Điểm mặt những vũ khí mạnh nhất của Israel (kỳ 2)
Bên cạnh các loại chiến đấu cơ phản lực hiện đại hàng đầu thế giới, không quân Israel còn sử dụng trực thăng tấn công và các loại máy bay không người lái để hạ mục tiêu trong xung đột trên Dải Gaza.
Kỳ 2: Trực thăng tấn công và Máy bay không người lái
Trực thăng tấn công AH-64 Apache
Boeing AH-64 Apache được coi là trực thăng tấn công hiện đại nhất thế giới do Mỹ nghiên cứu chế tạo. Với 4 cánh quạt và động cơ kép, trực thăng tấn công AH-64 Apache thực sự là sát thủ tầm thấp với khả năng không kích các mục tiêu dưới mặt đất và tiêu diệt chính xác xe bọc thép, xe tăng và các cứ điểm hỏa lực mặt đất của đối phương.
Lần đầu cất cánh vào tháng 9/1975, AH-64 Apache nhanh chóng khẳng định được mình và trở thành một trong những vũ khí chủ lực của quân đội Mỹ. Sau khi được ra mắt công khai vào tháng 4/1986, AH-64 Apache nhanh chóng được các nước đặt mua với mục tiêu tăng cường sức mạnh tấn công, giúp chiếm ưu thế dưới mặt đất.
AH-64 Apache sở hữu bộ cảm ứng đặc biệt gắn trước mũi, cho phéo nó phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm. Giá treo trên các cánh phụ cho phép AH-64 Apache mang được các giàn phóng rocket, tên lửa đối đất, đối không. Đặc biệt, phiên bản AH-64A được sản xuất nhằm thực hiện nhiệm vụ tấn công trên biển, sở hữu công nghệ và vũ khí cho phép nó hoạt động tốt nhất trong điều kiện môi trường đại dương.
Tính tới thời điểm hiện tại, AH-64 Apache đang là trực thăng tấn công chủ lực của Quân đội Mỹ, Hy Lạp, Nhật Bản, Israel, Hà Lan và Singapore. Ngoài ra, AH-64 Apache cũng là một phần không thể thiếu của quân đội Anh, từng tham chiến ở nhiều chiến trường trong đó nổi bật nhất là Afghanistan, Iraq và Kosovo. Quân đội Israel từng sử dụng trực thăng tấn công AH-64 Apache trong cuộc xung đột với Lebanon và đang đảm trách những vụ không kích trên Dải Gaza.
Trực thăng tấn công AH-64 Apache có chiều dài 17,73m, cao 3,87m, hoạt động dưới sự điều khiển của 2 phi công. Những chiếc AH-64 Apache có trọng lượng cất cánh rỗng 5.165 kg trong khi tải trọng tối đa lên tới 10.433 kg. Nó có thể di chuyển với cận tốc 365 km/h trong phạm vi 476 km. Trần bay tối đa của AH-64 Apache đạt 6.400m trong khi tốc độ bay lên thẳng đứng đạt 12,7 m/s.
Máy bay không người lái IAI Heron/Machetz-1
IAI Heron hay còn được biết đến với cái tên Machetz-1 là máy bay không người lái (UAV) do Israel nghiên cứu chế tạo. Là sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Aerospace Israel (IAI), Heron ra đời nhằm mục đích khảo sát địa hình, theo dõi di chuyển của địch, ghi lại chính xác những hành động tình nghi hoặc thu thập dữ liệu tình báo trong những điều kiện nguy hiểm nhất.
Nhằm đáp ứng ứng những mục tiêu đó, Heron sở hữu khả năng bay khá ổn định với thời gian bay dài. Hệ thống thông tin liên lạc trang bị trên chiếc phi cơ cho nó giữ liên lạc tốt nhất với các lược lượng mặt đất trong tác chiến, kèm theo đó là khả năng truyền thông tin băng tần rộng, nhằm đưa dữ liệu tình báo về căn cứ.
Trên thực tế, Heron là một hệ thống bao gồm máy bay và các trung tâm điều khiển dưới mặt đất. Tuy nhiều chức năng như cất/hạ cánh được thiết kế tự động nhưng trên máy bay Heron vẫn được trang bị máy thu phát GPS để đảm bảo thông tin liên lạc với mặt đất qua vệ tinh, hay kết nối và truyền dữ liệu trực tiếp qua các trạm thu phát dưới mặt đất.
Tuy không được trang bị vũ khí nhưng bù lại, Heron sở hữu thiết kế ưu việt nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Trong nhiệm vụ giám sát được lên kế hoạch trước, Heron có thể tự cất cánh, bay và thu thập dữ liệu và đáp xuống căn cứ đã định theo đúng lịch trình được lên mà không cần sự can thiệp của con người.
Tuy chỉ dài 8,5m với sải cánh 16,6m, những chiếc Heron có khả năng cất cánh với trọng tải tối đa lên tới 1.150 kg. Sở hữu một động cơ làm mát bằng nước 115 mã lực, chiếc máy bay không người lái của Israel có thể di chuyển với vận tốc 207 km/h và hoạt động trong phạm vi 350 km. Trong khi đó, trần bay tối đa của Heron lên tới 9.300m với vận tốc bay lên đạt 150m/phút.
