Đến thời điểm hiện tại trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Joe Biden nhận thấy mọi thứ đang khác đi.
Tưởng như người tiền nhiệm của ông sẽ dần lui khỏi sân khấu và Mỹ sẽ khôi phục lại bình thường. Nhưng như ông nói vào tối 1/9, "rất nhiều điều đang xảy ra ở đất nước chúng ta ngày nay là bất thường".
Vị tổng thống, người từng chia sẻ “dân chủ đã thắng thế” khi lên nhậm chức, tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình vào giờ vàng rằng trên thực tế, 19 tháng sau, nền dân chủ vẫn “bị tấn công”.
Cựu Tổng thống Donald Trump và đảng viên Cộng hòa theo tư tưởng “Make America Great Again” (MAGA) - như ông Biden gọi là đồng minh của người tiền nhiệm - được cho vẫn là mối nguy hiểm đối với nước Mỹ.
Theo New York Times, kịch bản chiến dịch tranh cử năm 2020 đang lặp lại, chỉ khác là giờ đây, vị trí tổng thống đương nhiệm và đối thủ thách thức đã thay đổi.
Tổng thống Joe Biden đã phát biểu về “cuộc chiến vì linh hồn quốc gia” bên ngoài Hội trường Độc lập ở Philadelphia, ngày 1/9. Ảnh: New York Times. |
Chiến lược của ông Biden
Mỹ đã và đang bị chia cắt bởi ý thức hệ, văn hóa, kinh tế, chủng tộc, tôn giáo, cùng đảng phái. Sự bất bình vẫn dẫn đến tình trạng phân cực như ngày nào.
Trên thực tế, mặc dù, ông Biden đã đạt được một số thành công trong lập pháp lưỡng đảng, ông không thể hàn gắn sự rạn nứt xã hội ngày càng rộng lớn mà ông “thừa kế" khi lên làm tổng thống.
Và đó có thể cũng là điều mà không tổng thống nào làm được.
Với một đảng đối lập phần lớn tin rằng cuộc bầu cử gần đây đã bị “đánh cắp” và vẫn còn vướng vào một cựu tổng thống bị luận tội hai lần - người đã khuyến khích đám đông tấn công Điện Capitol để ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực - lời kêu gọi đoàn kết đất nước của ông Biden không có mấy sức hút.
Một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng những nỗ lực của ông nhằm xây dựng sự đồng thuận là yếu ớt, không có thiện chí, trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ lại phàn nàn rằng họ (đảng Cộng hòa) đang đòi hỏi quá mức.
Và vì vậy, trong bối cảnh các bên đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Biden đã đưa ra thông điệp đoàn kết, ít nhất là vào lúc này, và đưa ra lời kêu gọi chiến thắng trong “cuộc chiến vì linh hồn của quốc gia”.
New York Times nhận định chiến lược trước mắt cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là hiển nhiên. Thay vì tập trung vào cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống, vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và tinh thần công chúng xuống thấp, ông Biden muốn hướng cuộc bầu cử sắp tới trở thành một lựa chọn giữa “bình thường” và “chủ nghĩa cực đoan đe dọa chính nền móng của nền cộng hòa nước ta".
Nếu chiến lược này hình thành, đó sẽ lại là một trận tái đấu giữa ông Biden và ông Trump, dù không có bất cứ vị chính trị gia nào có tên trong lá phiếu.
Nếu người Mỹ được hỏi liệu họ có ủng hộ ông Biden hay không, họ có thể nói không. Nhưng nếu họ được hỏi họ có ủng hộ ông Biden hơn ông Trump hay không, họ có thể trả lời là có. Ít nhất, đó là lý thuyết của Nhà Trắng.
Ông Biden muốn hướng cuộc bầu cử sắp tới trở thành một lựa chọn giữa “bình thường” và “chủ nghĩa cực đoan đe dọa nền móng của cộng hòa". Ảnh: Reuters. |
Và đó cũng là quan điểm được đúc kết từ các cuộc khảo sát ý kiến gần đây. Sau một loạt chiến thắng về lập pháp và chính sách, tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden đã tăng lên, mặc dù vẫn ở khoảng mức 40%.
Nhưng khi đọ sức với ông Trump trong một cuộc thăm dò mới của Wall Street Journal, ông Biden đã dẫn đầu trong cuộc tái đấu vào năm 2024 trên lý thuyết, với tỷ lệ 44-50%.
Thế khó
Ông Trump được cho là đã giúp Tổng thống Biden tạo tiền đề cho một cuộc đấu chính trị như vậy, qua những nỗ lực duy trì sức ảnh hưởng của mình đối với đảng Cộng hòa.
Nhưng điều này đồng nghĩa với việc ông Biden sẽ bị đặt vào tư thế đối đầu nhiều hơn trong hai tháng tới, đi ngược với mong muốn trở thành người hòa giải của ông.
