- Vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại điều chỉnh tỷ giá lần thứ hai liên tiếp (điều chưa từng xảy ra trong lịch sử) khi mà đồng nhân dân tệ đã ổn định và có xu hướng tăng nhẹ sau 3 lần phá giá liên tiếp?
Việc điều chỉnh này cần được nhìn một cách tổng thể. Khi đồng nhân dân tệ liên tục mất giá, Ngân hàng Nhà nước đã tăng biên độ giao dịch tỷ giá thêm 1% để tạo điều kiện cho thị trường giao dịch ở mức trên thay vì điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Còn hiện nay, khi tỷ giá đồng nhân tệ đã ổn định và tăng nhẹ do tác động từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng tỷ giá liên ngân hàng (1%) đồng thời với mở rộng biên độ giao dịch (thêm +/-1%) cho thấy, nhân dân tệ không phải là yếu tố tác động mạnh đến tỷ giá hiện hành.
Nói cách khác, đợt điều chỉnh tỷ giá này hoàn toàn mang tính chủ động, không có áp lực nội tại từ nền kinh tế hay yếu tố trực tiếp từ Trung Quốc. Ở góc độ khác, động thái này còn giúp Việt Nam giành thế chủ động trước những biến động có thể xảy ra.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước, tỷ giá sẽ ổn định trong những tháng cuối năm và cả đầu năm 2016. Ảnh: Anh Tuấn. |
- Đó là biến động gì?
-Trên thị trường thế giới, người ta cũng dự báo về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong tháng 9. Trong bối cảnh đó, chủ động điều chỉnh tỷ giá và giành thế chủ động sẽ tốt hơn là khi FED điều chỉnh lãi suất, các đồng tiền trên thế giới biến động và Việt Nam phải chạy theo.
Ở đây tôi cũng xin nói thêm là tỷ giá tăng cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh thì tỷ giá đồng Việt Nam thay đổi như vậy là chấp nhận được.
- Ông có nhận xét gì về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh cả tỷ giá liên ngân hàng và biên độ giao dịch vào hôm nay, trong khi lần trước chỉ tăng biên độ?
- Có 2 lựa chọn trong điều hành chính sách tỷ giá: mức giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và biên độ. Tuy nhiên, có vẻ Ngân hàng Nhà nước đang nghiêng về dùng biên độ để tạo ra một dải giao dịch rộng hơn, thay vì điều chỉnh thị tỷ giá liên ngân hàng. Dù nghiêng về cái nào thì cuối cùng vẫn là tỷ giá giao dịch thực tế. Tuy nhiên, việc phối hợp 2 công cụ với ưu tiên rõ ràng phản ánh lựa chọn của người làm chính sách, sau khi thu thập tâm lý của thị trường.
- Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ thì sao?
- Trung Quốc không muốn thị trường tài chính biến động quá nhiều vì nó sẽ tác động tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Tôi cho rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ đã đạt được mục đích và họ sẽ ổn định đồng tiền trở lại.
- Liệu có khả năng điều chỉnh tỷ giá thêm một lần nữa từ nay cho tới cuối năm?
- Theo ý kiến riêng của tôi thì không có lý do gì đồng Việt Nam có thể mất giá thêm nữa. Mức độ điều chỉnh tỷ giá thời gian gần đây là lớn rồi và phải thận trọng với tác động đến lạm phát và lãi suất trên thị trường. Tôi tin rằng, tỷ giá sẽ ổn định trong những tháng cuối năm và cả đầu năm 2016.
Ở đây, một nhân tố quan trọng là cần giải thích để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và có niềm tin vào đồng Việt Nam cũng như các cân đối vĩ mô khác.
- Ngay sau khi điều chỉnh tỷ giá, vàng tăng vọt và chứng khoán lao dốc, ông có thể dự đoán về diễn biến tiếp theo?
Tỷ giá là một biến số nhạy cảm của thị trường tài chính và khi thay đổi kéo theo những tác động tâm lý đến vàng, chứng khoán... và có thể tiên liệu được. Tuy nhiên, nếu biến động được giải thích cặn kẽ, thuyết phục thì mọi việc sẽ trở lại bình thường. Ngoài ra, nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp thị trường bằng dự trữ ngoại hối để củng cố lòng tin.
Còn thị trường chứng khoán thì không đáng lo bởi nó phản ánh diện mạo kinh tế vĩ mô của quốc gia. Năm nay Việt Nam có nhiều chính sách mới, đón nhận luồng vốn từ bên ngoài vào, cởi mở hơn về đầu tư, kinh doanh, bất động sản…, lạm phát dự kiến chỉ ở mức 1,5-2%. Vì thế, xu hướng thị trường chứng khoán diễn biến theo chiều tích cực là điều có thể dự báo trước.