Thương hiệu Việt Nam sản xuất tại Trung Quốc
Thuê sản xuất linh kiện ở Trung Quốc, về Việt Nam lắp ráp gia công, và quảng cáo là thương hiệu Việt, thậm chí "hàng đầu Việt Nam".
Một nhóm cựu sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có dự định lập một công ty chuyên sản xuất các thiết bị thông minh trong gia đình như, đèn cảm ứng nhiệt trong nhà tắm, nhà vệ sinh; thiết bị chống giật nồi cơm điện; cảm biến báo cháy.... Người chủ trương nhóm cho biết: "Các thiết bị này trên thế giới đều có hết, nhưng giá rất đắt. Chúng tôi dự định xem xét và học theo thiết kế của họ, sau đó tái sản xuất với giá rẻ hơn rất nhiều để cung cấp cho thị trường nội địa". Điểm mấu chốt theo anh này là nhóm có những mối sản xuất, gia công linh kiện theo yêu cầu của Trung Quốc.
"Thành viên trong nhóm đã có kinh nghiệm sản xuất, lập trình thiết kế khi tham gia đội robocom của trường. Chúng tôi đã nghiên cứu một số thiết bị và khảo sát nguồn cung linh kiện trên thị trường Trung Quốc. Mọi thứ đều ổn, giá thành sản phẩm dự kiến chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/4 giá sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ có những cải tiến cho phù hợp với thói quen sử dụng của người Việt. Điểm khó nhất bây giờ với chúng tôi là làm thương hiệu", người chủ trương nhóm cho biết thêm.
Phương thức nhập linh kiện từ nước ngoài về nước gia công lắp ráp và gán nhãn mác Việt không phải là mới. Nhiều sản phẩm trên thị trường như điện thoại di động, máy lọc nước.. thậm chí cả thép mang thương hiệu nội địa nhưng thực chất được nhập từ Trung Quốc. Theo giải thích của các hãng này, hàng hóa nếu tự sản xuất trong nước sẽ có giá thành cao và khó cạnh tranh, còn gia công ở Trung Quốc sẽ rẻ hơn.
Nhưng không phải tất cả các hãng đều chọn phương cách phát triển nhập hàng, dán mác Việt. Từ những năm 1980, với vỏn vẹn 1,5m2 mặt bằng và một ít đồ nghề mài kềm, anh thợ mài kềm Nguyễn Minh Tuấn đã quyết chí lập công ty riêng. Từ một xưởng sản xuất dụng cụ làm móng mang tên 'Nghĩa Sài Gòn' năm 1992, đến năm 2000 Công ty TNHH Cơ khí Kềm Nghĩa được thành lập và hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000.
Năm 2001 sản phẩm Kềm Nghĩa chính thức xâm nhập thị trường Mỹ, đến đầu năm 2003 là thị trường: châu Âu, Úc, Canada, Hàn Quốc… Theo công bố của công ty, hiện sản phẩm Kềm Nghĩa chiếm khoảng 80% thị phần trong nước. Tỷ trọng xuất khẩu bình quân đạt 30% trên tổng doanh số bán.
Chúng tôi đến cửa hàng Kềm Nghĩa, số 10 Hàng Lược, Hoàn Kiếm (Hà Nội) hỏi mua tông-đơ cắt tóc cho trẻ em, nhân viên cửa hàng lắc đầu nói: "Cửa hàng chỉ bán đồ Kềm Nghĩa sản xuất được, không bán hàng bên ngoài để giữ uy tín". Cô nhân viên ở đây cũng sẵn sàng chỉ chỗ mua tông-đơ ngay cạnh cửa hàng trên phố Hàng Khoai.
Triết lý kinh doanh của Kềm Nghĩa: 'Chất lượng là sự sống còn của thương hiệu - muốn thương hiệu phát triển nhanh và vững vàng trước gió bão thì cần ươm mầm thương hiệu từ hạt giống chất lượng'. Hãng ô tô Xuân Kiên với thương hiệu Vinaxuki cũng có thể coi là một điển hình khác cho nỗ lực sản xuất ra các sản phẩm 'made in Vietnam' đích thực.
Thùy An
Theo Infonet