Được ra đời năm 2005, hiện có 206 chiếc Heron được Israel sản xuất để sử dụng hoặc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Khi Heron làm nhiệm vụ, cần tới 6 phi công để lái, giám sát và phân tích dữ liệu do chiếc máy bay gửi về. Với camera siêu nét được đặt dưới mũi cùng với hệ thống giám sát tinh vi khác, chiếc UAV thực sự là kẻ do thám đáng sợ.
Máy bay không người lái Elbit Hermes 450
Elbit Hermes 450 là máy bay không người lái hạng trung trong phi đội UAV từ số hiệu Hermes 90 tới Hermes 1500. Là sản phẩm của Tập đoàn Elbit Systems, Hermes 450 ra đời nhằm mục đích phục vụ các chiến thuật có thời gian dài. Trên thực tế, Hermes 450 chủ yếu được sử dụng nhằm đáp ứng nhiệm vụ trinh sát, liên lạc và là nền tảng giám sát của Lực lượng Không quân Israel.
Tuy nhiên, có những nguồn tin cho rằng, phiên bản nào đó của Hermes 450 được cải tiến để vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt mục tiêu. Dẫu vậy, Israel vẫn chưa công nhận chính thức về nguồn tin trên.
Trên thực tế, Hermes 450 đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nước trong những triển lãm hàng không quốc tế có sự hiện diện của nó. Trong khi đó, phía Israel cũng đang lên kế hoạch cho thuê hoặc bán trọn gói hệ thống Hermes 450 cho các nước có nhu cầu mua, bao gồm cả Mỹ, Anh, Singapore và Brazil.
Hình dáng bên ngoài của Hermes 450 rất giống với các thế hệ máy bay không người lái Predator của Mỹ. Tuy nhiên, thân những chiếc Hermes 450 hình ống, nơi chứa hệ thống dẫn đường, bộ tải trọng và hệ thống điều khiển cất và hạ cánh. Cánh máy bay trải dài trong khi camera độ nét cao được gắn dưới bụng cho phép Hermes 450 quan sát tốt nhất các mục tiêu. Tùy lựa chọn sử dụng để lắp thêm radar tăng cường trên thân Hermes 450.
Cũng giống như IAI Heron, Hermes 450 chỉ được trang bị duy nhất một động cơ cánh quạt. Chiều dài thân đạt 6,1m trong khi sải cánh đạt 10,5m giúp Hermes 450 cất cánh với tải trọng tối đa 450 kg. Trên thực tế, động cơ 52 mã lực của Hermes 450 giúp nó chỉ có thể bay với vận tốc 176km/h trong phạm vi 200 km. Trần bay tối đa của Hermes 450 cũng thấp hơn IAI Heron với 5.486m.
Ngoài những khả năng do thám, gián điệp hay hỗ trợ liên lạc thông thường, phiên bản Hermes 450 đặc biệt có thể trang bị 2 tên lửa chống tăng Hallfire. Hiện tại, có 100 chiếc Hermes 450 đang được biên chế và sử dụng bởi không quân Israel, trong đó không ít được sử dụng trên Dải Gaza.
Máy bay không người lái RQ-2 Pioneer
Được ra đời từ hơn 2 thập kỷ trước và lần đầu xuất hiện trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, RQ-2 Pioneer được xem là loại máy bay không người lái đầu tiên của Israel. Ban đầu, những chiếc RQ-2 Pioneer ra đời với mục đích làm mục tiêu giả cho pháo binh và hỏa lực tàu chiến tiêu diệt. Tuy nhiên sau đó, nó được sử dụng cho việc do thám chiến trường nhờ những cải tiến vượt bậc về mặt công nghệ.
Thiết kế của RQ-2 Pioneer được đánh giá sở hữu những lợi thế về khí động học với phần cánh đuôi khá dài so với thân máy bay. Trong khi đó, camera độ nét cao gắn ở phía mũi giúp RQ-2 Pioneer có thể giám sát và chụp ảnh mục tiêu. Hệ thống radar cùng thông tin liên lạc trang bị trên RQ-2 Pioneer giúp nó nhận lệnh điều khiển và truyền thông tin trở lại mặt đất.
Đặc biệt, những mẫu RQ-2 Pioneer hoạt động hoàn hảo ở cả 2 môi trường trên biển và trên đất liền, giúp chúng trở nên đa nhiệm trong các hoạt động giám sát. RQ-2 Pioneer có hệ thống giá phóng chuyên dụng để cất cánh từ mặt đất trong khi biến thể sử dụng giám sát biển được gắn rocket loại nhỏ, giúp RQ-2 Pioneer bay lên không trung.
Ra đời năm 1986, những chiếc RQ-2 Pioneer chỉ sở hữu 1 động cơ 2 thì 26 mã lực. Chính vì lẽ đó, chiếc máy bay dài 4m, rộng 5,2m chỉ có thể mang tối đa 205 kg. Tuy nhiên, kích cỡ nhỏ giúp RQ-2 Pioneer vẫn có thể bay được 200km/h với phạm vi hoạt động 185 km. Trần bay tối đa của RQ-2 Pioneer đạt 4.600m. Dù chỉ 20 chiếc RQ-2 Pioneer được sản xuất nhưng loại máy bay này đang góp mặt trong không quân 3 quốc gia, bao gồm Israel, Singapore và Mỹ.
Còn nữa!
Trịnh Duy
Theo Infonet