Thay đổi trong cơ cấu cổ đông và bộ máy lãnh đạo với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại đã mang lại làn gió mới cho các thương hiệu Việt vang bóng một thời trở lại thị trường.
Làn gió Nhật với trà bí đao Wonderfarm
Nổi tiếng với thương hiệu nước giải khát lâu đời tại Việt Nam, nhưng từ năm 2011, Wonderfarm đã về tay người Nhật, khi Kirin - doanh nghiệp đồ uống của Nhật Bản, mua lại hơn 57% vốn của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế - Interfood (IFS).
Khởi nguồn từ năm 2010, khi Interfood rơi vào khó khăn, nợ phải trả gần bằng tổng tài sản công ty, do những chiến lược đầu tư dàn trải. Cổ đông lớn nhất của Interfood khi đó là Trade Ocean (Malaysia), đã quyết định "tháo chạy" khỏi doanh nghiệp đang chìm trong thua lỗ này. Thay thế vào đó là sự hiện diện của Kirin.
Ông Yutaka Ogami, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Interfood. Ảnh: IFS. |
Sau khi nắm quyền chi phối với 57,25% vốn sở hữu tại Interfood, Kirin liên tục bơm tiền vào Interfood thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn. Từ năm 2011 đến 2015, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ từ 291 tỷ lên 871 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhật Bản cũng tăng từ 57,25% lên 95,66%.
Người Nhật nhanh chóng nắm những vị trí chủ chốt tại Interfood với 5/7 thành viên HĐQT là người Nhật. Ông Yutaka Ogami được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty.
Không chỉ tăng vốn công ty gấp nhiều lần, người Nhật còn cơ cấu lại nợ và hỗ trợ tài chính cho Interfood bằng các khoản vay nội bộ không tài sản thế chấp với lãi suất thấp. Những ông chủ Nhật cũng chính là nhóm đã quyết định hồi sinh lại thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, kết hợp với các sản phẩm mới để phát triển.
Chiến lược quảng cáo của Interfood cũng rầm rộ hơn, khi chi phí bán hàng tăng mạnh từ 10% lên trên 40% doanh số trong giai đoạn 2013-2014. Điều này giúp doanh số tăng trưởng trở lại, giá vốn cùng các chi phí được tiết giảm giúp công ty có lãi trở lại từ năm 2016.
Thương hiệu trà bí đao lâu đời cũng vừa trải qua kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm đầy thành công với 758 tỷ doanh thu thuần nhưng lãi ròng lên tới 104 tỷ, tăng 84% so với cùng kỳ. Các sản phẩm đồ uống mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin đang đóng góp 86% tổng doanh thu.
Với khoản lợi nhuận đột biến, Interfood không chỉ vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm mà còn giảm số lỗ lũy kế xuống còn 590 tỷ đồng.
Chỉ chiếm 3,5% thị phần nước giải khát tại Việt Nam hiện nay (theo Euromonitor) nhưng công ty đã có kế hoạch gia tăng thị phần lên 8% trong 5 năm tới.
Tỷ phú Thái sẽ giúp "vua" sá xị hồi sinh?
Sau khi chi gần 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco, doanh nghiệp sở hữu 62% vốn tại Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD), tỷ phú Thái không chỉ cử người vào điều hành hoạt động Sabeco mà còn đưa cả người vào lãnh đạo tại Chương Dương.
ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của công ty này đã thông qua danh sách thành viên HĐQT và Ban kiểm soát mới với 4 trong số 6 nhân sự do Sabeco đề cử tham gia vào HĐQT (bao gồm cả thành viên độc lập) và một cá nhân vào Ban kiểm soát.
Trong đó, ông Neo Gim Siong Bennett, đại diện 28% vốn của Sabeco, cùng 3 cá nhân khác tham gia HĐQT công ty. Vị này cũng chính là Phó tổng giám đốc được tỷ phú Thái bổ nhiệm vào ban lãnh đạo Sabeco từ tháng 5 vừa qua.
Sau năm 2017 đầy khó khăn với khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử, cùng một loạt chỉ số tài chính đi xuống, như sản lượng tiêu thụ giảm hơn 6 triệu lít, doanh thu giảm gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ... đến quý I năm nay, "vua" sá xị Chương Dương vẫn tiếp tục lỗ hơn 400 triệu đồng.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng dưới bàn tay của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ làm sống lại "vua" sá xị Chương Dương. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tích cực trong quý II đã giúp lũy kế 6 tháng đầu năm Chương Dương chấm dứt được mạch thua lỗ. Cụ thể, công ty ghi nhận 150 tỷ đồng doanh thu, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhờ việc giảm mạnh được chi phí tài chính và bán hàng nên công ty vẫn báo lãi hơn 728 triệu trước thuế trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ.
Rõ ràng, sự hiện diện của cổ đông ngoại tại Sabeco không chỉ tác động tới doanh nghiệp này mà tới cả những công ty con của hãng như Chương Dương. Các nhà đầu tư trên thị trường cũng đang kỳ vọng dưới quyền ông chủ mới, "vua" sá xị sẽ có một cuộc lột xác tìm lại ánh hào quang xưa.
Bài toán chi phí của doanh nghiệp "cũ"
Rất nhiều chuyên gia từng nhận định thế mạnh của các thương hiệu xưa là đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, nhưng hạn chế lớn nhất của nhóm doanh nghiệp này lại là chi phí quá lớn, do dây chuyền sản xuất đã lạc hậu và kênh phân phối hàng truyền thống không hiệu quả.
Nhận ra yếu điểm, không ít doanh nghiệp xưa thời gian qua đã tập trung tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, hơn là tăng trưởng doanh thu, và thu về khoản lợi nhuận tốt hơn.
Điển hình là Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất - Vinawind, 6 tháng đầu năm dù doanh thu thuần của công ty đã giảm so với cùng kỳ, đạt 700 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng lại tăng gấp đôi, đạt 117 tỷ.
Nguyên nhân lợi nhuận tăng cao được thương hiệu quạt điện 50 năm tuổi giải thích là đã tiết giảm được chi phí giá vốn, cùng với cắt giảm tới 86% chi phí bán hàng. Trong kỳ, Vinawind cũng đã tiêu thụ được lượng hàng tồn kho rất lớn hơn 82 tỷ đồng, giảm giá trị hàng tồn kho về mức 302 tỷ đồng.
Tương tự là trường hợp của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (DTN), việc chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất bật lửa đã giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng trở lại. 6 tháng đầu năm, công ty này thu về gần 60 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 50,4% kế hoạch năm và thu về 1,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, xấp xỉ mức lợi nhuận cả năm trước đó.