Adan Herrea, một nông dân sinh sống ở một ngôi làng phía bắc Honduras, cảm thấy sốc trước thiệt hại mà bão Eta gây ra khi chèo thuyền qua vùng nước lũ do cơn bão để lại.
"So với bão Mitch, cơn bão này gây ra nhiều thiệt hại hơn vì nước dâng quá nhanh. Chúng tôi sợ rằng sẽ không còn gì để ăn", anh Herrera chia sẻ.
Bão Mitch năm 1998 là cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất từng đổ bộ vùng Trung Mỹ. Tuy nhiên, hàng trăm nghìn nông dân tại khu vực đã mất tất cả mùa màng trong trận lụt do bão Eta gây ra khi nó đổ bộ vào bờ biển Nicaragua hôm 3/11. Giờ đây, khi một cơn bão khác được dự đoán đổ bộ gần khu vực này, nhiều người khác có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Các nhà khoa học khí hậu cho biết mùa mưa bão kỷ lục năm nay và trận bão kép "chưa từng có" ở Trung Mỹ có mối liên hệ rõ ràng với cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Trong vòng 36 giờ, Eta từ một cơn áp thấp đã trở thành cơn bão cấp 4 rất mạnh. Đó là điều không bình thường. Có lẽ đó là sự chuyển biến từ áp thấp sang bão lớn nhanh nhất trong lịch sử", ông Bob Bunting, Giám đốc điều hành Trung tâm Thích ứng Khí hậu (tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Florida, Mỹ), chia sẻ.
Một người đàn ông đứng giữa đống đổ nát và mưa lũ do bão Eta gây ra ở Honduras. Ảnh: Getty. |
Bằng chứng về biến đổi khí hậu không đến từ con số 30 cơn bão nhiệt đới đổ bộ từ Đại Tây Dương trong năm nay, mà đến từ sức mạnh, cường độ và tổng lượng mưa mà chúng gây ra.
"Biến đổi khí hậu khiến nước biển ấm hơn và dự kiến làm cho các cơn bão trở nên mạnh hơn, và cũng làm chúng trở nên mạnh hơn một cách nhanh chóng và thường xuyên hơn. Những điều này đã được quan sát thấy ở Đại Tây Dương, và nó sẽ ngày càng phổ biến trong những thập kỷ tới", tiến sĩ Jeff Masters, nhà khí tượng học của Yale Climate Connections, nhận định.
Trung Mỹ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, đầu tiên là với bão Mitch và trong những năm gần đây là sự phổ biến của các hình thái thời tiết cực đoan hơn. Hiện tượng này chủ yếu diễn ra ở khu vực được gọi là "Hành lang Khô hạn", kéo dài từ phía bắc Costa Rica cho tới tận miền Nam Mexico.
"Nhiệt là năng lượng. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết hiện tại, mọi thứ sẽ khuếch đại các điều kiện đó", ông Masters nhận định.
Tại "Hành lang Khô hạn", điều đó có nghĩa là hạn hán sẽ diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài và khốc liệt hơn. Đến khi mưa xuất hiện, nước sẽ trút xuống và gây ra lũ quét cuốn trôi mùa màng.
Những người nông dân tự cung tự cấp trong vùng đã phải vật lộn để thích nghi với thực tế mới, và nhiều người trong vùng đơn giản là đã bỏ cuộc và tới nơi khác. Cuộc khủng hoảng khí hậu và nạn đói mà nó mang lại sẽ là động lực chính tạo ra sự di dân trong khu vực.
"Tôi không thấy có nhiều lựa chọn cho Trung Mỹ để đối phó với vấn đề nóng lên toàn cầu. Sẽ có rất nhiều người di cư và trên thực tế, nhiều đợt di cư xảy ra trong những năm gần đây là do tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến Trung Mỹ từ năm 2015", ông Masters cho biết.
Di dân từ Honduras đến Mỹ bắt đầu tăng vọt sau bão Mitch năm 1998. Vào năm 2019, hơn 250.000 người Honduras đã tiếp cận biến giới phía Tây Nam của Mỹ, nhiều hơn gấp đôi so với bất cứ năm nào trước đó. Chỉ Guatemala là có lượng người di dân đến Mỹ nhiều hơn.
Theo Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế, đã có ít nhất 2,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão Eta, trong đó có 1,7 triệu người Honduras. Nhiều người đã mất tất cả và xem xét việc di cư đến Mỹ. Trên mạng xã hội, nhiều người đã vận động thành lập đoàn người di cư đến Mỹ, như những gì xảy ra cuối năm 2018.