Mở đầu bài phân tích về cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, Associated Press ví von sự kiện lần này là “một sự tiếp nối kỳ lạ của cuộc đua tổng thống 2020, và là đoạn phim ‘nhá trước’ cho cuộc đua tiềm năng tiếp theo”.
Ông Donald Trump, người từ chối “rời sân khấu” sau thất bại của mình, đã dành suốt 2 năm để chỉ trích cuộc bầu cử 2020, chống lại Tổng thống Joe Biden và định hình các chiến dịch nhằm giành lại quyền lực.
Kết quả là một cuộc giằng co chính trị ít có tiền lệ, khi tổng thống hiện tại và người tiền nhiệm trực tiếp đối đầu nhau trong suốt nhiều năm.
“Cuộc đua bất thường”
Ông Trump đã tổ chức hàng loạt buổi mít tinh vận động sôi nổi ở các bang chiến trường, nơi chủ đề của ông thường xoay quanh việc ủng hộ ứng viên mà ông lựa chọn cẩn thận, hoặc cáo buộc và vạch lỗi đối thủ của mình.
Ông thường xuyên chỉ trích ông Biden trong khi tiếp tục lặp lại cáo buộc rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 gian lận. Mới nhất, tại Ohio, cựu tổng thống lần nữa tuyên bố “chúng tôi không thua” trong cuộc bầu cử vừa qua.
Ông Biden cho đến nay đã đứng ngoài một số chiến dịch bầu cử giữa kỳ tại các bang chạy đua gắt gao nhất. Thay vào đó, ông tập trung vào các hoạt động gây quỹ và các sự kiện chính thức, nơi ông đưa ra sự đối lập giữa các chương trình nghị sự chính sách giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ông thường tránh đề cập trực tiếp đến người đang có ảnh hưởng lớn nhất đảng đối lập, nhưng hôm 15/10 ở Oregon, tổng thống đã lên tiếng cảnh báo rằng “ông Trump đang kiểm soát đảng Cộng hòa”.
Một số bang nhận được sự chú ý của cả ông Trump và ông Biden cùng lúc, chẳng hạn thành phố Wilkes-Barre ở bang Pennsylvania đã đón cả 2 nhân vật ghé thăm chỉ trong vòng vài ngày.
Ông Donald Trump phát biểu trong một sự kiện ở Wilkes-Barre, Pennsylvania, ngày 3/9. Ảnh: Bloomberg. |
“Đây là một cuộc đua không bình thường và rất đáng chú ý”, Jeffrey Engel, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist, nói khi so sánh sự kiện năm nay với các cuộc bầu cử giữa kỳ khác.
“Không có trường hợp nào như vậy. Kể từ thời kỳ Đại suy thoái, chúng tôi không có cựu tổng thống nào tin rằng họ vẫn có một sự nghiệp chính trị vững chãi phía trước”, ông nói, đề cập đến cựu Tổng thống Herbert Hoover của đảng Cộng hòa đã cố vạch ra con đường nắm quyền lực trở lại dù thất bại trước đối thủ Dân chủ Franklin Delano Roosevelt vào năm 1932.
Cả ông Trump và Biden đều chưa chính thức thông báo họ sẽ tái tranh cử. Tuy nhiên, ông Trump đã có các gợi ý sẽ trở lại đường đua năm 2022, trong khi Biden cho biết ông muốn có thêm nhiệm kỳ thứ hai.
Nếu họ đối đầu một lần nữa, cuộc cạnh tranh giữa họ có thể trở thành một trong những cuộc đấu chính trị dài nhất và có tác động lớn nhất trong lịch sử Mỹ, kéo dài vài năm và qua nhiều cuộc bầu cử.
Trận tái đấu tiềm năng
Các cử tri dường như không mấy mặn mà với một trận tái đấu, trong khi cả ông Biden lẫn ông Trump đều phô diễn sự tự tin của họ trước đối thủ.
Một cuộc thăm dò gần đây của AP-NORC cho thấy chỉ khoảng 3/10 người Mỹ muốn ông Biden hoặc ông Trump tranh cử tổng thống trong năm 2022. Chỉ 5/10 đảng viên Dân chủ mong ông Biden nắm thêm nhiệm kỳ thứ hai, trong khi 6/10 đảng viên Cộng hòa hy vọng ông Trump trở thành tổng thống một lần nữa.
Trả lời câu hỏi gần đây của phóng viên CNN, Tổng thống Biden tự tin về cơ hội của mình nếu tái đấu với ông Trump.
“Tôi tin rằng mình có thể đánh bại Donald Trump một lần nữa”, ông nói.
Đối với ông Trump, cụm từ “một lần nữa” là điều không thể chấp nhận trong khi ông tiếp tục lan truyền sai sự thật rằng chiếc ghế tổng thống của ông Biden có được là do gian lận.
Đó là một phần không thể thiếu trong thông điệp chính trị của Trump mà ông đã nói suốt 2 năm nay trong hầu hết buổi diễn thuyết hay vận động ủng hộ những ứng viên đảng Cộng hòa tán thành quan điểm sai lầm của ông về cuộc bầu cử vừa qua.
Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc mít tinh do Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ tổ chức tại Rockville, Maryland, ngày 25/8. Ảnh: AP. |
Tại Arizona, trong buổi vận động gần đây nhất của mình, cựu tổng thống ám chỉ rằng ông Biden đang bị vây quanh bởi "những người xấu xa, rất thông minh", những người đang "giật dây".
“Không ai nghĩ rằng điều này có thể xảy ra ở đất nước chúng ta, và tất cả đã xảy ra vì một cuộc bầu cử gian lận”, ông nói.
Cựu tổng thống cũng đã ngầm tán thành một trong những thuyết âm mưu của QAnon - các nhóm hoạt động trên không gian mạng chuyên phát tán thuyết âm mưu. Thuyết này miêu tả ông Trump là người chiến đấu với những thế lực nham hiểm, giấu mặt.
Trên nền tảng xã hội Truth của mình, ông Trump chia sẻ hình ảnh bản thân đeo một chiếc ghim cài áo chữ Q kèm dòng chữ "Bão đang đến", ám chỉ ông sẽ sớm giành chiến thắng cuối cùng.
Ngoài các buổi mít tinh vận động giúp thu hút sự chú ý của giới truyền thông địa phương và nâng cao độ nhận diện cho các ứng viên đảng Cộng hòa mà ông ủng hộ, ông Trump còn giúp họ theo nhiều cách khác, như thay mặt họ tổ chức gây quỹ hay các buổi phát biểu vận động online.
Đáng chú ý nhất, vào tuần trước, MAGA Inc, Siêu Ủy ban Vận động Chính trị (Super Political Action Committee, hay siêu PAC) mới của ông, đã chi gần 5 USD cho quảng cáo phát sóng trên tivi ở các bang quan trọng.
Tuy nhiên, Mike DuHaime, một chiến lược gia lâu năm của đảng Cộng hòa, không chắc kết quả bầu cử giữa kỳ sẽ tạo ra sự khác biệt trong kế hoạch của ông Trump cho cuộc đua tổng thống tiếp theo.
“Ông ấy sẽ nhận công cho mọi chiến thắng và đổ lỗi cho mọi trận thua”, ông DuHaime nói.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Chính sách đối ngoại Mỹ: Tiếp cận từ thuyết Hiện thực mới và trường hợp Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020. Cuốn sách này sẽ tập trung lý giải những nội dung cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ sau Chiến tranh lạnh dưới lăng kính của thuyết Hiện thực mới, lựa chọn các chính sách của Mỹ đối với Việt nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 để minh họa và kiểm chứng cho lý thuyết này.