Xung đột tại Ukraine hồi đầu năm nay đã thúc đẩy đoàn kết giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như giao thương và đầu tư giữa Mỹ và châu Âu.
Dẫu vậy, sau gần một năm, giữa lúc Mỹ và đồng minh đối mặt với hậu quả kinh tế từ chiến sự, các quan chức châu Âu bắt đầu thất vọng trước sự phụ thuộc an ninh và kinh tế ngày càng tăng của lục địa vào Washington.
Mỹ đã thay thế Nga trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Tuy nhiên, giá của những lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng không hề rẻ, gây áp lực lên các cơ sở sản xuất tại châu Âu. Châu Âu cũng cần sự hỗ trợ từ Washington để củng cố khả năng phòng thủ và tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Trong chuyến thăm tới Mỹ của tổng thống Pháp hôm 29/11, các mối quan tâm về kinh tế và địa chính trị là ưu tiên hàng đầu, theo Wall Street Journal. Ông Macron coi Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ (IRA) - dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2023 - là mối đe dọa với ngành công nghiệp châu Âu, theo các quan chức Pháp.
Đạo luật mới gồm các khoản trợ cấp lớn và khấu trừ thuế cho các công ty đầu tư tại Mỹ. Gói hỗ trợ trị giá 369 tỷ USD từ chính quyền ông Biden, kết hợp với chi phí năng lượng cao ở châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho EU. Theo Financial Times, những yếu tố này đang thúc đẩy các công ty châu Âu “di cư” sang Mỹ.
Sức hút của thị trường Mỹ
Theo Politico, Pháp dẫn đầu cáo buộc chống lại IRA. EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga gửi khiếu nại tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cho rằng biện pháp này vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, do phân biệt đối xử không công bằng với các nhà sản xuất nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chỉ trích kế hoạch của Mỹ “gây nguy hiểm cho sân chơi bình đẳng” và làm tăng nguy cơ xảy ra “cuộc chiến thương mại mới”. Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, mô tả gói hỗ trợ của Washington là "quá mức" và "thu hút đầu tư từ châu Âu".
Các quan chức châu Âu cho rằng những biện pháp này gây tổn hại cho nhiều sản phẩm do lục địa này sản xuất, ví dụ như pin hay ôtô điện không đủ điều kiện nhận khấu trừ thuế. Phía Pháp lo ngại những nhà sản xuất ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao của châu Âu bắt đầu tính đến việc chuyển hoạt động sang Mỹ. Điều này giúp họ nhận được các khoản trợ cấp nhiên liệu rẻ hơn.
Theo Sébastien Jean - giáo sư kinh tế tại trường đại học và trung tâm nghiên cứu Conservatoire National des Arts et Métiers, luật mới của Mỹ “có thể kích hoạt làn sóng phi công nghiệp hóa ở châu Âu”.
Ví dụ, Northvolt - niềm hy vọng lớn của châu Âu trong cuộc chiến pin xe điện toàn cầu - ban đầu là công ty khởi nghiệp tập trung ở lục địa này. Giờ đây, tập đoàn Thụy Điển đang tìm đến thị trường Mỹ.
IRA sẽ trợ cấp cho một nhà máy ở Mỹ khoảng 600-800 triệu USD, theo Northvolt. Con số này lớn hơn nhiều so với gần 160 triệu USD từ Đức.
“IRA đang chuyển động lực từ châu Âu sang Mỹ”, Giám đốc điều hành Northvolt, Peter Carlsson, nói. Ông cho biết thêm xu hướng này không chỉ ảnh hưởng đến công ty châu Âu, mà châu Á cũng đang phân bổ lại kế hoạch và chiến lược đầu tư sang Bắc Mỹ.
Nhiều công ty châu Âu đang tìm tới thị trường Mỹ để tìm kiếm ưu đãi từ gói trợ cấp IRA. Ảnh: InsideEVs. |
“Mỹ là địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn rất nhiều", ông Ignacio Galán, chủ tịch Iberdrola, nhận định. “Ví dụ, với hydro được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, theo IRA, Mỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tới 100 tỷ USD, trong khi đó mức hỗ trợ của EU chỉ là 5 tỷ USD”.
Tuần trước, ông Macron tổ chức bữa ăn tối tại Élysée với hàng chục giám đốc điều hành từ các công ty như nhà sản xuất ôtô Đức Bayerische Motoren Werke, nhà sản xuất thuốc AstraZeneca của Anh và nhà sản xuất khí đốt công nghiệp Pháp Air Liquide. Theo đó, tổng thống đề nghị họ không chuyển chuỗi sản xuất sang Mỹ.
Không chỉ vậy, ông Macron kêu gọi châu Âu phản ứng đồng nhất trước luật của Mỹ. Pháp muốn khối này phối hợp thông qua đạo luật Mua hàng châu Âu (Buy European Act), khi họ muốn EU cung cấp các khoản khấu trừ thuế của riêng mình để đối đầu với sức hút từ IRA.
“Chúng ta cần Đạo luật Mua hàng châu Âu giống như Mỹ, chúng ta cần dự trữ trợ cấp cho nhà sản xuất châu Âu”, ông Macron nói vào tháng trước. “Trung Quốc bảo vệ ngành công nghiệp của họ, Mỹ cũng bảo vệ ngành công nghiệp của họ, trong khi châu Âu là thị trường mở”.
Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận vấn đề này có thể là chủ đề chính mà tổng thống Pháp và Mỹ thảo luận, nhưng họ không nghĩ sẽ giải quyết được bất đồng trong chuyến thăm này. Họ nói thêm Mỹ cam kết đảm bảo lục địa này có nguồn cung năng lượng ổn định trong mùa đông này và xa hơn thế.
Ông Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu hồi tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Dấu hiệu mối quan hệ nồng ấm trở lại
Chuyến thăm của ông Macron tới Mỹ đánh dấu sự trở lại các hoạt động ngoại giao truyền thống của ông Biden, sau khi tổng thống Mỹ hạn chế gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài trong thời gian đại dịch Covid-19.
Các quan chức Mỹ cho biết tổng thống có mối quan hệ thân thiết với ông Macron, bất chấp những bất đồng giữa hai nước. Họ nói việc ông Biden chọn Pháp là quốc gia có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh lâu đời nhất.
Mối quan hệ giữa Paris và Washington từng đi xuống vào năm ngoái, khi Mỹ đẩy Pháp ra khỏi hợp đồng cung cấp tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington lần thứ hai của tổng thống Pháp. Năm 2018, ông Macron cũng là lãnh đạo thế giới đầu tiên được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mời dự quốc yến.
Các quan chức Pháp cho biết ông Macron và người đồng cấp Mỹ dự kiến thảo luận về vấn đề hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Pháp đã tăng cường hỗ trợ cho Kyiv những tháng gần đây, dưới áp lực từ Mỹ và các đồng minh khác.
Các quan chức Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ là chủ đề thảo luận chính giữa ông Macron và ông Biden. Trong khi đó, phía Pháp cho biết ông Macron có kế hoạch thúc ép Tổng thống Biden tìm cách giảm nguy cơ xung đột lan rộng hơn giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraine.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.