Chúng ta đang sống bình thường trên Trái Đất, một hành tinh trong trạng thái tự quay quanh trục của chính nó. Vậy sẽ ra sao nếu Trái Đất quay nhanh hơn hiện tại?
Hãy tìm hiểu một chút về chuyển động quay của Trái Đất. Thực chất, vận tốc của Trái Đất phụ thuộc vào từng vị trí khác nhau. Xích đạo là nơi vận tốc quay đạt tốc độ nhanh nhất vì ở đó, chu vi của Trái Đất lớn nhất.
Bán kính trung bình của Trái Đất là 6.371 km, tương đương chu vi 40.075 km, điều đó đồng nghĩa mỗi điểm trên đường xích đạo di chuyển 40.075 km trong gần 24 giờ. Như vậy, vận tốc quay của Trái Đất rơi vào khoảng 1.657 km/h.
Chỉ cần tăng vận tốc quay của Trái Đất thêm 1,6 km/h, mực nước biển quanh xích đạo sẽ dâng thêm vài cm. Dù có thể mất nhiều năm để nhận biết điều đó, nhiều sự thay đổi khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Những vệ tinh địa tĩnh sẽ gặp vấn đề bởi chúng quay theo vận tốc hiện tại của Trái Đất. Ảnh: ESA. |
Các vệ tinh bị lỗi
Trước hết, một số vệ tinh sẽ bị lạc hướng. Vệ tinh địa tĩnh có vận tốc quay bằng vận tốc của Trái Đất, giúp chúng luôn hướng về một vị trí được xác định.
Nếu Trái Đất quay nhanh hơn, vệ tinh sẽ không giữ được vị trí đó nữa. Điều này khiến các hoạt động liên lạc, phát sóng truyền hình và quân sự bị gián đoạn. Một số vệ tinh mang theo nhiên liệu nên có thể tự điều chỉnh vị trí và vận tốc, tuy nhiên một số khác thì không và cần được thay thế, tốn rất nhiều chi phí.
Bạn sẽ giảm cân
Lực ly tâm của Trái Đất luôn đẩy bạn ra khỏi hành tinh, và bạn được giữ lại nhờ trọng lực. Nếu Trái Đất quay nhanh hơn thì lực ly tâm sẽ tăng lên, theo nhà thiên văn học Sten Odenwald đang làm việc tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Hiện tại, nếu bạn nặng 68 kg tại Vòng Bắc Cực, khi đến xích đạo sẽ giảm còn 67,6 kg. Đó là nhờ lực ly tâm được tạo ra do khu vực xích đạo phải quay nhanh hơn so với các cực thì mới đi hết được một vòng Trái Đất. Nếu tăng thêm tốc độ, trọng lượng của bạn sẽ càng giảm.
Theo tính toán của Odenwald, bạn sẽ không còn trọng lượng nếu Trái Đất quay với vận tốc 28.390 km/h, gấp hơn 17 lần vận tốc hiện tại.
Nhiều thứ sẽ đảo lộn nếu Trái Đất đột ngột tăng tốc độ quay. Ảnh: Shutterstock. |
Một ngày sẽ ngắn hơn
Nếu Trái Đất quay nhanh hơn 1,6 km/h, một ngày sẽ ngắn đi khoảng một phút rưỡi, không ảnh hưởng nhiều đến đồng hồ sinh học của chúng ta.
Tuy nhiên nếu Trái Đất quay nhanh hơn 160 km/h, một ngày sẽ chỉ còn khoảng 22 giờ, bắt đầu tác động đến các hoạt động thường ngày. Không chỉ con người mà các loài động vật cũng bị ảnh hưởng nếu điều này xảy ra.
Đó là trường hợp nếu Trái Đất tăng vận tốc đột ngột, còn nếu quá trình diễn ra từ từ trong hàng triệu năm thì con người sẽ thích nghi dần, theo Odenwald.
Những cơn bão mạnh hơn
Vận tốc Trái Đất tăng dẫn đến bầu khí quyển chuyển động nhanh theo và ảnh hưởng đến nhiệt độ. Theo Odenwald, những điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên tàn bạo hơn, các cơn bão sẽ xoáy mạnh hơn.
