Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điều gây tranh cãi trong các cuộc giải cứu sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Việc cứu hộ những người sống sót bị chôn vùi dưới đống đổ nát hơn 4 ngày sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể phức tạp do tiềm ẩn những rủi ro sức khỏe.

dong dat tho nhi ky anh 1

Mọi chuyện bắt đầu khi một chú chó cứu hộ phát hiện ra mùi hương của nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Sau đó, một người lính nói rằng anh nghe thấy có tiếng nói từ bên trong.

Trong 10 giờ tiếp theo, một nhóm thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã dọn dẹp đống đổ nát bằng rìu, cưa và xẻng.

Vào lúc 21h41 tối 10/2 (theo giờ địa phương), sau gần 5 ngày dưới đống đổ nát của tòa chung cư bị sập, Ozlem Yulmez (33 tuổi), được đưa ra. Lực lượng cứu hộ nhanh chóng đắp cho cô một chiếc chăn bạc giữ nhiệt và đưa cô vào xe cứu thương đang chờ sẵn.

Gần 2 giờ sau, cô con gái 6 tuổi Zeliha, có chân bị kẹp dưới một tấm bê tông, cũng được cứu thoát. Khuôn mặt cô bé phủ đầy bụi xám với ánh mắt vô hồn.

Hai mẹ con có khả năng nằm trong số những người sống sót cuối cùng được đưa ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria.

Theo Reuters, đến ngày 15/2, số người thiệt mạng trong trận động đất hôm 6/2 đã vượt 41.000.

dong dat tho nhi ky anh 2

178 giờ sau trận động đất kinh hoàng đêm 6/2, một thiếu niên được giải cứu khỏi đống đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Hoạt động cứu hộ trên mà Wall Street Journal chứng kiến nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của các cuộc giải cứu trong động đất cùng khó khăn trong việc điều trị vết thương cho người sống sót.

Không chỉ vậy, bạo lực cũng cản trở hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Guardian, lực lượng cứu hộ của Đức và Áo từng phải tạm dừng hoạt động tìm kiếm vào ngày 11/2, vì cuộc đụng độ giữa các nhóm người không xác định.

Tiềm ẩn rủi ro sức khỏe

Những người thợ mỏ là một phần trong đội ngũ tình nguyện viên đông đảo. Nhưng đôi khi, họ xảy ra va chạm với nhân viên cứu trợ nước ngoài.

Chẳng hạn, vào hôm 10/2, những người thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã bất đồng với các đội cứu hộ Pháp và Mỹ ở hiện trường về cách giải cứu hai mẹ con. Họ tranh luận nên sử dụng rìu khai thác mỏ hay thiết bị tiên tiến hơn được mang đến từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc có nên để đội y tế điều trị cho nạn nhân trước khi đưa họ đến các cơ sở hay không cũng dẫn đến bất đồng. Những vết thương do các tòa nhà bị sập gây ra cần được điều trị đặc biệt để tránh rối loạn nhịp tim và suy thận.

Một số chuyên gia cho biết những người bị mắc kẹt trong trận động đất, được giải cứu bởi đội ngũ đã qua đào tạo chuyên nghiệp có cơ hội sống như nhau. Trong khi đó, nạn nhân được nhóm nghiệp dư cứu giúp thường chết vài giờ sau đó hoặc mắc các bệnh mạn tính.

Đó là bởi chất độc tích tụ trong cơ bắp của cơ thể sau nhiều ngày không hoạt động có thể nhanh chóng xâm nhập vào máu khi nạn nhân di chuyển trở lại.

dong dat tho nhi ky anh 3

Các đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc tại một tòa nhà bị sập sau trận động đất chết người ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Khi tòa nhà 6 tầng sụp đổ sau trận động đất đầu tiên xảy ra vào sáng sớm 6/2, Yulmez và con gái bị kẹt dưới đổ nát. Họ bị che mất tầm nhìn nhưng may mắn, bên trong khoảng trống nơi họ bị mắc kẹt vẫn tương đối ấm, dù nhiệt độ đóng băng ban đêm, theo lực lượng cứu hộ.

Cả buổi chiều 10/2, những người thợ mỏ đã đục đẽo bê tông và cốt thép để tìm kiếm sự sống. Thế nhưng, lối đi họ mở ra nhanh chóng bị chặn lại bởi đống đổ nát của chiếc giường tầng bằng kim loại dành cho trẻ em.

Họ đã cắt lò xo nệm trong hơn một giờ và cuối cùng dùng dây cáp để buộc phần còn lại của nó lại. Vừa làm, những người thợ mỏ vừa quay sang nhắc nhở đám đông im lặng để lắng nghe dấu hiệu sự sống.

