Ferdinand Marcos Jr. dường như sẽ là nhà lãnh đạo của Philippines trong 6 năm tới.
"Điều này đã chấm dứt 36 năm đau khổ của chúng tôi kể từ năm 1986. Tôi rất hạnh phúc. Đây là thời điểm chúng tôi đã chờ đợi", Jean Diaz, người ủng hộ ông Marcos Jr, cho biết sau khi có kết quả sơ bộ.
1986 là năm hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Philippines, lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos - cha của ông Marcos Jr. - và buộc cả gia đình ông phải lưu vong sang Mỹ. Cũng vào năm 1986, 20 năm cai trị của gia đình Marcos chấm dứt và nền dân chủ được khôi phục lại vào năm 1986.
Chiến thắng của Marcos Jr. đánh dấu sự trở lại của gia tộc này, sau rất nhiều năm xây dựng ảnh hưởng ở cấp địa phương và những lần tranh cử thất bại. Sau hơn 30 năm, Di sản của gia đình Marcos, cụ thể là cố Tổng thống Ferdinand Marcos “cha”, cùng vợ là bà Imelda Marcos, vẫn ảnh hưởng lớn chiến dịch tranh cử của ông Marcos Jr., tạo ra cả những lập trường ủng hộ hay đối lập.
Ông từng tranh cử chức phó tổng thống Philippines năm 2016 và chỉ để thua sát nút bà Robredo. Giờ đây, ông đứng trước cơ hội nắm giữ vị trí quyền lực nhất trong dinh tổng thống đặt tại Malacanang.
Ông Ferdinand Marcos Jr. sau khi nộp đơn ứng cử tổng thống hồi tháng 10/2021. Ảnh: AFP. |
Di sản nhiều tai tiếng
Chức tổng thống sẽ là điểm nhấn cho hàng thập niên nỗ lực khôi phục thanh danh của gia đình ông Marcos, vốn đối mặt với nhiều tai tiếng tham nhũng và lạm quyền.
Trong hơn 20 năm nhiệm kỳ ông Ferdinand Marcos (1965-1986), ông đối mặt với cáo buộc đàn áp những người đối lập. Hàng nghìn người đã thiệt mạng, bị tra tấn hoặc bỏ tù trong thời điểm ông ban hành thiết quân luật.
Các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền - đặc biệt khi ông ban hành thiết quân luật năm 1972 và cuộc bầu cử năm 1986 với nhiều tranh cãi - đã thúc đẩy phong trào “Cách mạng Vàng” tại Philippines nhằm phế truất ông Marcos. Gia đình Marcos phải lưu vong sang Hawaii, Mỹ trước khi ông Marcos qua đời năm 1989.
Giới chức Philippines cáo buộc gia đình Marcos đã biển thủ số tiền lên đến 10 tỷ USD trong thời gian tại vị. Một cơ quan từng được thành lập để thu hồi tài sản thời ông Marcos, phần lớn thông qua tòa án, và đến nay chỉ thu hồi khoảng 3,41 tỷ USD trong 33 năm.
Ngoài ra, chính phủ còn yêu cầu gia đình Marcos nộp khoản thuế bất động sản với trị giá ít nhất 3,9 tỷ USD. Ông Marcos Jr. bác bỏ thông tin về khoản thuế này.
Giới phê bình lo ngại nếu đắc cử, ông Marcos Jr. sẽ thúc giục tòa án lật lại các phán quyết buộc tội gia đình ông. Ông Marcos Jr. bị kết án 3 năm tù hồi năm 1995 vì vấn đề thuế, nhưng bản án bị hủy khi ông kháng cáo 2 năm sau đó. Bà Imelda, mẹ ông Marcos Jr., cũng từng bị kết án 11 năm tù vì tạo các quỹ tư nhân nhằm che giấu tài sản. Tòa án Tối cao Philippines đang xem xét đơn kháng cáo của bà, theo New York Times.
Một góc của bảo tàng giày Marikina, nơi trưng bày bộ sưu tập những đôi giày cao cấp của bà Imelda Marcos. Ảnh: Shirley Escalante. |
Nhiều người Philippines phản đối bà Imelda vì cuộc sống xa hoa. Gia đình Marcos được cho là đã mang ít nhất 24 thỏi vàng cùng 22 rương tiền mặt khi lưu vong sang Hawaii năm 1986.
Trong nhiệm kỳ của chồng, bà Imelda đã tiêu hàng chục triệu USD vào các chuyến du lịch và mua sắm quần áo, đồ trang sức. Đáng chú ý là Bảo tàng giày Marikina ở thủ đô Manila, với hơn 700 đôi giày sang trọng của bà Imelda được cất giữ và trưng bày tại đây.
Hãng tin Rappler (Philippines) cho biết bà Imelda sở hữu khoảng 3.000 đôi giày, trong khi bản thân bà và một số kênh truyền thông phương Tây hồi năm 1987 cho biết con số là hơn 1.000 đôi.
