Cuối tháng 10, khi Italy đưa vào thực thi quy định nghiêm ngặt về thẻ xanh y tế - đòi hỏi người dân tiêm chủng nếu muốn đi làm hoặc sử dụng các dịch vụ trong nhà, phong trào chống vaccine Covid-19 nổi lên ở thành phố cảng Trieste.
Giờ đây, Trieste trở thành tâm điểm dịch bệnh, khi các chùm ca mắc Covid-19 mới có liên hệ trực tiếp tới những người từng tham gia biểu tình phản đối tiêm chủng, theo New York Times.
Ổ dịch mới của Italy
Theo chính sách mới được chính phủ Italy áp dụng từ 15/10, người dân phải tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ trong nhà. Yêu cầu tương tự áp dụng với người lao động tại các công sở, nhà máy.
Dario Giacomini, một trong các lãnh đạo của phong trào biểu tình chống tiêm chủng ở Trieste, cáo buộc chính sách mới phân biệt đối xử bất công với những người không có thẻ xanh y tế. Họ bị cấm đi làm và không thể tương tác xã hội.
Với những người không đồng ý tiêm vaccine, lựa chọn duy nhất để có thẻ xanh y tế là xét nghiệm mỗi 72 giờ. Chi phí xét nghiệm mỗi tháng có thể lên đến hàng trăm USD.
Stefano Puzzer, một trong các lãnh đạo phong trào phản đối chính sách thẻ xanh y tế của công nhân đóng tàu tại Trieste, tuyên bố quy định mới thiếu công bằng khi buộc người dân tự trả phí xét nghiệm. Những người phản đối yêu cầu chính phủ phải trả tiền xét nghiệm cho người dân.
Người biểu tình phản đối chính sách thẻ xanh y tế của Italy. Ảnh: AFP. |
Hàng nghìn người phản đối thẻ xanh y tế đã tham gia các cuộc biểu tình ở Trieste. Người biểu tình làm tắc nghẽn nhiều tuyến phố, làm gián đoạn hoạt động tại cảng thương mại thành phố.
Và chỉ 2 tuần sau các cuộc biểu tình, hậu quả đã ập đến.
Tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới ở Trieste là hơn 800, tăng gấp đôi so với 7 ngày trước đó. Nhà chức trách thành phố đặc biệt quan ngại khi số ca bệnh đang gia tăng theo cấp số nhân.
Giáo sư Fabio Barbone, người đứng đầu cơ quan y tế khu vực Friuli-Venezia Giulia nơi Trieste là thủ phủ, cho biết tình hình ở thành phố này đang đặc biệt đáng lo ngại.
"Ổ dịch lớn nhất liên quan tới 93 người từng tham gia biểu tình mà không đeo khẩu trang. Tất cả họ chưa tiêm vaccine", giáo sư Barbone cho hay.
Trong khi các cuộc biểu tình phản đối ở Italy đang dần hạ nhiệt và người dân bắt đầu chấp nhận thẻ xanh y tế, sự phản kháng ở Trieste không lắng dịu.
Để tránh cuộc khủng hoảng y tế thêm tồi tệ, nhà chức trách Trieste đã phải cấm người dân biểu tình tại quảng trường Unità d’Italy ở trung tâm thành phố, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc với những người không tuân thủ.
Nguy cơ với người chưa tiêm vaccine
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mario Draghi, sau giai đoạn đầu bị dịch bệnh nhấn chìm, Italy đã kiểm soát thành công Covid-19. Thành tựu chống dịch của Italy nhận được sự tán thưởng của các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Rome tuần trước.
Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh bùng phát ở Trieste cho thấy khi vẫn còn những người chưa được tiêm vaccine, sức khỏe của cả cộng đồng vẫn có nguy cơ bị đe dọa.
Sự phản kháng tại Trieste đồng thời phản ánh những khó khăn trong nỗ lực thuyết phục những người chống đối vaccine tiêm chủng ngừa Covid-19.
Và Italy không phải ngoại lệ ở châu Âu. Tại Đức, làn sóng gia tăng đột biến số ca mắc mới và nhập viện vì Covid-19 đang diễn ra. Bộ trưởng Y tế Jesn Spahn cảnh báo "đại dịch đang lan rộng trong nhóm dân cư chưa tiêm chủng".
Kiểm tra thẻ xanh y tế tại Italy. Ảnh: AFP. |
Bệnh nhân chưa tiêm vaccine chiếm đa số tuyệt đối ca bệnh nặng phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực. Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi cấm nhóm chưa tiêm vaccine đến các địa điểm công cộng trong nhà.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 4/11, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo 53 quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực đang đối mặt "đe dọa nghiêm trọng do Covid-19 tái bùng phát". Ông Kluge kêu gọi chính phủ các nước châu Âu tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội.
"Chúng ta một lần nữa trở thành tâm điểm dịch bệnh. Tôi đề nghị cơ quan y tế các nước cẩn trọng đánh giá lại việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch lúc này", ông Kluge nói.
Catherine Smallwood, quan chức WHO tại châu Âu, cho biết dù vaccine đã phát huy hiệu quả giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, việc có quá nhiều người mắc Covid-19 cũng đồng nghĩa số ca bệnh nặng và tử vong sẽ tăng cao.
Theo quan chức WHO, số ca mắc Covid-19 mới tại châu Âu đã tăng 55% chỉ sau một tháng. Khu vực châu Âu hiện chiếm 59% số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, cùng gần 50% số ca tử vong.
"Với đà này, chúng ta sẽ có hơn 500.000 người chết vì Covid-19 từ nay đến tháng 2/2022, hệ thống bệnh viện tại 43 nước ở khu vực sẽ đối mặt nguy cơ quá tải", ông Kluge cảnh báo.
Hiện nay, khu vực châu Âu ghi nhận trung bình 250.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày cùng 3.600 ca tử vong, theo dữ liệu tổng hợp từ chính phủ các nước.
Trong 7 ngày qua, Nga là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất với 8.162 trường hợp. Ukraine và Romania xếp ở các vị trí tiếp theo, với số ca tử vong do mắc Covid-19 lần lượt là 3.819 và 3.100.
Đại diện WHO yêu cầu các chính phủ mau chóng nâng cao mức độ bao phủ vaccine bởi "phần lớn người nhập viện và tử vong vì Covid-19 chưa được chủng ngừa đầy đủ".
Bên cạnh đó, ông Kluge cũng nhấn mạnh các biện pháp y tế như xét nghiệm, truy vết, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang cũng có vai trò quan trọng tương đương tiêm chủng.
"Các biện pháp phòng ngừa, nếu được áp dụng đúng cách và thống nhất, sẽ cho phép chúng ta tiếp tục cuộc sống bình thường chứ không tước đoạt tự do của người dân", ông Kluge khẳng định.