Ông Ferdinand Marcos Jr. nắm chắc chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines hôm 9/5 với số phiếu chênh lệch lớn.
Tính tới sáng 10/5, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy với hơn 90% số phiếu đã kiểm, ông Marcos có 28,8 triệu phiếu, nhiều hơn gấp đôi so với đối thủ xếp thứ hai là bà Leni Robredo, Phó tổng thống đương nhiệm, theo New York Times.
Chiến thắng của “Bongbong”, biệt danh thường được người dân Philippines dùng để gọi ông Marcos, sẽ đánh dấu sự trở lại gây choáng váng của một gia tộc từng phải sống lưu vong.
Màn trở lại gây choáng váng
Với khoảng 67 triệu cử tri đã đăng ký đi bầu, cuộc bầu cử hôm 9/5 của Philippines về tổng thể diễn ra tương đối yên bình, bất chấp một số vụ tấn công bạo lực tại vài điểm bỏ phiếu.
Bên cạnh đó vẫn còn một số trục trặc với hơn 1.800 máy bỏ phiếu bị lỗi trong ngày khi chỉ có 1.100 máy dự phòng trên cả nước, New York Times dẫn lời chính phủ Philippines.
Người ủng hộ ông Marcos bên ngoài trụ sở chiến dịch tranh cử của ông tại Manila vào tối 9/5. Ảnh: New York Times. |
Việc kiểm phiếu chính thức sẽ bắt đầu vào ngày 10/5 và dự kiến kéo dài vài ngày. Nhưng sớm ngày 10/5, kết quả sơ bộ cho thấy ông Marcos đang dẫn trước rất xa và chiến thắng của ông dường như là điều không thể tránh khỏi.
Ngay từ tối 9/5, các hoạt động ăn mừng tự phát đã diễn ra bên ngoài trụ sở tranh cử của ông Marcos. Những người ủng hộ ông cất tiếng hát, vẫy cờ Philippines và đồng thanh hô “Bongbong, Sara”.
1986 là năm gia tộc Marcos rơi khỏi chiếc ghế quyền lực, sau khi hàng triệu người Philippines cùng đứng lên phản đối tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Hàng nghìn tỷ USD trong ngân khố được cho là đã chảy vào tài khoản cá nhân của gia đình Marcos.
Nhà lãnh đạo độc tài Ferdinand Marcos Sr., bố của ông Marcos, cùng gia đình phải rời khỏi đất nước. Ông Marcos Sr. mất năm 1989 trong lúc ở Hawaii.
Sau 5 năm lưu vong, ông Marcos về nước vào năm 1991 để gây dựng lại quyền lực tại tỉnh Ilocos Norte ở Bắc Philippines, thành trì của gia tộc này.
Ứng viên tổng thống Marcos Jr. hồi tháng 2. Ảnh: AP. |
Ông Marcos lần lượt giữ chức phó thống đốc, thống đốc và nghị sĩ tại Ilocos Norte. Năm 2010, ông bước chân vào chính trường quốc gia khi được bầu làm thượng nghị sĩ. Ông Marcos từng tranh cử chức phó tổng thống năm 2016 nhưng thua với mức chênh lệch sít sao.
Phần lớn sự ủng hộ mà vị ứng viên tổng thống tiềm năng có được là từ giới trẻ. Một khảo sát cho thấy 7 trên 10 người Philippines trong nhóm tuổi 18-25 muốn ông Marcos trở thành tổng thống.
“Tôi nghĩ ông ấy có thể giải quyết mọi chuyện”, Chereen Nicole Rivera, một sinh viên 21 tuổi tham gia ăn mừng chiến thắng của ông Marcos, nói. “Số tiền mất cắp là do bố ông ấy lấy, không phải ông. Ông ấy không nên bị đánh giá vì tội lỗi của bố mình”.
Dù vậy, ông Macros đồng thời xây dựng tên tuổi trên di sản của cha. Ông nhiều lần khẳng định sẽ không xin lỗi vì các hành động của cha mình và sẽ dần dần khôi phục lại tên tuổi gia đình.
