Những thiết kế mang lại 'tên tuổi' cho máy bay không người lái
Thế chiến thứ 2 kết thúc đưa ngành công nghiệp sản xuất vũ khí sang một chương hoàn toàn mới, trong đó có cả sự phát triển như vũ bão của máy bay không người lái (UAV).
>>Máy bay không người lái thủa sơ khai
>>Bầu trời nước Mỹ sẽ ‘ngập’ máy bay không người lái
>>Mỹ lên kế hoạch chế tạo máy bay không người lái hạt nhân
Ryan Firebee
Là loại máy bay không người lái đầu tiên được nghiên cứu sản xuất sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc năm 1945, Ryan Firebee không còn mang nhiệm vụ đánh bom mục tiêu mà thay vào đó, nó xâm nhập vào những khu vực nguy hiểm để làm nhiệm vụ do thám.
Được công ty Hàng không Ryan nghiên cứu từ những năm 1940, phiên bản đầu tiên của Ryan Firebee ra đời năm 1951 và chính thức được phổ dụng 4 năm sau đó. Sử dụng động cơ phản lực, Firebee có thể được triển khai từ mặt đất với sự trợ giúp của hệ thống máy phóng RATO hoặc máy bay ném bom.
Những chiếc Firebee được sản xuất chủ yếu phục vụ yêu cầu của không quân Mỹ. Không trang bị vũ khí và cũng không được sử dụng với mục đích chiến đấu, những chiếc Firebee chính là tiền thân đầu tiên của loại máy bay không người lái do thám hiện đại. Chúng có nhiệm vụ luồn sâu vào những khu vực nguy hiểm để thu thập thông tin tình báo cũng như nắm bắt nội dung liên lạc qua sóng radio của đối phương.
Những phiên bản Firebee đầu tiên có đầu mũi tròn nhưng những thế hệ về sau đã được trang bị mũi dài nhằm ưu việt hóa khả năng bay và thu thập thông tin. Những phiên bản cải tiến của Firebee đã được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi trong những thập niên 1970 và 1980 với nhiều chức năng mới cũng như hệ thống động cơ mạnh mẽ. Tuy nhiên, phần khung của những chiếc Firebee vẫn được giữ gần như nguyên vẹn so với khi nó ra đời.
Những đổi mới mạnh mẽ trong hệ thống điều khiển và động cơ khiến Firebee trở thành loại máy bay không người lái thành công nhất thế kỉ 20. Tổng cộng, có hơn 7.000 chiếc Firebee được chế tạo với 1.200 chiếc là phiên bản đầu tiên. Ngoài Mỹ, Quân đội Canada, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và NATO cũng sử dụng loại máy bay không người lái này.
Lockheed M-21 và D-21
Là hai loại máy bay khác nhau nhưng tên tuổi của Lockheed M-21 và D-21 luôn luôn gắn với nhau bởi sự tích hợp không thể tách rời. Là sản phẩm của tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed, máy bay do thám D-21 được gắn trên nóc chiếc Lockheed M-21 và triển khai từ trên không trung với vận tốc Mach 3+ (tương đương 3714 km/h - 3 lần tốc độ âm thanh).
Dựa vào những ưu thế vượt trội về tầm bay cũng như tốc độ, Lockheed D-21 được triển khai để làm nhiệm vụ ở những khu vực nằm sâu trong lòng đối phương. D-21 mang một máy ảnh độ nét cao và bay theo một lịch trình được cài đặt trước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, máy ảnh sẽ được thả dù để lực lượng đặc nhiệm Mỹ thu hồi trước khi máy bay tự hủy hoàn toàn.
Cả Lockheed M-21 và D-21 đều là sản phẩm của dự án không người lái được triển khai từ năm 1963 – 1968. Tuy nhiên, chỉ 4 nhiệm vụ được thực hiện bởi bộ đôi Lockheed M-21 và D-21 trong giai đoạn 1969 – 1971 trước khi dự án bị hủy bỏ hoàn toàn sau một vụ tai nạn chết người giữa máy bay không người lái D-21 và con tàu mẹ M-21 ngay giữa không trung.