Nếu Trái Đất hoàn toàn không quay, gió ở cực Bắc sẽ thổi đến đường xích đạo theo đường thẳng và ngược lại. Tuy nhiên do Trái Đất quay quanh trục, đường đi của gió bị cong về hướng đông, còn gọi là hiệu ứng Coriolis - nguyên nhân khiến những cơn bão có độ xoáy. Nếu Trái Đất quay nhanh hơn, hướng gió sẽ bị cong nhiều hơn khiến bão xoáy mạnh hơn.
Vận tốc Trái Đất tăng sẽ khiến nước từ các cực tràn về xích đạo. Ảnh: Science Tech Daily. |
Lũ lụt xảy ra nhiều hơn
Nếu xích đạo tăng tốc độ quay, nước ở đại dương sẽ dồn lại. Vận tốc Trái Đất tăng 1,6 km/h nghĩa là phần nước xung quanh xích đạo sẽ sâu hơn vài cm trong ít ngày. Nếu Trái Đất quay nhanh hơn 160 km/h, những nơi cận hoặc chạy qua xích đạo như lưu vực sông Amazon, phía bắc Australia sẽ bị nhấn chìm dưới nước với độ sâu từ 9 đến gần 20 m.
Nếu quay nhanh hơn như thế thêm 10 lần, đó sẽ là thảm họa thực sự. Lực ly tâm sẽ kéo hàng trăm mét nước về phía vòng eo Trái Đất. Các vùng trũng như New York, Venice hay Mumbai sẽ hoàn toàn chìm trong biển nước, khiến hàng triệu người phải di cư.
Trừ những ngọn núi cao nhất, mọi thứ quanh vùng xích đạo sẽ chìm dưới nước, lượng nước đó được tràn sang từ các vùng như Bắc Cực vốn có lực ly tâm thấp hơn. Ngoài ra, vùng xích đạo cũng sẽ bị che khuất bởi sương mù dày đặc, mưa liên tục.
Cuối cùng ở vận tốc quay hơn 27.300 km/h, lực ly tâm ở xích đạo sẽ bằng với lực hấp dẫn, có thể gây ra hiện tượng mưa ngược, nghĩa là nước từ dưới sẽ bay lên bầu khí quyển. Tất nhiên, chưa chắc chúng ta đã sống để nhìn thấy hiện tượng này.
Sự hình thành của Mặt Trăng được cho là ảnh hưởng đến vận tốc quay của Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Động đất mạnh hơn
Nếu quay ở vận tốc cực nhanh, hơn 38.600 km/h trong hàng nghìn năm, lớp vỏ Trái Đất sẽ dịch chuyển, phẳng hơn ở 2 cực và phình ra quanh đường xích đạo khiến các trận động đất trở nên mạnh hơn.
"Các mảng kiến tạo sẽ di chuyển nhanh chóng đe dọa đến sự sống trên hành tinh" là dự đoán của Witold Fraczek, nhà phân tích của ESRI - một công ty sản xuất phần mềm GIS (hệ thống thông tin địa lý).
"Trái Đất đang ngày càng quay chậm hơn"
Bạn có thể không tin, tuy nhiên Odenwald cho biết vận tốc Trái Đất luôn thay đổi. Động đất, sóng thần, khối khí lớn và những tảng băng tan chảy đều tác động đến vận tốc Trái Đất ở mức độ rất nhỏ, chỉ tính bằng mili-giây.
Nếu một trận động đất "nuốt chửng" một mảnh đất, làm giảm chu vi của Trái Đất sẽ khiến hành tinh quay nhanh hơn. Ngược lại, một khối khí lớn có thể làm Trái Đất quay chậm hơn.
Vận tốc quay của Trái Đất cũng thay đổi theo thời gian. Khoảng 4,4 tỷ năm trước, nhiều giả thuyết cho rằng Mặt Trăng hình thành từ các mảnh vỡ tạo ra sau khi va chạm với Trái Đất. Odenwald tính toán rằng lúc ấy, Trái Đất có hình dạng như một quả bóng dẹt, quay rất nhanh đến nỗi một ngày dài chỉ 4 giờ.
Từ khi Mặt Trăng hình thành, vận tốc quay của Trái Đất chậm hơn khoảng 6,1 km/h sau mỗi 10 triệu năm, chủ yếu do tác động của lực hấp dẫn từ Mặt Trăng. Do đó, Odenwald dự đoán Trái Đất sẽ quay chậm hơn trong tương lai chứ không phải nhanh hơn.
Để quay nhanh hơn, sẽ cần một vật thể phù hợp đâm vào Trái Đất, tuy nhiên điều đó có thể khiến loài người diệt vong.