Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Điểm nghẽn cán bộ đang 'ghìm chân' TP.HCM

Không có cơ chế đảm bảo cho việc "phá rào", tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn của nhiều cán bộ khi thực thi công vụ trở thành điểm nghẽn khiến TP.HCM đi chậm lại.

2023 là một năm được dự báo có nhiều thách thức khó lường về kinh tế. Với mức tăng trưởng quý I chỉ 0,7%, TP.HCM lần đầu rơi vào nhóm các địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Bên cạnh những yếu tố tác động khách quan giữa các quốc gia lớn trên thế giới, nhiều bộ, ngành thẳng thắn nhìn nhận tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 16/4 rằng tâm lý an phận, sợ trách nhiệm cũng là lý do chính khiến kinh tế TP.HCM "đi xuống".

Tâm lý sợ trách nhiệm

Một năm sau dịch, TP.HCM trở lại đường đua mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GRDP 9,3% (cả nước là 8,2%); đóng góp 15,6% GDP cả nước và đứng đầu các địa phương về thu hút vốn đầu tư nước ngoài 56,5 tỷ USD.

Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế đầu tàu cả nước bộc lộ nhiều vấn đề khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm dần, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập. Quy hoạch quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện.

Trong 5 giờ làm việc của đoàn công tác do Thủ tướng dẫn đầu, nguyên nhân cốt lõi gây ra sự sụt giảm tăng trưởng của TP.HCM được nhiều lãnh đạo bộ, ngành đồng loạt chỉ ra. Đó là vướng mắc từ cán bộ, lãnh đạo và những người thực thi ở thành phố.

Đoàn công tác Trung ương do Thủ tướng dẫn đầu làm việc với Thành ủy TP.HCM ngày 16/4. Ảnh: Nhật Bắc.

"Tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở '3 không', đó là không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng", Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì dẫn chứng năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố.

"Đây là điều rất vô lý, thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động là lý do khiến kinh tế của TP.HCM sụt giảm. Nếu không giải quyết vấn đề này, TP.HCM khó tạo đột phá về tăng trưởng trong thời gian tới.

Chung quan điểm, trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức là có thật. Vấn đề này không chỉ diễn ra tại TP.HCM mà ở nhiều địa phương. Theo ông Hùng, có những việc đáng lẽ đã quyết theo thẩm quyền và quy chế, nhưng cán bộ vẫn thận trọng quá mức, lấy ý kiến rất nhiều sở, ban, ngành rồi chờ đợi.

Sẵn sàng thay "cầu thủ" lẫn "huấn luyện viên"

Từ vấn đề được mổ xẻ, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định địa phương luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý để phát hiện cán bộ nào tốt, cán bộ nào yếu kém, chưa ổn về tư tưởng, thiếu sức chiến đấu.

Tuy nhiên, ông cho rằng thực tế cần thừa nhận là lực lượng tại TP.HCM đang dần quá tải sau đại dịch và trong quá trình phục hồi kinh tế.

"Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, cán bộ yếu thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. Ai chậm trễ, tránh né, trì trệ, sợ sai phạm, không dám làm, cầu toàn, thận trọng quá mức, cầu an thì đều báo cáo để thay đổi 'cầu thủ', thậm chí 'huấn luyện viên' yếu cũng thay luôn", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thường trực Chính phủ ngày 16/4. Ảnh: Nhật Bắc.

Đồng tình với nhìn nhận của các bộ, ngành về câu chuyện tâm lý cán bộ trong thi hành công vụ tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc, động viên người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đặc biệt là "khuyến khích bảo vệ người dám nói".

Đồng thời, thành phố cần xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp phù hợp người với năng lực và nhiệt huyết. "Cán bộ cần tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, hoặc để xảy ra tiêu cực, tham nhũng", ông lưu ý.

Để đầu tàu kinh tế đạt mục tiêu bứt phá trong 3 quý tới, UBND TP.HCM cũng trình Thủ tướng và các bộ ngành 29 kiến nghị. Trong số, 5 kiến nghị lớn được địa phương đặc biệt chú trọng, gồm: Phân bổ vốn đầu tư các dự án giao thông liên kết vùng; nhóm kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; giải quyết nguồn vật liệu cát cho dự án vành đai 3 TP.HCM; cơ chế triển khai đồng thời các công việc liên quan bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; bố trí vốn 3 bệnh viện cửa ngõ từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương.

UBND thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 7,5-8%. Hiện, TP.HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 7,5% và tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Với mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I đạt 0,7%, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM dự báo mục tiêu tăng trưởng 8% của TP.HCM trong năm nay rất khó khả thi, đồng thời dự báo mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5%.

Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong các quý còn lại của năm nay:

Kịch bản 1: Tăng trưởng GRDP quý II đạt 1,19%, quý III đạt 16,52%, quý IV đạt 12,14%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng GRDP quý II đạt 1,55%, quý III đạt 16,16%, quý IV đạt 12,1%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng GRDP quý II đạt 3,27%, quý III đạt 16,3%, quý IV đạt 10,13%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.

Theo trung tâm này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2023 phụ thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ của thành phố. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại của năm, thành phố cần ưu tiên tập trung thực hiện 6 giải pháp. Đó là tận dụng thuận lợi từ môi trường vĩ mô đang có chiều hướng tốt hơn từ quý II; quyết liệt giải ngân đầu tư công và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án, nhất là dự án bất động sản. Kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; thực thi công vụ hiệu quả và thúc đẩy Trung ương ban hành thể chế; tạo đồng thuận xã hội từ các chính sách an sinh, y tế, giáo dục.

Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

Thủ tướng: TP.HCM cần tập trung gỡ vướng cho doanh nghiệp, người dân

Thủ tướng nhìn nhận TP.HCM cần các cơ chế công cụ chính sách điều hành cụ thể, tạo được động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền vượt qua khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công an: Nhiều quy định PCCC như trên trời rơi xuống

Trung tướng Lê Quốc Hùng cho biết sẽ tiếp tục rà soát tiêu chuẩn và quy chuẩn PCCC cho phù hợp, song cũng khẳng định kiên quyết không hạ xuống các tiêu chuẩn cần thiết.

Thủ tướng: TP.HCM cần giải pháp phù hợp với tình hình

Từ những tác động khách quan và chủ quan đến nền kinh tế TP.HCM, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tìm kiếm giải pháp linh động, hiệu quả, chắc chắn và phù hợp với tình hình.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm