Xiaomi, Oppo, OnePlus là những hãng cài phần mềm theo dõi lên điện thoại người dùng. Ảnh: BGR. |
Không ít các thương hiệu smartphone nổi tiếng hiện nay đều đến từ Trung Quốc. Ở thị trường Việt Nam, Xiaomi, Oppo, OnePlus là những tên tuổi được yêu thích nhờ giá rẻ, các tính năng tân tiến không thua kém flagship cao cấp nhất như sạc nhanh, cảm biến camera chất lượng cao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng người dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng khi mua smartphone Trung Quốc vì tiềm ẩn nguy cơ bị theo dõi.
Mới đây, một nghiên cứu của Đại học Edinburgh và Trinity College Dublin đã chỉ ra những dòng điện thoại này thường thu thập trái phép thông tin danh tính của người dùng. Điều đáng sợ hơn cả là những spyware (phần mềm gián điệp) này đã được cài đặt mặc định khi người dùng mua điện thoại Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích sâu các phiên bản Android 11 tùy biến chạy trên các flagship Xiaomi Redmi Note 11, Oppo Realme Q3 Pro và Oneplus 9R. Đây là 3 thương hiệu nổi bật nhất ở quốc gia tỷ dân.
Với những app đã cài đặt sẵn, đội nghiên cứu đã phân tích máy chủ mà các smartphone này kết nối. Kết quả cho thấy bảo mật người dùng không được bảo vệ đúng mức trên những thiết bị Trung Quốc này.
Theo nghiên cứu, nhiều dữ liệu cá nhân (personally identifiable information - PII) của người dùng đã bị gửi đến các nhà bán lẻ cũng như nhà mạng Trung Quốc như China Mobile mặc dù người dùng không hề sử dụng dịch vụ của các nhà mạng này.
PII bao gồm mã định danh liên tục (PID), địa điểm, hồ sơ người dùng và thông tin liên hệ của những người xung quanh. Cụ thể, những dữ liệu bị rò rỉ trái phép bao gồm thông tin hệ thống, các app đã cài đặt, vị trí GPS, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi…
Các nhà nghiên cứu chỉ ra khi những thông tin này bị tiết lộ, người dùng sẽ không thể nào ẩn danh tính trên thế giới ảo và dễ dàng bị theo đuôi trong đời thực ngay cả khi thiết bị không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
Smartphone Trung Quốc từng vướng nhiều điều tra, chỉ trích về an ninh và bảo mật tại Mỹ. Ảnh: Xiaomi. |
Khi so sánh các app mặc định của Trung Quốc với quốc tế trên các smartphone, các nhà khoa học nhận thấy những ứng dụng Trung Quốc chiếm số lượng gấp 3-4 lần so với bản quốc tế. Các ứng dụng này cũng yêu cầu người dùng cho phép truy cập rất nhiều quyền khác nhau, nhiều hơn gấp 8-10 lần so với app quốc tế. Phần lớn số quyền này được các nhà nghiên cứu xếp vào nhóm nguy hiểm.
Trước đó, năm 2020, hãng Tecno sản xuất ở Trung Quốc đã bị phát hiện cài sẵn phần mềm gián điệp lên máy. Trang tin Secure-D cho biết đã có hơn 844.000 giao dịch lừa đảo được thực hiện từ giữa tháng 3 đến tháng 12/2019 thông qua hai mã độc có tên xHelper và Triada được cài sẵn trên chiếc Tecno W2. Các mẫu điện thoại này chủ yếu được bán ở châu Phi, Indonesia và Ấn Độ.
Không chỉ vậy, hai nhà nghiên cứu bảo mật Gabriel Cirlig và Andrew Tierney từng tiết lộ các smartphone Xiaomi vẫn thu thập dữ liệu lướt web của người dùng ngay cả ở chế độ ẩn danh bao gồm đường dẫn URL và truy vấn tìm kiếm trên trình duyệt Mi Browser Pro và Mint Browser.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.