Hệ thống pháo tự hành phòng không Gepard là một trong những loại vũ khí hạng nặng được Đức chuyển cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Reuters. |
Tạp chí Spiegel, cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về đợt viện trợ quân sự bổ sung này, cho biết 7 hệ thống Gepard vốn đã được quân đội Đức loại biên.
Sau quyết định của Berlin, các hệ thống phòng không này đang được tập đoàn sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann (KMW) tại thành phố Munich sửa chữa để đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu và sẽ được chuyển đến lực lượng quân đội Ukraine vào mùa xuân năm 2023.
Chính phủ Đức không cho biết lịch trình chuyển giao các hệ thống phòng không trên, vốn được lấy từ kho hàng của KMW. Đối với các hệ thống Gepard được chính phủ Đức chuyển giao cho Ukraine trước đó, tốc độ chuyển giao phụ thuộc vào việc tìm kiếm được phụ tùng cần thiết để sửa chữa và vận hành các hệ thống này.
Theo Spiegel, bên cạnh việc cung cấp thêm 7 pháo tự hành phòng không Gepard, chính phủ Đức cũng gửi thêm đạn dược cho các hệ thống đã có sẵn trong biên chế quân đội Ukraine.
Trước đó, việc cung cấp đạn dược cho các hệ thống Gepard được chuyển cho Ukraine là một vấn đề lớn với Đức khi Thụy Sĩ - quốc gia sản xuất loại đạn này - từ chối cung cấp vũ khí do trạng thái trung lập của quốc gia này.
Gepard là một loại xe tăng được trang bị 2 khẩu pháo phòng không 35 mm, có thể nâng cấp thành tên lửa phòng không Stinger. Vũ khí phòng không này hiện được sử dụng trong quân đội nhiều nước như Brazil, Jordan, Qatar hay Romania.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.