Nó sẽ đặt ông vào thế khó khi bị cáo buộc vào tối 1/9 là tổng thống gây chia rẽ nhất trong thời hiện đại. Đảng Cộng hòa của ông Trump đã nói rằng ông Biden là người “xé nát” đất nước và đe dọa nền dân chủ, chứ không phải họ.
Trong cuộc tranh cãi, họ cho hay ông đã xúc phạm 74 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho ông Trump khi mô tả cựu tổng thống và những người ủng hộ ông là "nhân vật bán phát xít”.
“Ông Joe Biden là người đứng đầu gây chia rẽ và là hình ảnh thu nhỏ cho tình trạng hiện tại của đảng Dân chủ: Căm ghét và thù địch đối với một nửa đất nước”, bà Ronna McDaniel, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, người đứng về phía ông Trump, nói.
Trong bài phát biểu tại Hội trường Độc lập ở Philadelphia sau đó, ông Biden đã nhấn mạnh lại rằng trên thực tế, ông không nói về tất cả thành viên đảng Cộng hòa.
“Không phải mọi thành viên đảng Cộng hòa, thậm chí không phải đa số đảng viên Cộng hòa, đều theo tư tưởng MAGA”, ông nói. “Không phải tất cả đều ôm ấp hệ tư tưởng cực đoan. Tôi biết, bởi tôi đã làm việc với những người Cộng hòa chính thống này”.
Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden trước Hội trường Độc lập tại Philadelphia. Ảnh: Reuters. |
Đảng Cộng hòa không thực sự là đối tượng mục tiêu của ông Biden trong mọi trường hợp.
Trong hy vọng gắn kết đất nước, tổng thống và đồng minh của ông đã chấp nhận rằng 40% người Mỹ nằm ngoài tầm với của họ và không muốn lắng nghe.
Và vì vậy ông Biden không nói chuyện với họ mà là với 81 triệu người Mỹ, những người đã thành lập liên minh cùng đảng Dân chủ, những người độc lập và bất mãn với đảng Cộng hòa mà ông đã tập hợp hai năm trước. Ông hy vọng có thể đưa họ trở thành các ứng cử viên quốc hội mà mình ưa thích.
Tuy nhiên, đó sẽ là một cuộc tranh đấu khó khăn. Hầu hết người Mỹ thậm chí không nghe bài phát biểu của ông Biden đêm 1/9. Ba mạng phát thanh truyền hình lớn từ chối phát bài phát biểu, rõ ràng coi đây là một sự kiện vận động tranh cử hơn là bài phát biểu của tổng thống trước quốc gia.
Trong lịch sử, đảng của tổng thống đương nhiệm hầu như luôn thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tiên.
Giờ đây, đảng Cộng hòa chỉ cần có thêm một ghế duy nhất trong Thượng viện và một số ít trong Hạ viện để nắm quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện. Điều này sẽ khiến tổng thống Mỹ phải đối mặt nhiều thách thức trong suốt nhiệm kỳ còn lại.
Nhưng các quan chức Nhà Trắng và thành viên đảng Dân chủ khác đang dần cảm thấy phấn chấn hơn trước sự thay đổi động lực chính trị trong những tuần gần đây. Đặc biệt là kể từ khi Tòa án Tối cao lật ngược vụ Roe v. Wade và loại bỏ quyền phá thai theo hiến pháp - quyết định khiến những người theo chủ nghĩa tự do và ôn hòa tức giận, thúc đẩy họ quay trở lại với đảng Dân chủ.
“Nếu các đảng viên Cộng hòa cực đoan giành quyền kiểm soát Quốc hội, việc bạn sống ở đâu sẽ không còn quan trọng. Phụ nữ sẽ không có quyền lựa chọn ở bất kỳ đâu”, ông Biden nói trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), ở Maryland, hôm 25/8.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc tập trung vào cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ, như cách ông Biden đã định hình, có thể lay chuyển cử tri khỏi các vấn đề như lạm phát, tội phạm, nhập cư hay không.
Từ lâu, Nhà Trắng đã kết luận rằng họ không thể giành chiến thắng chỉ bằng cách thúc đẩy thành tích lập pháp của ông Biden, ngay cả khi các trợ lý cho rằng ông đã đạt được rất nhiều thành tựu về cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và các vấn đề khác.
Nhóm của tổng thống xác định rằng đảng Dân chủ sẽ chỉ giành chiến thắng được bằng cách khiến người Mỹ thấy phe bên kia (đảng Cộng hòa) quá nguy hiểm để quay trở lại nắm quyền.
Và trong nền chính trị Mỹ thời Biden - Trump, những cuộc tranh luận kiểu đó sẽ ngày càng trở nên phổ biến và là “bình thường mới”.