Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Lính mới’ trong làng máy bay tàng hình

Đi sau Mỹ nhiều năm, nhưng Nga, Trung Quốc đang có bước tiến mạnh mẽ, đầy hứa hẹn trong thiết kế máy bay tàng hình với mẫu thử nghiệm tiêm kích Sukhoi T-50 và J-20.

‘Lính mới’ trong làng máy bay tàng hình

Đi sau Mỹ nhiều năm, nhưng Nga, Trung Quốc đang có bước tiến mạnh mẽ, đầy hứa hẹn trong thiết kế máy bay tàng hình với mẫu thử nghiệm tiêm kích Sukhoi T-50 và J-20.

Sukhoi PAK FA T-50

Mẫu thử nghiệm tiêm kích Sukhoi PAK FA T-50 trang bị công nghệ tàng hình.

Sukhoi PAK FA T-50 là mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Công ty Sukhoi (Nga), dự định sẽ trở thành chiến đấu cơ tương lai của Không quân Nga. Và T-50 sẽ là đối trọng với F-22 của Mỹ.

Mẫu thử T-50 đầu tiên cất cánh bay thử nghiệm vào tháng 1/2010, cho tới nay đã có thêm 3 mẫu thử được chế tạo thực hiện giai đoạn bay thử nghiệm. Theo lời tuyên bố Tư lệnh Không quân Nga Zelin (tháng 8/2011), việc sản xuất Sukhoi T-50 sẽ bắt đầu từ giai đoạn 2014-2015.

Vì vẫn còn trong giai đoạn phát triển, thử nghiệm, từng bức hoàn thiện nên thông tin chi tiết về Sukhoi T-50 vẫn chưa được công bố một cách rõ ràng. Tất cả thông tin T-50 mới chỉ dừng ở mức không chính thức, phỏng đoán. Nhưng chắc chắn nó vẫn phải đảm bảo yêu cầu của thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm: tàng hình, hệ thống điện tử hiện đại, tác chiến đa năng, động cơ mạnh.

Sukhoi T-50 có chiều dài khoảng 19,8m, cao 6,05m, sải cánh 14m. Máy bay được cấu thành từ vật liệu phức hợp (chiếm 25% trọng lượng và 70% bề mặt) và hợp kim titan chiếm 75% khung thân. Đây đều là những vật liệu thường được sử dụng trên các máy bay tàng hình.

Nhiều khả năng, Sukhoi T-50 sẽ không đi theo phương án tàng hình truyền thống như B-2 hay F-22 áp dụng (kiểu dáng khí động học, vật liệu tàng hình, sơn phủ tàng hình) mà ứng dụng công nghệ tàng hình Plasma. Công nghệ này đưa ra qui trình sử dụng khí ion hóa để giảm tiết diện phản xạ radar. Khí ion hóa sẽ bao trùm toàn bộ máy bay và hấp thụ năng lượng điện từ của sóng radar, qua đó gây khó khăn cho việc phát hiện máy bay từ hệ thống phòng không đối phương.

Về hệ thống điện tử, Sukhoi T-50 sẽ được trang bị radar mạng pha quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống tìm kiếm và theo dõi quang học/hồng ngoại. Buồng lái phi công trang bị hệ thống điều khiển bay tự động và hiển thị thông tin trên màn hình tinh thể lỏng đa năng.

Đúng theo tiêu chuẩn thiết kế máy bay tàng hình, Sukhoi T-50 thiết kế với 2 khoang vũ khí nằm trong thân có khả năng mang đủ loại tên lửa – bom đáp ứng nhiệm vụ tác chiến đối không, đối đất, đối hải. Ngoài ra, ở trong thân còn có pháo bắn nhanh Gsh 301 cỡ 30mm (tốc độ bắn 1.500-1.800 phát/phút).

Về vũ khí, Sukhoi T-50 sẽ trang bị tên lửa đối không tầm ngắn RVV-MD, tầm trung RVV-SD và tầm xa RVV-BD được cải tiến dựa trên các tên lửa R-73/R-77/R-37; tên lửa đối đất tầm xa Kh-38ME, Kh-58UshKE và bom chính xác cao loại 250-500kg; tên lửa không đối hạm tầm xa Kh-35UE.

Hiện tại, các mẫu thử Sukhoi T-50 lắp hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Saturn-Lyulka 117S (nâng cấp từ động cơ AL-31F trang bị trên các dòng tiêm kích đa năng Su-27/30) cho phép Sukhoi T-50 bay với tốc độ tối đa 2.600km/h, tầm bay 4.000-5.500km, trần bay 20.000m. Động cơ 117S được kết hợp với hệ thống điều khiển kỹ thuật số hiện đại, loa phụt có khả năng điều chỉnh hướng.

Tuy kế hoạch sản xuất vẫn chỉ là những sự suy đoán, nhưng các chuyên gia quốc tế đánh giá Sukhoi T-50 có triển vọng rất lớn trên thị trường xuất khẩu thế giới. Thậm chí, có thông tin cho rằng Việt Nam có thể là một trong những khách hàng đầu tiên mua Sukhoi T-50.

Thành Đô J-20

Tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 “ẩn chứa” nhiều điều bí mật.

