Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ nhưng bác bỏ các yêu cầu được Tổng thống Joe Biden nêu ra vào hôm 1/12. Ảnh: Sputnik. |
Trả lời phóng viên hôm 2/12, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình và muốn sử dụng con đường ngoại giao để giải quyết xung đột Ukraine nhưng từ chối yêu cầu rút quân khỏi quốc gia Đông Âu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trước đó.
"Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục. Mặc dù vậy, Tổng thống Vladimir Putin đã, đang và luôn sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Chắc chắn chúng tôi muốn giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao hòa bình", RT dẫn tuyên bố của ông Peskov.
Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra một ngày sau những phát biểu về tình hình xung đột tại Ukraine của Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Washington.
"Tôi sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Putin nếu ông ý thực sự muốn kết thúc cuộc xung đột này. Ông ý vẫn chưa có ý định như vậy. Tuy nhiên, giải pháp duy nhất để kết thúc xung đột tại Ukraine chính là việc Nga phải rút quân khỏi quốc gia Đông Âu này", Tổng thống Biden phát biểu trong buổi họp báo hôm 1/12.
Bên cạnh nhận định về tuyên bố của Tổng thống Biden, ông Peskov cho biết biết triển vọng đàm phán giữa Moscow và Washington là rất thấp ở thời điểm hiện tại do những bất đồng quan điểm lớn giữa 2 nước.
Tình hình xung đột tại Ukraine trong thời gian gần đây vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Theo Reuters, trong khi Nga đẩy mạnh các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, các thành viên thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ về vũ khí và tài chính cho quốc gia này.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine". Cuốn sách nhấn mạnh Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.