Nhanh chóng bị khai tử nhưng những bí mật về dự án Lockheed M-21 và D-21 được các nhà chức trách quân đội Mỹ giữ kín trong vòng 40 năm. Tính tới thời điểm ngừng hoạt động, có tổng số 38 máy bay không người lái D-21 được sản xuất.
Pioneer RQ-2A
Ra mắt lần đầu trong tháng 12/1986, hệ thống máy bay không người lái Pioneer thực sự tạo ra cuộc cách mạng. Pioneer RQ-2A được Hải quân, Lính thủy đánh bộ và Lục quân Mỹ sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau trong giai đoạn 1986 – 2007.
Ban đầu, Pioneer RQ-2A được sử dụng để làm mục tiêu cho pháo binh tập luyện. Sau đó, chúng được sửa đổi để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát đổ bộ. Pioneer RQ-2A là sản phẩm chung giữa tập đoàn AAI và các hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Israel. Sau những thử nghiệm thành công, Pioneer RQ-2A được sử dụng rộng rãi trong cả quân đội Mỹ và Israel.
Pioneer RQ-2A có tính cơ động rất cao, có thể được triển khai từ tàu chiến, giá phóng hay cất cánh từ đường băng tùy điều kiện sử dụng. Tiên tiến hơn các loại máy bay được sản xuất trước đó, Pioneer RQ-2A sẽ được thu hồi nhờ một mạng lưới trang bị trên tàu chiến hay thiết bị bắt giữ đối với những địa hình khác.
Trong quá trình trhinh sát, Pioneer RQ-2A chuyển trực tiếp dữ liệu mà nó thu được về trung tâm điều khiển qua một băng tần liên kết dữ liệu đặc biệt. Mỗi chiếc Pioneer RQ-2A có khả năng bay với tổng số thời gian lên tới 5 tiếng trước khi phải nạp nhiên liệu. Pioneer RQ-2A chính thức nghỉ hưu vào năm 2007 sau hơn 20 năm cống hiến. Nhiệm vụ mà nó vẫn đảm trách được phi đội máy bay không người lái thế hệ sau của Mỹ thực hiện.
MQ Predator
Là sản phẩm của tập đoàn General Atomics, máy bay không người lái MQ Predator được ra mắt lần đầu vào năm 1994. Đây là phiên bản máy bay không người lái đầu tiên với hệ thống điều khiển hiện đại thông qua vệ tinh, cho phép nó chuyển từ nhiệm vụ chinh sát sang nhiệm vụ chiến đấu, tiêu diệt mục tiêu với hệ thống vũ khi được trang bị sẵn.
Khi những chiếc MQ Predator ra đời, chúng được sử dụng chủ yếu vào mục đích trinh sát. Chính vì lí do đó, những chiếc MQ Predator đầu tiên được trang bị hệ thống máy ảnh độ nét cao cùng nhiều cảm biến phục vụ mục đích do thám. Sau đó, MQ Predator được trang bị thêm hai giá treo tên lửa bên cánh, cho phép triển khai các tên lửa AGM-114 Hellfire hoặc khí tài khác.
Chủ yếu được sử dụng bởi không quân và Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ CIA, MQ Predator từng góp mặt trên nhiều chiến trường trong đó Afghanistan, Pakistan, Bosnia, Serbia, Iraq, Yemen, Libya, và Somalia. Với những cảm biến đặc biệt cùng hệ thống thu tín hiệu điều khiển trực tiếp từ vệ tinh, MQ Predator dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ theo dõi, tìm, tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác gần như hoàn hảo. Những chiếc MQ Predator có thể bay liên tiếp trong khoảng 14 giờ trước khi quay về và hạ cánh xuống đường băng của căn cứ.
Kể từ năm 2001, MQ Predator trở thành loại máy bay không người lái chủ lực của quân đội Mỹ trên khắp các chiến trường, đặc biệt là ở Pakistan và Afghanistan. Tuy nhiên, không ít lần MQ Predator là nguyên nhân gây ra các cuộc tranh cãi giữa Mỹ và chính phủ Pakistan vì bắn nhầm thường dân hoặc các binh sĩ chính phủ.
Còn nữa...
Trịnh Duy
Theo infonet.vn