Xuất hiện sau Sukhoi T-50 không lâu, tiêm kích tàng hình J-20 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô là một trong những bước đột phá công nghiệp hàng khôgn quân sự đáng lưu ý của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Không có nhiều thông tin về thời gian bắt đầu phát triển J-20, theo một số nguồn tin, Tập đoàn Thành Đô bắt đầu thực hiện chương trình phát triển J-20 từ cuối những năm 1990. Mẫu thử đầu tiên của J-20 (số hiệu 2001) bắt đầu chạy đường băng thử nghiệm tháng 12/2010. Khi đó, một số trang mạng Trung Quốc “vô tình” chụp được hình ảnh J-20 thử nghiệm, sự xuất hiện máy bay kỳ bí khi đó đã tạo ra “làn sóng thông tin đồn đoán” xung quanh.

Rất nhiều giả thuyết được đưa ra, thậm chí có người cho rằng, đây là màn PR của Trung Quốc, J-20 có thể chỉ là mô hình. Tuy vậy, tháng 1/2011, J-20 thực hiện lần cất cánh đầu tiên xua tan mọi nghi ngờ. Đến lúc này người ta chỉ có thể khẳng định một điều rằng, J-20 là tiêm kích thế hệ thứ năm của Trung Quốc.

Quan sát bên ngoài J-20, các chuyên gia quân sự cho rằng, phần phía trước J-20 khá giống với F-22 còn phần phía sau lại giống với T-50. J-20 có thêm đôi cánh phụ phía sau buồng lái, tăng khả năng cơ động.

Về kích thước, J-20 đươc cho là lớn hơn nhiều so với T-50 và F-22, nó dường như thiết kế chủ yếu cho vai trò tấn công mặt đất hơn là tiêm kích phòng không. Điểm khác lớn nhất của J-20 là nó có thêm một cặp cánh phụ ngay phía sau buồng lái, tăng khả năng cơ động.

Đối với công nghệ nghệ tàng hình, cho đến thời điểm này không rõ J-20 áp dụng kỹ thuật tàng hình nào, nhưng có lẽ nó không nằm ngoài qui tắc kiểu dáng khí động học, vật liệu và sơn phủ hấp thụ sóng radar. Theo hãng tin AP, một quan chức quân sự vùng Balkan tiết lộ rằng Trung Quốc có thể đã có công nghệ tàng hình từ xác chiếc cường kích F-117A của Mỹ bị bắn hạ tại Nam Tư năm 1999.

Hệ thống điện tử hàng không J-20 chắc chắn sẽ không khác với Sukhoi T-50 hay F-22, Trung Quốc dù còn gặp hạn chế công nghệ nhưng họ sẽ cố gắng nỗ lực trang bị cho J-20 hệ thống radar mạng pha quét điện tử chủ động, thiết bị định vị hàng không vệ tinh, cảm biến quang điện, hệ thống cảnh báo chống tên lửa. Buồng lái phi công sẽ lắp đặt toàn bộ màn hình tinh thể lỏng đa năng để hiển thị thông tin, màn hình HUD, hệ thống lái fly-by-wire.

J-20 được thiết kế với ba khoang chứa vũ khí trong thân để đảm bảo tối ưu hóa tính tàng hình. Trong đó, có một khoang lớn ở giữa bụng máy bay và hai khoang nhỏ nằm phía dưới cửa hút gió làm mát động cơ. Các vũ khí ban đầu của J-20 được xác định gồm: tên lửa đối không tầm xa PL-12C/D, PL-21 và đối không tầm ngắn PL-10; còn lại là tên lửa không đối đất, tên lửa chống radar; bom dẫn đường bằng laser và bom không điều khiển.

Trong khi tất cả linh kiện, bộ phận của J-20 được sản xuất tại Trung Quốc thì riêng phần động cơ, J-20 lại dùng cặp động cơ 117S do Nga sản xuất. Động cơ luôn là khâu yếu nhất của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, ngoại trừ một vài tiêm kích kiểu cũ (J-7, J-8II, Q-5) trang bị động cơ nội thì các tiêm kích thế hệ mới J-10, J-11 của Trung Quốc vẫn phải dùng động cơ Nga.

Tuy nhiên, với J-20, Trung Quốc có lẽ quyết tâm bằng mọi giá trang bị động cơ nội địa khi bắt đầu chính thức sản xuất loại máy bay này. Nhiều khả năng, tương lai J-20 sẽ trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy WS-10G thiết kế với loa phụt chỉnh hướng, hệ thống điều khiển kỹ thuật số hiện đại, giảm tín hiệu hồng ngoại. Tốc độ của J-20 có thể đạt được khoảng 2.100km/h, tầm bay 3.400km, trần bay 18.000m.

Dẫu cho còn khá nhiều trở ngại phía trước, khi mà J-20 vẫn chưa có radar điều khiển hỏa lực thực thụ, động cơ nội địa, các loại vũ khí thế hệ mới. Nhưng giới chức Trung Quốc vần mong đợi sẽ đưa J-20 vào biên chế giai đoạn 2018-2020.

Hồng Hà

Theo Infonet

Hồng Hà

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm