Cuộc sống thường nhật của người dân ở Haiti bắt đầu rơi vào hỗn loạn và mất kiểm soát vào tháng trước, chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Ariel Henry thông báo chính phủ sẽ ngừng trợ giá nhiên liệu, khiến giá xăng và dầu diesel tăng gấp đôi, kéo theo việc tăng giá các mặt hàng khác.
Tiếng súng vang lên khi những người biểu tình chặn đứng các con đường bằng rào sắt và thân cây xoài.
Bạo lực hoành hành khiến phụ huynh e ngại khi cho con đi học; nhiên liệu và nước sạch khan hiếm; bệnh viện, ngân hàng và cửa hàng tạp hóa đang phải vật lộn để duy trì hoạt động.
Băng đảng mạnh nhất và khét tiếng nhất của Haiti sau đó đã thực hiện một bước quyết liệt: Đào hào để chặn lối vào cảng cung cấp nhiên liệu lớn nhất của quốc gia. Họ thề sẽ không nhúc nhích cho đến khi ông Henry từ chức và giá nhiên liệu cũng như hàng hóa cơ bản đi xuống.
Dưới tác động ngày càng trầm trọng từ các cuộc biểu tình và bạo lực, được thúc đẩy một phần do lạm phát, quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu đang nằm trên bờ vực tan vỡ, theo AP.
“Hoàn toàn hỗn loạn”
Tổng thống của Cộng hòa Dominica láng giềng đã mô tả tình hình nước bạn là một “cuộc nội chiến quy mô nhỏ”.
Cuộc sống ở Haiti vốn đã chứng kiến những rối loạn trong nhiều năm. Tuy nhiên, mức độ tê liệt và tuyệt vọng như hiện tại là chưa từng có.
Bất ổn chính trị đã âm ỉ kể từ vụ ám sát tổng thống Haiti vào năm ngoái và vẫn chưa được giải quyết xong. Lạm phát tăng vọt khoảng 30% làm trầm trọng thêm tình hình.
Biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu và yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry từ chức, tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 19/9. Ảnh: AP. |
Kho nhiên liệu bị các băng nhóm phong tỏa đã không thể hoạt động kể từ ngày 12/9, cắt đứt nguồn cung khoảng 10 triệu gallon dầu diesel và xăng cùng hơn 800.000 gallon dầu hỏa (một gallon tương đương 4,5 lít). Nhiều trạm xăng bị đóng cửa và những trạm khác đang nhanh chóng cạn nguồn cung.
Việc thiếu nhiên liệu đã buộc bệnh viện phải cắt giảm hoạt động và khiến các công ty cung cấp nước đóng cửa. Ngân hàng và cửa hàng tạp hóa vật lộn để duy trì hoạt động. Giá cả cắt cổ khiến nhiều công nhân gần như không thể đi làm.
Một gallon xăng có giá 30 USD trên thị trường chợ đen ở Port-au-Prince và hơn 40 USD ở các vùng nông thôn, gấp 8-9 lần mức giá trung bình trên thị trường quốc tế. Những người tuyệt vọng đang phải đi bộ hàng km để có thức ăn và nước uống vì phương tiện giao thông công cộng rất hạn chế.
Các băng đảng từ lâu đã nắm giữ quyền lực đáng kể ở Haiti và ảnh hưởng của chúng tăng lên kể từ vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse vào tháng 7/2021.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, các băng đảng kiểm soát khoảng 40% thủ đô Port-au-Prince. Họ đang cố nắm quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn, với các vụ bạo lực khiến hàng trăm người Haiti thiệt mạng trong những tháng gần đây - bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Khoảng 20.000 người đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ vì cùng nguyên nhân. Các vụ bắt cóc đã tăng đột biến.
Alex Dupuy, sinh ra ở Haiti và một nhà xã hội học tại Đại học Wesleyan, cho biết: “Haiti đang hoàn toàn hỗn loạn. Các băng nhóm về cơ bản làm bất cứ điều gì, ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào họ muốn mà hoàn toàn không bị trừng phạt vì lực lượng cảnh sát không có khả năng kiểm soát”.
Đợt biểu tình đầu tiên vào giữa tháng 9 đã khiến Pháp và Tây Ban Nha phải đóng cửa đại sứ quán và ngân hàng ở thủ đô Port-au-Prince.
Người biểu tình tấn công cơ sở kinh doanh, nhà ở của các chính trị gia nổi tiếng và thậm chí nhà kho của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, đánh cắp lượng thực phẩm và nước uống tiếp tế trị giá hàng triệu USD, đủ để nuôi 100.000 học sinh đến cuối năm.
Các cuộc biểu tình từ đó ngày càng lớn hơn. Hàng chục nghìn người gần đây đã tuần hành ở Port-au-Prince và các thành phố Gonaives, Cap-Haitien ở phía bắc, hô "Ariel phải đi!".
Người biểu tình đổ ra đường đòi Thủ tướng Ariel Henry từ chức, ở khu vực Petion-Ville của Port-au-Prince, Haiti, ngày 3/10. Ảnh: AP. |
Tình hình hỗn loạn đã khiến chính phủ Haiti phải cầu cứu quốc tế. Chính phủ hôm 7/10 đã ủy quyền cho Thủ tướng Ariel Henry kêu gọi "đối tác quốc tế" hỗ trợ "lực lượng vũ trang chuyên biệt" để đối phó với "nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn", theo BBC.
