâu nay hình như có người muốn đi quan sát non sông và phong tục của ta, song đi một mình hoặc tốn kém quá, chịu không nổi, hay hoặc không có người chỉ dẫn cho.
Nay ông Trịnh Hưng Ngẫu tổ chức ra cuộc du lịch ấy, thật là bổ khuyết được hai điều kia. Ai dự vào cuộc du lịch ấy, đã rẻ tiền, lại có người đi theo chỉ dẫn cho. Thật là một cơ hội ít có.
Đoàn du lịch ấy đã đi quan sát Cao Miên, khắp Nam kỳ, lại vừa rồi đi ra Huế mới về. Có lẽ nay mai ra Bắc nữa”.
Vấn đề đạo đức, luân lý và du lịch
Có một điều cũng đáng lưu ý là vào thời kỳ này, việc du lịch hay đi xa rất khó khăn đối với phụ nữ do thành kiến có sẵn về phẩm giá.
Tờ Phụ nữ tân văn (25/10/1934) đã có bài về vấn đề này, đó là sự kiện cô Nguyễn Thị Kiêm (bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh, con gái tri huyện Nguyễn Đình Trị), nhà văn và nhà báo, từ Sài Gòn ra Hà Nội để cổ vũ cho báo Phụ nữ tân văn và có diễn thuyết ở Hội Khai trí Tiến đức.
Sự kiện này đã được phản ánh một cách mỉa mai trên các báo khác. Những người có ý phản đối là muốn bảo vệ cho đạo đức và luân lý khi cho rằng một thiếu nữ đi xa tuy là đi cùng với cha, nhưng lo sợ cho cô ấy có kiên tâm giữ được phẩm giá hay không. Thậm chí, có người còn đến tòa soạn Phụ nữ tân văn than phiền là “Con gái sao lại đi xa như vậy, tôi không phục!”.
Điều này đã khiến bà Nguyễn Đức Nhuận (người sáng lập báo) lên tiếng phê bình những người chỉ trích cô Khiêm. Theo bà cần phải xem xét trong buổi diễn thuyết trước công chúng đó cô Khiêm có ý kiến gì, có xác đáng không, có hại hay có lợi cho cuộc vận động của toàn thể nữ giới chứ không để tâm hết vào những việc về cá nhân luân lý.
Tóm lại, những thông tin mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cung cấp trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí (1925-1945) là rất quý (dù chỉ để cập một vài khía cạnh về du lịch ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong thập niên 1920, 1930). Nó cho biết đời sống du lịch của người Việt cách đây một thế kỷ, cũng như quan niệm thời đó về việc đi du lịch đối với phụ nữ ra sao.