So với đầu ngày 18/8, giá đã tăng thêm 400.000 đồng chiều thu mua và 820.000 đồng chiều bán. Mức giá trên 35 triệu đồng được xác lập đồng thời với thông tin Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tăng tỷ giá thêm 1%.
Tuy nhiên, đến 9h30, giá kim loại này đã quay đầu giảm 300.000 đồng mỗi lượng ở cả chiều mua - bán. Giá niêm yết hiện ở mức 33,9 - 34,72 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra). Các đơn vị kinh doanh vàng cũng nới rộng biên độ mua - bán, lên đến 630.000 đồng mỗi lượng.
Đến 10h, giá vàng tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng ở chiều bán ra. Mua - bán đang ở mức 33,9 - 34,62 triệu đồng một lượng. Chênh lệch mua - bán còn 530.000 đồng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang giao dịch tại 1.109 - 1.121 USD/ounce, giảm nhẹ so vớt chốt phiên trước đó. Quy đổi theo tỷ giá USD trong các ngân hàng phổ biến 22.380 đồng, giá vàng quốc tế đang tương đương với khoảng 30,2 triệu đồng. Chênh lệch trong nước, quốc tế vẫn đang ở mức xấp xỉ 5 triệu đồng mỗi lượng.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh sỉ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC, cho biết, giá vàng trong nước hiện chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tỷ giá nên có hiện tượng đảo chiều liên tục.
"Tỷ giá tăng thêm 1%, rồi lại nới biên độ thêm 1% thì vàng cần phải có thời gian để điều chỉnh và xác định giá chung, sau khi đã tổng hợp cả hai tác động này. Điều đó khiến giá vàng dao động liên tục ngay sau khi có điều chỉnh tỷ giá, và kéo dài trong những ngày sau đó".
Về việc chênh lệch giá vàng mua - bán liên tục duy trì ở mức từ 700.000 đồng đến một triệu đồng, ông Tường cho hay, thị trường chưa xác định được một mốc, một mặt bằng, để giao dịch nên doanh nghiệp buộc phải giãn biên để giảm rủi ro. "Nguyên tắc với giao dịch giá vàng và giá ngoại tệ là khi nó biến động phức tạp thì chưa hình thành một mặt bằng giá. Thị trường còn hơi lộn xộn, mà doanh nghiệp nào cũng muốn an toàn nên phải giãn biên độ ra. Đến khi giao dịch dần ổn định thì sẽ điều chỉnh kéo xích giá mua bán lại", ông Tường nói thêm.