Trong những ngày cuối của cuộc giao tranh ở phía đông thành phố Sievierodonetsk, một trung sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine đã gặp rắc rối: Trung đội ông bị hở “mạng sườn” và ông cần thông báo cho các binh sĩ biết rằng quân Nga đang tiến tới.
Nhưng ông không thể. Với 15 người lính dàn ra trên tuyến phòng thủ kéo dài hơn 180 m, đơn vị của ông chỉ có hai bộ đàm. Và dù ông có la hét lớn đến đâu, không có bất kỳ phản ứng nào từ các đồng đội giữa tiếng đạn pháo và súng máy, theo New York Times.
Vào thời điểm khi vị trung sĩ 53 tuổi, người có mật danh "tướng quân", cố gắng chạy đến vị trí của các đồng đội để thông báo, ba người trong số họ đã chết.
"Chúng tôi không có cách nào liên lạc với nhau”, ông nói. "Khi chúng tôi đến bên cánh phải, những người ở đó đã chết".
Trong khi các nhà lãnh đạo ở Kyiv kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm nhiều vũ khí công nghệ cao, tầm xa hơn để đối đầu với hỏa lực vượt trội của Nga, những thiếu sót ở quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng quan trọng không kém đang làm suy yếu khả năng của lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột.
Binh sĩ Ukraine bắn một khẩu lựu pháo tự hành vào lực lượng Nga ở khu vực phía đông Donetsk. Ảnh: New York Times. |
Lỗ hổng chí mạng
Trên thực tế, sự cố liên lạc mà trung đội của “tướng quân" gặp phải hồi đầu tháng này không phải là điều hiếm thấy đối với các lực lượng Ukraine đang chiến đấu ở phía đông. Vấn đề này diễn ra phổ biến trên khắp các chiến tuyến và xuất hiện gần như trong mọi khía cạnh của cuộc xung đột, từ phối hợp tác chiến, cung cấp vật tư đến điều quân.
New York Times đã phỏng vấn gần 20 binh sĩ Ukraine trong vài tuần qua và họ đều chỉ ra những vấn đề tương tự. Lực lượng Nga liên tục làm nhiễu bộ đàm, trong khi phía Ukraine không có đủ thiết bị liên lạc và họ thường gặp khó khăn khi kết nối với chỉ huy để yêu cầu pháo binh yểm trợ.
Một số người cho biết việc trao đổi với các đơn vị đóng quân gần đó cũng là vấn đề, dẫn đến việc lực lượng Ukraine thỉnh thoảng nổ súng vào nhau.
“Khả năng phối hợp giữa các lực lượng trên chiến trường là điều cần thiết, nhưng cả hai bên (Ukraine và Nga) đều phải vật lộn trong việc duy trì liên lạc và chỉ huy - kiểm soát hiệu quả”, Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA, một viện nghiên cứu ở Arlington (Mỹ), cho biết.
Năm 2014, khi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn thành lập hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbas, lực lượng vũ trang Ukraine, được xây dựng theo mô hình quân đội thời Liên Xô, phải nhanh chóng hiện đại hóa.
Kể từ đó, chính phủ Kyiv đã mua sắm máy bay không người lái và phát triển các chương trình lập bản đồ dựa trên ứng dụng, có thể được sử dụng trên máy tính bảng để giúp pháo binh định hướng.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu sót là quá trình hiện đại hóa quy mô lớn vẫn bị gắn liền với cách thức tổ chức tác chiến thời Liên Xô. Các lữ đoàn với khoảng 4.000 quân vẫn chiến đấu độc lập với nhau và các quyết định quan trọng trên chiến trường được định đoạt bởi chỉ huy đơn vị, thay vì trao quyền cho các sĩ quan cấp thấp hơn.
Một binh sĩ bị thương trong một cuộc giao tranh ở Bakhmut vào tuần trước. Ảnh: New York Times. |
“Các khía cạnh quan trọng trong việc chỉ huy và kiểm soát, cùng với nỗ lực phân quyền thay vì tập trung hóa vẫn đang diễn ra", ông Kofman nói.
“Khi pháo binh Ukraine bắn được hai phát thì chúng tôi đã bị bắn 300 phát”
Cuộc giao tranh căng thẳng ở phía đông đã làm tiêu hao nhân lực của quân đội Ukraine. Các quan chức ước tính có tới 200 người thương vong mỗi ngày. Kết quả là lớp phòng thủ ở tiền tuyến liên tục được luân chuyển giữa các đơn vị, gồm cả những tân binh chưa qua huấn luyện bài bản.
Những binh sĩ này, thường huy động từ Vệ binh Quốc gia và Phòng vệ Lãnh thổ, được bố trí vào các lữ đoàn lớn hơn, và phải nhanh chóng thích nghi.
"Họ ở đó mà không được trang bị bất cứ thứ gì, ngoài những khẩu súng trường”, Vadym, tài xế xe cứu thương của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đóng tại Donbas, cho biết.
