Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá xăng khó giảm vì tỷ giá?

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở chu kỳ mới trở nên khó dự đoán, khi giá nhập khẩu từ thị trường Singapore tiếp tục giảm, song tỷ giá lại tăng.

Giá nhập khẩu xăng RON 92 trung bình trong giai đoạn từ 4/8 đến 18/8 là 66 USD mỗi thùng, thấp hơn chu kỳ trước gần 4 USD. Đây là 2 chu kỳ liên tiếp, giá nhập khẩu xăng RON 92 trung bình giảm với biên độ 4 USD/thùng. Trên bình diện quốc tế, giá dầu Brent thế giới những tuần gần đây luôn nằm dưới ngưỡng 50 USD một thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2015.  

Mặc dù vậy, tỷ giá USD tại 2 chu kỳ lại có sự chênh lệch lớn. Tính từ 4/8 tới 18/8, tỷ giá tại Vietcombank tăng lên mức trung bình 21.950 đồng/USD. Con số này nhỉnh hơn trung bình 110 đồng so với chu kỳ trước. Trên thực tế, tỷ giá VND/USD đã không còn ổn định trong giai đoạn 1 tuần trở lại, sau khi Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ. 

Giai đoạn từ 24/6 tới nay, giá xăng dầu nhập khẩu luôn nằm dưới mốc 80 USD và có xu hướng giảm đều. Tại thị trường bán lẻ trong nước, giá xăng liên tiếp giảm kể từ khi đạt đỉnh 20.710 đồng/lít ngày 19/6. Tính theo giá cơ sở, nhiên liệu này đã giảm hơn 2.454 đồng/lít từ 19/6 tới nay.

Giá xăng liên tục biến động kể từ đầu năm 2015. Ảnh: Hoàng Thành.

Giá xăng liên tục biến động kể từ đầu năm 2015. Sau lần về mốc thấp nhất 15.670 đồng/lít hồi tháng 1, nhiên liệu này quay đầu tăng liên tục từ tháng 3 đến hết tháng 6. Ở chu kỳ điều chỉnh gần nhất là ngày 4/8 mới đây, giá xăng RON 92 giảm 820 đồng/lít, hiện ở mức 19.300 đồng/lít.

Theo lý thuyết, giá nhập khẩu cùng tỷ giá trung bình 15 ngày gần nhất sẽ quyết định việc tăng hay giảm của giá xăng trong chu kỳ mới. Trao đổi với Zing.vn, đại diện một đầu mối bán lẻ xăng dầu cho biết, tỷ giá biến đổi thường sẽ tác động tới giá xăng ở chu kỳ sau nữa. "Lượng xăng bán ra ở chu kỳ tới khả năng là phần còn dự trữ, đã được nhập khẩu vào thời điểm tỷ giá còn ổn định", vị này nhận định.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), yếu tố điều hành của con người mới chính là điểm mấu chốt của việc xăng tăng hay giảm. Theo ông Long, việc điều hành giá xăng hiện nay vẫn chịu nhiều tác động từ sự can thiệp của Nhà nước, khiến giá bán lẻ chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường.

Tính đến 20/7, theo báo cáo của Petrolimex, Quỹ bình ổn xăng dầu còn tồn 1.350 tỷ đồng. Đã 2 chu kỳ điều chỉnh giá xăng liên tiếp kể từ 20/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính ngừng chi sử dụng Quỹ và giữ nguyên mức trích lập. Khi ngừng chi sử dụng trong giai đoạn tháng 1/2015, Quỹ bình ổn tăng từ 2.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng trong vòng 2 tuần. 

Giá xăng dầu khó giảm mạnh

Dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của việc nới biên độ tỷ giá nhưng với đà giảm giá trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước vẫn có điều kiện giảm vào kỳ điều hành ngày 19/8 tới.


 

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm