Về quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có thông cáo, với thông điệp: chủ động dẫn dắt thị trường.
Cụ thể, thông cáo cho rằng, sau khi đã điều chỉnh biên độ ngày 12/8 vừa qua, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, “tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất”.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh lại sự kiện vừa qua rằng, đồng nhân dân tệ đã được điều chỉnh giảm mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ qua.
Nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép. |
Đáng chú ý, qua các quyết định điều chỉnh trên, Ngân hàng Nhà nước nêu tầm nhìn của chính sách, là tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, “tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.
Theo đó, có thể hiểu, lần điều chỉnh này đã bao hàm định hướng điều hành tỷ giá từ nay cho đến những tháng đầu năm 2016.
Cùng những lý giải trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Sáng nay, sau khi có những điều chỉnh mới, các ngân hàng thương mại liên tục cập nhật các mức giá mới trên biểu niêm yết. Mức giá bán ra cao nhất phổ biến ở 22.480 VND.
Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra được nới rất rộng, tới khoảng 150 VND, như một khoảng cách dự phòng rủi ro trước khi tỷ giá USD/VND tìm được điểm cân bằng mới.