Nỗ lực cứu hộ

Khi đào sâu hơn, nhóm đã tạo các giá đỡ bằng gỗ được lấy từ những cây thông gần đó để tránh bị sập khi họ bò vào bên trong. Họ loại bỏ những “chướng ngại”, bao gồm tách trà thủy tinh, mảnh vụn đồ nội thất và giày cao gót màu đen đính sequin. Trong khi đó, các tình nguyện viên xịt nước đóng chai lên đống đổ nát để giúp giảm bớt bụi.

Ngay trước 19h, những người thợ mỏ cuối cùng cũng liên lạc được với Yulmez. Cô nói rằng con gái mình, Zeliha, ở ngay gần đây, trong khi đứa con thứ hai đã chết.

Các nhân viên y tế Thổ Nhĩ Kỳ sau đó chuẩn bị cáng, hộp sơ cứu và nẹp cổ. Trong khi đó, đội cứu hộ Mỹ đã thuyết phục những người thợ mỏ để hai nhân viên y tế của họ bò vào bên trong nhằm đánh giá tình trạng của Yulmez.

“Tôi đã vào đó và chạm vào cô ấy”, Bao-Vinh Nguyen, một chuyên gia cứu hộ, nói. “Một tấm ván lớn gần như nằm trên đầu cô ấy”.

dong dat tho nhi ky anh 4

Một nạn nhân được giải cứu sau động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Đội cứu hộ Mỹ đề nghị giúp người Thổ Nhĩ Kỳ cắt bê tông và các chướng ngại vật khác, nói rằng họ có thể tiếp cận nạn nhân trong vòng vài phút.

“Chúng tôi có thể tiếp cận cô ấy nhanh hơn thế này, rất nhiều”, Marc Campet, thành viên đội cứu hộ cho biết. “Với những gì họ (thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ) có, điều đó có thể mất hàng giờ”.

Greg Wood, một chuyên gia về thiết bị hạng nặng, đã gọi cho nhóm của mình để lấy các thiết bị đặc biệt như máy phát điện và máy cưa.

Nhưng những người thợ mỏ đã từ chối để người Mỹ tham gia.

“Đây là đất nước của họ và chúng tôi sẽ làm theo sự chỉ đạo của họ”, ông Campet cho biết. “Nhưng chúng tôi có chuyên môn và chúng tôi muốn giúp đỡ họ”.

Bác sĩ người Mỹ Murteza Shahkolahi đã cố gắng giải thích với những người thợ mỏ rằng nếu nạn nhân được đưa ra trước khi điều trị vết thương do dập nát, cô có thể sẽ chết trong vài giờ.

“Chúng tôi đã thấy điều đó trong các cuộc giải cứu khác ở thành phố này”, ông nhờ một thông dịch viên nói với người Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi chỉ muốn tới khu vực bệnh nhân bị mắc kẹt, ổn định rồi điều trị”.

Khi những người thợ mỏ làm việc, bác sĩ Shahkolahi đã thuyết phục họ để một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ luồn đường truyền tĩnh mạch vào chân Yulmez, bộ phận duy nhất có thể tiếp cận được trên cơ thể cô lúc bây giờ.

“Ngay cả khi chúng tôi không thể tiến vào, miễn là ai đó có thể vào”, ông nói.

Những người thợ mỏ lại tiếp tục công việc và chưa đầy 20 phút sau, họ đã đưa Yulmez ra khỏi đống đá. Sau một đêm ở bệnh viện địa phương, cô và con gái được đưa lên máy bay y tế tới Ankara.

Khoảnh khắc y tá ôm chặt lồng ấp trẻ sơ sinh giữa động đất Thổ Nhĩ Kỳ Hình ảnh thu được từ camera cho thấy khoảnh khắc hai y tá tại một bệnh viện ở thành phố Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ cố bảo vệ các em bé sơ sinh giữa trận động đất 7,7 độ.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Bé gái được giải cứu khỏi đống đổ nát Thổ Nhĩ Kỳ sau 178 giờ

178 giờ sau trận động đất kinh hoàng đêm 6/2, một bé gái được giải cứu khỏi đống đổ nát ở thành phố Adiyaman, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu chuyện sống sót thần kỳ của hai mẹ con sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Một tuần sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, bên cạnh hàng nghìn người đã thiệt mạng cũng là những câu chuyện sống sót thần kỳ như Necla Camuz cùng đứa con mới sinh.

Minh An

Bạn có thể quan tâm