Sá xị Chương Dương (trước năm 1975 rất phổ biến tại miền Nam, phần lớn do hãng BGI sản xuất có nhãn hiệu hình con cọp nên còn gọi là "sá xị con cọp"), diêm Thống Nhất hay quạt điện Thống Nhất, trà bí đao Wonderfram… là những doanh nghiệp xưa cũ còn tồn tại đến ngày nay. Giữa áp lực cạnh tranh từ những doanh nghiệp mới trong và ngoài nước, không ít thương hiệu sống hết sức chật vật, thua lỗ. Tuy nhiên, trong nửa năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp đã trở lại đầy mạnh mẽ với khoản lãi tăng gấp nhiều lần.
“Vua” sá xị trở lại, quạt điện Thống nhất lãi lớn
Sau khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử kinh doanh của mình vào năm trước, Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) trở lại đầy mạnh mẽ trong quý II vừa qua.
Quý II, Chương Dương ghi nhận 69 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn tăng tương ứng nên lợi nhuận gộp thu về chỉ đạt 15 tỷ. Nguyên nhân khiến doanh thu tăng mạnh quý II chính là sản lượng tiêu thụ của công ty tăng mạnh gần 22%, tương ứng 1,1 triệu lít.
Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ góp phần giúp công ty thu về hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ gần 8 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty báo lãi dương hơn 728 triệu đồng. Tuy mới chỉ hoàn thành 15% kế hoạch năm nhưng việc chấm dứt mạch thua lỗ được xem là thành công với Chương Dương, trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi về nhân sự và sản phẩm cạnh tranh khá chật vật.
Hiện, Chương Dương vẫn nằm dưới sự quản lý của Sabeco, với 62% vốn sở hữu. Sau khi tỷ phú Thái Lan chi gần 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco, đơn vị này cũng đưa người vào điều hành hoạt động của Chương Dương.
Có 4 trong 6 nhân sự do Sabeco đề cử tham gia vào HĐQT Chương Dương nhiệm kỳ này, gồm một người ngoại quốc.
Cùng với Chương Dương là sự trở lại của thương hiệu quạt 50 năm tuổi Thống Nhất. Nửa đầu năm, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất - Vinawind có kết quả kinh doanh thắng lớn với khoản lợi nhuận tăng gấp đôi cùng kỳ.
Cụ thể quý II, Vinawind chỉ thu về 286 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng 2,5 lần, đạt 114 tỷ. Nguyên nhân giúp Điện cơ Thống Nhất lãi lớn nhờ đã giảm được giá vốn mạnh hơn tốc độ giảm doanh thu, nên lợi nhuận gộp thu về tăng hơn 50%.
Doanh thu tài chính cùng chi phí bán hàng giảm mạnh hơn 90% cũng giúp tiết giảm được hàng chục tỷ đồng chi phí. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hãng quạt điện 50 năm tuổi vẫn giảm 3%, nhưng lãi trước thuế lại tăng hơn gấp đôi, đạt 146 tỷ.
Sau khi UBND Thành phố Hà Nội thoái vốn khỏi Điện cơ Thống Nhất, công ty này đã báo lãi lớn. Ảnh minh họa: M.R. |
Với Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (DTN), việc chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất bật lửa đã giúp ngọn lửa Thống Nhất tiếp tục thắp sáng.
Theo ban lãnh đạo công ty, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ thương hiệu đã tạo được niềm tin và khả năng đáp ứng cao về sản lượng… nên trong nửa năm, Diêm Thống Nhất đã bán 52.700 kiện diêm các loại; xuất khẩu 70 tấn diêm que; 6,86 triệu bật lửa sản xuất trong nước và 165.000 bật lửa nhập khẩu. Kết quả này mang về gần 60 tỷ đồng doanh thu, 1,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, xấp xỉ mức lợi nhuận cả năm trước đó.
Trà bí đao Wonderfarm hồi sinh
Sau một thập kỷ chìm trong thua lỗ vì đầu tư không tập trung, con số lỗ lũy kế đã có lúc xấp xỉ vốn điều lệ, nhưng trà bí đao Wonderfarm đang trở lại đầy mạnh mẽ nhờ sự trợ giúp từ Kirin (Nhật Bản).
Kể từ năm 2016, Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế - Interfood (IFS), chủ thương hiệu Wonderfarm, đã có lãi trở lại. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm nay, với lợi nhuận tăng vọt.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, chỉ riêng quý II, Interfood đã ghi nhận 432 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Hàng loạt chi phí được tiết giảm giúp lợi nhuận tăng 72%, đạt 66 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Interfood đạt hơn 810 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% cùng kỳ trong đó. Các sản phẩm đồ uống mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin đang đóng góp 86% tổng doanh thu.
Chỉ 6 tháng đầu năm, công ty thu về khoản lợi nhuận ròng 104 tỷ, tăng tới 84%.
Sau một thập kỷ thua lỗ, Interfood đã làm ăn có lãi trở lại từ năm 2016. |
So với kế hoạch đặt ra trong năm nay, Interfood mới chỉ đi hết nửa năm tài chính nhưng đã vượt kế hoạch lợi nhuận. Khoản lợi nhuận đột biến này cũng giúp lỗ lũy kế của công ty tính đến 30/6 giảm xuống còn 590 tỷ đồng.
Báo cáo của Euromonitor cho biết Interfood đang nắm giữ khoảng 3,5% thị phần nước giải khát tại Việt Nam, bị bỏ lại khá xa so với các doanh nghiệp đầu ngành như PepsiCo, Coca-cola... Nhưng doanh nghiệp này đang đặt mục tiêu gia tăng thị phần nội địa của ngành hàng giải khát từ 3% lên 8% trong 5 năm tới.
Chờ đợi sự trỗi dậy của Cao su Sao Vàng, phích nước Rạng Đông
Trái ngược với những thương hiệu trên, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SCR) lại trải qua nửa năm kinh doanh không đạt kỳ vọng, khi doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm mạnh.
Cụ thể, nửa đầu năm qua, doanh thu thuần Cao su Sao Vàng đạt 460 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng 2,5% so với cùng kỳ song giá vật tư đầu vào tăng đội vào giá vốn, khiến lợi nhuận gộp sụt giảm, chỉ đạt 80 tỷ.
Hàng loạt chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do lãi vay ngân hàng cùng với tiền thuế đất tăng khiến lợi nhuận công ty thu về giảm chỉ còn 15 tỷ , bằng 1/2 so với cùng kỳ.
Chi phí sản xuất, nguyên liệu cao là trở ngại của Cao su Sao Vàng.
Những năm trước đó, doanh thu đều trên dưới 1.000 tỷ, nhưng chi phí sản xuất cao luôn khiến lợi nhuận công ty trồi sụt. Ban lãnh đạo cũng nhận định công ty đang gặp phải khó khăn về giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, và dự báo năm 2018 sẽ còn tiếp tục tăng. Chưa kể sự cạnh tranh rất mạnh về giá từ các loại lốp ôtô radial nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan..
2 ông lớn lĩnh vực sản xuất vật dụng chiếu sáng là Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) và Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) cũng trải qua kỳ kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Cả 2 doanh nghiệp đều có doanh thu tăng , nhưng giá vốn cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận giảm sút.
Doanh thu thuần nửa năm qua của Điện Quang ghi nhận 466 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính giảm mạnh và khoản lỗ 3 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết đã khiến lợi nhuận trước thuế giảm 5%, đạt 59 tỷ đồng. Với khoản lợi nhuận này, Điện Quang mới chỉ thực hiện được 39% kế hoạch cả năm đề ra.
Điều tương tự cũng diễn ra tại Rạng Đông, khi doanh thu dù tăng 6%, đạt 1.493 tỷ, song chi phí tăng cao khiến lợi nhuận thu về giảm 4%, đạt 102 tỷ đồng.