Tệ hơn, những binh sĩ trong các đơn vị này cho hay họ thường bị cô lập, ít có cách nào liên lạc với nhau cũng như với chỉ huy pháo binh và xe tăng. Khi đơn vị thay thế đến tiền tuyến, họ biết rất ít về những lực lượng lân cận và chỉ đơn giản gọi nhau là "hàng xóm".
"Khi thực hiện một số nhiệm vụ, chúng tôi không thể trông chờ vào hỗ trợ từ pháo binh", Kostya, một binh sĩ thuộc đơn vị Phòng vệ Lãnh thổ mới được điều lên tiền tuyến, nói. Đại đội khoảng 100 người của anh đã phải chịu thương vong lên tới khoảng 30 người chỉ trong ngày đầu trên mặt trận.
Trong những ngày cuối cùng của trận chiến ở Sievierodonetsk, trung sĩ Ukraine có mật danh “tướng quân” cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Khi xe tăng Nga xuất hiện từ sau rặng cây gần Syrotyne - một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô đông nam Sievierodonetsk - trung đội Ukraine cần pháo binh bắn vào xe tăng nhưng không thể liên lạc được với chỉ huy, vì bộ đàm của họ bị nhiễu.
Họ đã gọi cho “tướng quân”. Vị trung sĩ 53 tuổi sau đó điện đàm cho chỉ huy và hỏi liệu pháo binh có thể gọi yểm trợ được không. Nhưng khẩu đội pháo cần tọa độ của xe tăng.
Không có bản đồ thích hợp, “tướng quân” đã đề nghị trung đội tiền phương điều khiển máy bay không người lái đến vị trí của xe tăng Nga để lấy tọa độ. Song kế hoạch này cũng không diễn ra thuận lợi.
“Khi tôi đang tìm hiểu xem liệu có thể gọi hỗ trợ pháo binh hay không thì máy bay không người lái đã hết điện”, ông nói. “Sau đó, máy phát điện bị hỏng, vì vậy họ không thể sạc nó. Chúng tôi đã hết thời gian. Xe tăng Nga tiếp tục tiến về phía trước và húc vào chúng tôi”.
Một binh sĩ Ukraine đang trú ẩn khi Nga nã đạn pháo gần vị trí trên chiến tuyến ở khu vực Donetsk. Ảnh: New York Times. |
Quân đội Ukraine ở tiền tuyến thường không thể liên lạc với các đơn vị pháo binh và tên lửa yểm trợ. Sự mất kết nối này đã khiến binh lính trên tiền tuyến ngày càng trở nên đơn độc, dễ bị tấn công, và khiến một số đội pháo binh phản ứng chậm trước đà tiến công của của Nga.
Khi pháo binh Ukraine "bắn được hai phát thì chúng tôi đã bị bắn 300 phát", một binh sĩ cho biết sau khi rút khỏi mặt trận gần thành phố Bakhmut ở phía đông.
Sự cố nhầm lẫn
Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn trước công nghệ vượt trội của Nga. Quân đội của Moscow đã nhiều lần chứng minh được ưu thế trong việc gây nhiễu thông tin liên lạc đối phương.
"Tướng quân" cho hay hai bộ đàm của ông liên tục bị gây nhiễu. "Họ thường sử dụng tín hiệu mạnh hơn trên cùng một tần số", ông nói.
Binh sĩ ở các đơn vị chuyên trách đã được cấp bộ đàm mã hóa do Mỹ cung cấp và có thể liên lạc với nhau mà không bị cản trở. Tuy nhiên, tần số đầu ra cao của bộ đàm làm tăng nguy cơ, giúp phía Nga xác định được vị trí của họ.
Ngay cả sự hiện diện của Internet vệ tinh, thứ mà cho đến nay Nga vẫn chưa thể làm nhiễu được, cũng không phải là giải pháp. Những hình ảnh tối tăm đôi khi phản tác dụng, khiến các lực lượng Ukraine nhầm lẫn và quay vũ khí vào nhau.
“Tướng quân” đã gặp phải những vấn đề tương tự trong quá trình bảo vệ Sievierodonetsk, khi trung đội ông đóng quân gần một con sông nhỏ ở tiền tuyến. Ở bờ đối diện là một trung đội khác mà đơn vị ông không có cách nào liên lạc được.
Vì vậy, hầu như mỗi khi đối phương tấn công, đơn vị kia sẽ không chỉ bắn vào lực lượng Nga mà còn vô tình nã đạn vào binh sĩ của ông, với đủ loại vũ khí từ súng trường đến súng máy hạng nặng.
"Không ai biết cách nào để liên lạc với họ", ông nói. “Trong hơn 20 ngày, chúng tôi đều đứng ở đó. Nhưng không ai có thể liên lạc với đơn vị ở ngay bên cạnh và cho họ biết họ đang nổ súng vào chúng tôi”.