Mục tiêu là “đạt được một môi trường an toàn để có thể chống lại bệnh tả một cách hiệu quả, thúc đẩy việc nối lại phân phối nhiên liệu và nước uống trên toàn quốc, hoạt động của bệnh viện, khởi động lại hoạt động kinh tế, sự lưu thông tự do của người dân và hàng hóa, và mở cửa trở lại trường học”, theo một nghị quyết của chính phủ, Washington Post đưa tin.
Ngay cả khi chính phủ tìm kiếm viện trợ ở nước ngoài, sự ủng hộ của họ ở trong nước đang bị xói mòn nhanh chóng. Nhiều người biểu tình đang chỉ trích ông Henry trì hoãn các cuộc bầu cử mới. Họ càng tức giận hơn và kêu gọi ông từ chức khi ông thông báo rằng chính phủ không còn khả năng chi trả trợ cấp nhiên liệu và thiếu tiếp cận nhu yếu phẩm.
Chính phủ của Thủ tướng Henry “dường như không bị xáo trộn chút nào bởi sự hỗn loạn và có lẽ đang hưởng lợi vì điều này cho phép ông ta nắm giữ quyền lực và kéo dài lâu nhất có thể việc tổ chức cuộc bầu cử mới”, ông Dupuy nhận định.
Thủ tướng Henry đã cam kết tổ chức bầu cử ngay khi đất nước đủ an toàn. Trong một bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 24/9, ông khẳng định bản thân “không muốn nắm quyền lâu hơn mức cần thiết”.
“Đất nước tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng đa chiều mà hậu quả của nó sẽ đe dọa nền dân chủ và chính nền tảng của nhà nước pháp quyền”, thủ tướng nói. Ông đồng thời lên án nạn cướp bóc và bạo lực trên diện rộng, và nói rằng các thủ phạm "sẽ phải trả lời về tội ác của họ".
Hàng loạt nguy cơ
Từ năm 2004 đến năm 2017, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã củng cố an ninh của đất nước và giúp xây dựng lại các thể chế chính trị sau cuộc nổi dậy bạo lực lật đổ cựu Tổng thống Jean-Bertrand Aristide. Hiện tại không có bất kỳ sự can thiệp nước ngoài nào ở Haiti.
Các nhà lãnh đạo chính trị địa phương đã từ chối đề nghị giúp đỡ từ bên ngoài, nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Haiti đã lạm dụng tình dục trẻ em và gây ra dịch tả hơn một thập kỷ trước khiến gần 10.000 người thiệt mạng.
Jean-Wilson Fabre (40 tuổi), giáo viên tiểu học, tham gia một cuộc biểu tình gần đây và đã phải trốn vào một ngõ nhỏ để tránh hơi cay do cảnh sát ném ra khi cố kiểm soát đám đông.
“Ông ta không làm gì cả”, anh nói về thủ tướng.
Người cha của 2 đứa trẻ than thở về việc thiếu thức ăn và nước uống, sự gia tăng các vụ bắt cóc và sức mạnh ngày càng tăng của các băng nhóm: “Không ai điên mà cho con đi học trong tình trạng này”.
Thủ tướng Haiti Ariel Henry phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Los Angeles, ngày 10/6. Ảnh: AP. |
Fabre là một trong số hàng triệu phụ huynh từ chối cho con đi học dù chính phủ đã thông báo mở cửa trở lại trường học vào ngày 3/10 nhằm cố gắng khôi phục trạng thái bình thường.
Các tòa án của Haiti cũng dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 3/10, nhưng Liên đoàn Luật sư của đất nước đã từ chối lời mời từ thủ tướng để bàn luận về vấn đề này vài ngày trước đó, lưu ý rằng các băng nhóm vẫn chiếm một tòa án chính ở Port-au-Prince.
Merlay Saint-Pierre, một bà mẹ 28 tuổi thất nghiệp, tham gia một cuộc biểu tình gần đây nói: “Dưới thời Ariel, mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Hàng trăm người đã dành hàng giờ xếp hàng mỗi ngày chỉ để mua nước. Xe tải giao hàng không thể đi vào khu vực dân cư vì có rào chắn.
“Tôi sợ nước này”, Lionel Simon (22 tuổi) nói và cho biết anh dùng nước này để giặt quần áo và sẽ cho thêm clo vào nếu muốn uống.
Ít nhất 8 người đã chết vì bệnh tả trong những ngày gần đây và hàng chục người khác đang được điều trị, theo các quan chức y tế địa phương, những người kêu gọi người biểu tình và các thủ lĩnh băng đảng cho phép đưa xăng và nước vào các khu vực dân cư.
Tuy nhiên, Simon không lo lắng về bệnh tả. Mối quan tâm lớn nhất của anh là các băng đảng và sự gia tăng trẻ nhỏ cầm súng.
“Chúng tôi không biết liệu cuộc sống có trở lại bình thường hay không. Nếu ai đó chết hôm nay, họ thậm chí không biết liệu mình có được đưa đến nhà xác hay không. Người ta có thể bị bỏ lại trên đường làm mồi cho chó và động vật. Thành phố này đã trở nên điên rồ như vậy đấy”.
Dupuy, chuyên gia người Haiti, cho rằng không có khả năng Thủ tướng Henry sẽ từ chức vì không có áp lực quốc tế nào khiến ông ấy phải làm như vậy. Ông lo lắng đất nước sẽ không có giải pháp rõ ràng và tình hình này sẽ còn lặp đi lặp lại.
“Sẽ có thêm bao nhiêu trận sục sôi nữa đây?”, vị chuyên gia trăn trở.