Đồng minh vững chắc
Con trai Ferdinand Marcos, Marcos “Bongbong” Jr. bắt đầu quá trình khôi phục tên tuổi của gia đình mình, và từng bước tạo dựng được vị thế chính trị kể từ khi về nước năm 1991. Ông nắm giữ các vai trò quan trọng, như thống đốc tỉnh Ilocos Norte, trước khi trở thành thượng nghị sĩ vào năm 2010.
Bên cạnh việc xây dựng các mối quan hệ, bắt đầu từ "thành trì" Ilocos Norte, ông Marcos Jr. đã tạo lợi thế lớn trong chiến dịch tranh cử khi liên minh với gia đình Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte.
Tỷ lệ ủng hộ ông Marcos Jr. tăng cao khi bà Sara Duterte, con gái Tổng thống Duterte, tuyên bố liên danh tranh cử chức phó tổng thống, theo New York Times.
Aries Arugay, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, nói rằng việc liên minh giữa gia đình Marcos và Duterte có thể tạo ra thời kỳ mà thành viên hai dòng họ này thay phiên nắm giữ các vị trí lãnh đạo.
Các chuyên gia cho rằng những đối thủ của ông Marcos đặt việc chỉ trích di sản của gia đình Marcos làm trọng tâm đã gây ra phản ứng ngược, theo Time. Chiến dịch của bà Robredo - đối thủ chính của ông Marcos - không tạo được dấu ấn vì tuyên bố muốn ngăn chặn sự trở lại của gia đình Marcos.
“Nhiều người bầu cho Marcos không hẳn vì họ thích ông ấy. Họ chỉ không muốn bị nhắc đến hay đối xử như những người xấu”, Antonio Contreras, nhà phân tích chính trị tại Manila, cho biết.
Cử tri Philippines đứng về phía Marcos Jr. khi ông quyết định không công kích vào các đối thủ, thay vào đó tập trung vào cam kết thống nhất đất nước và tiếp tục di sản của Tổng thống Duterte.
Cuộc chiến thông tin
Ông Marcos Jr. được cho là tận dụng lợi thế từ các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ, đặc biệt ở những người trẻ. Nhiều người nói rằng thích xem các video trên YouTube mà ông Marcos Jr. thể hiện mình là một người cha tuyệt vời khi tham gia những chương trình giải trí cùng gia đình. Một khảo sát cho thấy 7 trên 10 người trong độ tuổi 18-24 muốn ông Marcos trở thành tổng thống.
Fatima Gaw, trợ lý giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Philippines, cho biết "gần như không thể" phân biệt giữa động cơ tuyên truyền hay tính cách thực sự của ông Marcos Jr. qua các video trên mạng xã hội.
Ngoài ra, dù không đưa ra thông điệp rõ ràng, ông cũng ghi điểm trong mắt cử tri khi đề cấp đến những vấn đề cốt lõi mà người dân quan tâm.
Theo khảo sát hồi tháng 10/2021 của Rappler, ông Marcos Jr. dẫn đầu trong các tiêu chí đánh giá về ứng viên có những kế hoạch rõ ràng về việc giải quyết các khó khăn của đất nước như phục hồi kinh tế sau Covid-19, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Vincent Tabigue (phải) và vợ Loyal Tabihue chuẩn bị ghi hình trực tiếp chiến dịch tranh cử của liên danh Marcos Jr. - Sara Duterte. Ảnh: New York Times. |
Truyền thông phương Tây nói ông Marcos Jr. đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội để nâng tầm ảnh hưởng, cũng như đưa ra những thông tin tranh cãi.
Ông Marcos Jr. gọi thời điểm cha ông nắm quyền trong thế kỷ trước là “kỷ nguyên vàng”, khi nói người Philippines lúc bấy giờ có sự ổn định; tăng trưởng cao; nhiều nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Tsek - website do các trường đại học, nhà báo và các nhóm xã hội dân sự lập ra để kiểm tra và đính chính các tuyên bố sai lệch - ghi nhận hàng loạt tin sai lệch trong chiến dịch tranh cử.
"Mỗi ngày, chúng tôi sàng lọc những thông tin sai lệch nhiều như 'sóng thần', và chọn thông tin nào cần kiểm chứng. Thật sự có quá nhiều", Maria Diosa Labist, phó giáo sư khoa Báo chí tại Đại học Philippines kiêm thành viên của Tsek, cho biết.
Guardian cũng cho biết ông Marcos Jr. đã tuyên bố sai lệch khi nói gia đình ông mua kho vàng khổng lồ từ một gia đình hoàng gia, và sẵn sàng chia sẻ với người dân nếu ông đắc cử.
Không chỉ riêng ông Marcos Jr., những người khác trong gia đình Marcos vẫn đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Philippines.
Cả 4 người trong dòng họ cố Tổng thống Ferdinand Marcos, gồm Marcos Bongbong Jr. (con trai), ông Michael Marcos Keon (cháu trai), bà Imee (con gái) và ông Matthew Manotoc (cháu nội) lần lượt nắm giữ vị trí thống đốc tỉnh Ilocos Norte qua các nhiệm kỳ, từ năm 1998 đến nay. Ông Marcos Jr. và bà Imee từng có thời gian làm thượng nghị sĩ trong Quốc hội Philippines.