Một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Port-au-Prince, Haiti, hôm 3/10. Ảnh: AP. |
Chính phủ Haiti đã ủy quyền cho Thủ tướng Ariel Henry kêu gọi "đối tác quốc tế" hỗ trợ "lực lượng vũ trang chuyên biệt" để đối phó với "nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn", BBC đưa tin ngày 8/10.
Mục tiêu là “đạt được một môi trường an toàn để có thể chống lại bệnh tả một cách hiệu quả, thúc đẩy việc nối lại phân phối nhiên liệu và nước uống trên toàn quốc, hoạt động của bệnh viện, khởi động lại hoạt động kinh tế, sự lưu thông tự do của người dân và hàng hóa, và mở cửa trở lại trường học”, theo một nghị quyết của chính phủ.
Trong khi đó, Mỹ kêu gọi công dân của họ ở Haiti rời khỏi đất nước do tình trạng bất ổn, theo Washington Post.
Một liên minh các băng đảng lớn đã phong tỏa cảng cung cấp nhiên liệu chính của đất nước kể từ tháng 9, làm tê liệt các nguồn cung cơ bản như nước và thực phẩm.
Trong số nhiều nguồn cung cấp đã bị chặn, nước sạch là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là khi bệnh dịch tả đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng sức khỏe. Chính phủ Haiti cho biết 8 người đã chết hôm 2/10 vì bệnh tả.
Không rõ yêu cầu can thiệp đã được gửi đến những nước nào và chính quyền Haiti mong muốn được trợ giúp dưới hình thức nào. Liên Hợp Quốc cho biết họ chưa nhận được yêu cầu chính thức từ chính phủ Haiti.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết: “Chúng tôi vẫn rất quan ngại về tình hình an ninh ở Haiti, về tác động của tình hình hiện nay đến người dân Haiti, đến khả năng thực hiện công việc của chúng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân đạo”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Washington cũng đang xem xét yêu cầu xây dựng hành lang nhân đạo để khôi phục hoạt động phân phối nhiên liệu bên trong Haiti.
Cảng bốc dỡ nhiên liệu Varreux đã nằm dưới sự kiểm soát và phong tỏa của một liên minh các băng đảng lớn kể từ tháng trước. Một số bệnh viện đã đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp và dịch vụ vận tải ngừng hoạt động vì tình trạng thiếu thốn nguồn cung nhiên liệu từ việc này.
Bất ổn dân sự leo thang kể từ khi Thủ tướng Henry hôm 11/9 tuyên bố chính phủ sẽ chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu, khiến giá xăng và dầu diesel tăng vọt.
Kể từ đó, các cuộc biểu tình và cướp bóc ngày càng gia tăng, với trung tâm là thủ đô Port-au-Prince. Các kho viện trợ lương thực đã bị nhắm mục tiêu, ước tính trị giá 5 triệu USD viện trợ lương thực bị mất trong các cuộc tấn công, theo phái viên Liên Hợp Quốc của Haiti.