Điện thoại thương hiệu Việt chạy đua cấu hình 'khủng'
Thiết kế ngày càng đẹp, hệ thống phần cứng ngày càng mạnh mẽ và tỷ lệ “Việt hoá” ngày càng cao đang là những nhân tố giúp các smartphone thương hiệu Việt thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong nước.
Sau thành công của Q-mobile ở thị trường điện thoại cơ bản cách đây khoảng 4-5 năm, đến giai đoạn hiện nay, làn sóng điện thoại "thương hiệu Việt" đang ngày càng mở rộng với các nhà sản xuất như FPT, Viettel, Mobiistar, HKPhone….
Nếu trước đây, sản phẩm chủ đạo của các thương hiệu điện thoại Việt thường được bán với mức giá rẻ, được trang bị các tính năng tối thiểu như thẻ nhớ ngoài, kết nối Bluetooth, nghe nhạc, chụp ảnh... với các thông số vừa phải, thì khoảng 2 năm trở lại đây, càng ngày càng xuất hiện nhiều smartphone có cấu hình cao, với các thông số và tính năng ấn tượng đến từ các thương hiệu Việt.
Các hãng điện thoại Việt đang chạy đua sản xuất smartphone cấu hình “khủng”. |
Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2013, các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt đã lần lượt giới thiệu ra thị trường những mẫu smartphone cấu hình cao chủ lực của mình, như HKPhone với Revo HD4 (màn hình HD 5 inch, chip lõi tứ lõi Cortex A7, RAM 1GB bộ nhớ trong 4GB), FPT với FPT IV (màn hình 4,5 inch, RAM 1GB, bộ nhớ trong 4GB), Q-mobile với Q-Smart S16 và Q-Smart S21 (màn hình 4 inch, RAM 512MB, bộ nhớ trong 4GB), Mobiistar với Touch KEM 452 HDMI (màn hình 4,5 inch, chip lõi kép 1GHz, RAM 1GB)…
Theo đại diện một hãng điện thoại thương hiệu Việt, dù vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các “ông lớn” như Samsung, Nokia, HTC… nhưng các dòng smartphone thương hiệu Việt vẫn có sức tiêu thụ tốt. Điều này có được một phần nhờ mức độ nội địa hoá của sản phẩm: yếu tố “Việt” giúp các nhà sản xuất dễ dàng hiểu và tiếp cận người tiêu dùng hơn. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của người tiêu dùng dành cho thương hiệu nội địa cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ góp phần giúp các thương hiệu Việt có thêm lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu.
Smartphone cấu hình cao FPT IV của FPT. |
Không phải ngẫu nhiên mà các hãng điện thoại thương hiệu Việt hiện đang thành công lại lựa chọn phát triển mô hình sản xuất smartphone cấu hình cao tại thị trường trong nước. Dĩ nhiên, các nhà sản xuất điện thoại Việt đều hiểu rằng, sự thành công của các smartphone được xem là “bom tấn” hiện gắn liền với hai yếu tố: công nghệ hiện đại và thiết kế đẹp.
Một chiếc điện thoại mỏng, nhẹ với thiết kế hiện đại là tiêu chí đầu tiên khi chọn mua điện thoại của khá nhiều người tiêu dùng Việt hiện nay. iPhone 5, Galaxy S4, Lumia 920, HTC One… đều là những “siêu điện thoại” được xem là đẹp nhất hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, chúng lại có giá khá đắt đỏ, khoảng trên 10 triệu đồng. Nắm bắt được nhu cầu sở hữu điện thoại đẹp, nhiều hãng điện thoại Việt như HKPhone, Q-mobile… đã liên tục ra mắt các sản phẩm có thiết kế khá giống từ màu sắc, kiểu dáng, chất liệu vỏ… với các “siêu điện thoại” nhưng lại có mức giá rẻ hơn từ 50 - 70%.
Song song với thiết kế ấn tượng thì các mẫu điện thoại Việt hiện nay cũng được trang bị các tính năng “xịn” như máy ảnh nhiều “chấm”, màn hình cảm ứng, hệ điều hành Android, hỗ trợ Wi-Fi, GPS, 3G… và đặc biệt là bộ xử lý lõi tứ. Cả HKPhone, Q-mobile, Mobiistar, FPT đều biết rằng, smartphone lõi tứ có khả năng cải thiện hiệu suất xử lý đa nhiệm cũng như hiệu suất của các ứng dụng đa luồng (multithreaded). Tốc độ chuyển giữa các ứng dụng đang chạy cũng nhanh hơn nhiều so với điện thoại lõi kép. Và điện thoại có vi xử lý lõi tứ thực sự có thể thay thế nhiều chức năng của laptop hoặc máy tính để bàn.
Một ưu điểm khác nếu so với các dòng điện thoại “bom tấn” thì các sản phẩm mang thương hiệu Việt còn được trang bị thêm một số tính năng “khủng” hơn: nhiều dòng sản phẩm được tích hợp khả năng đàm thoại, nhắn tin với 2 sim, 2 sóng online, một số có thể xem phim 3D không kính, số khác lại được tích hợp tính năng xem truyền hình trực truyến qua ăng-ten…
Ngoài ra, yếu tố “thuần Việt” trong giao diện và các thao tác máy của các dòng smartphone Việt ngày càng được đẩy mạnh. Dễ nhận thấy, ngoài kho phần mềm mặc định Google Play của hệ điều hành Android, nhiều hãng điện thoại Việt đã đầu tư kho ứng dụng cho riêng mình. Trong đó, ngoài những ứng dụng cơ bản đã được Việt hóa, thì cũng có không ít tiện ích được thiết kế riêng nhằm phù hợp với nhu cầu đặc thù của người dùng Việt.
Có thể nói, sự lên ngôi của smartphone thương hiệu Việt cấu hình cao như một cơn gió lạ, đem đến nét tươi mới cho thị trường di động Việt Nam. Không chỉ cung cấp cho người dùng thêm nhiều lựa chọn mua điện thoại hơn, các dòng điện thoại này có thể thỏa mãn tốt một bộ phận không nhỏ người dùng di động Việt mong muốn sở hữu những thiết bị smartphone cấu hình cao nhưng lại không quá đắt.
Thanh Lương
Theo Infonet