Liên minh quyền lực
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Rodrigo Duterte đã giúp khôi phục cái tên Marcos. Năm 2016, ông Duterte cho phép thi thể ông Marcos Sr. được chuyển về an táng tại nghĩa trang quốc gia Philippines.
Những người chỉ trích ông Marcos lo sợ ông sẽ càng khoét sâu thêm văn hóa không có trách nhiệm giải trình mà người tiền nhiệm đã tạo ra. Ông Marcos từng nói sẽ cố gắng che chắn ông Duterte khỏi tiến trình điều tra của tòa quốc tế về cáo buộc vi phạm trong cuộc chiến chống ma túy.
Các bên tiến hành khảo sát cho biết sự ủng hộ mà ông Marcos nhận được có liên hệ trực tiếp tới các nhóm ủng hộ ông Duterte. Nhiều người bầu cho ông Marcos vì có đối tác tranh cử là bà Sara Duterte, con gái ông Duterte.
Tổng thống Rodrigo Duterte (trái) và con gái Sara Duterte. Ảnh: TNS. |
Bà Sara dường như cũng nắm chắc chiếc ghế phó tổng thống với gần 29 triệu phiếu bầu, lớn hơn gấp 3 so với người đứng thứ hai.
Liên minh giữa gia tộc Marcos và Duterte “về cơ bản đã tạo ra một triều đại”, ông Aries Arugay, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Philippines Diliman, nhận định. Ông cho rằng Philippines đang đi về một hệ thống có thể bầu cử “một Duterte nữa hoặc một Marcos nữa trong hàng chục năm nữa”.
Nhưng dù nhận được đông đảo phiếu bầu, ông Marcos vẫn sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức khi bắt đầu điều hành một đất nước đang chia rẽ.
Đối thủ chính của ông, bà Leni Robredo, Phó tổng thống đương nhiệm, chưa công nhận thất bại nhưng cũng thừa nhận thế dẫn đầu của ông Marcos.
“Tôi biết chúng ta đều yêu quý đất nước này nhưng tình yêu không thể là gốc rễ gây bất hòa”, bà Robredo nói hôm 10/5. “Tuy một số phiếu chưa được kiểm đếm và vẫn còn một số câu hỏi trong cuộc bầu cử này cần được trả lời, tiếng nói của người dân đang ngày một rõ hơn”.
“Vì lợi ích của đất nước Philippines mà tôi biết các bạn rất yêu quý, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói này vì tới cuối cùng, chúng ta đều cùng chung một đất nước”, bà nói.
Phó tổng thống Leni Robredo thông báo ra tranh cử vào tháng 10/2021 khi không thấy có ứng viên đối lập chống lại ông Marcos. Ảnh: Reuters. |
Thông điệp tranh cử đơn giản
Ông Marcos, 64 tuổi, nhận được sự ủng hộ từ hàng triệu cử tri thất vọng về nền dân chủ của Philippines cũng như thất bại của hệ thống ấy trong việc giải quyết các nhu cầu cơ bản của người dân. Cái nghèo còn tồn tại ở diện rộng, tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong khi tham nhũng tràn lan.
Rất ít điều còn chưa được biết về chính sách kinh tế của ông Marcos. Ông từng nói nếu đắc cử sẽ tiếp tục chương trình cơ sở hạ tầng “Xây Xây Xây” của người tiền nhiệm. Khi được hỏi về cách tạo việc làm, ông nói sẽ thúc đẩy thêm tiêm chủng trong sáng kiến có tên “Chủng ngừa tới công việc”.
Một nhà phân tích cho rằng chính lời cam kết “đơn giản” về xây dựng đoàn kết đã giúp ông Marcos trong cuộc bầu cử này.
“Người dân đã phát chán về sự chia rẽ trong nền chính trị Philippines từ rất lâu rồi. Và trong lúc ấy, (ông Marcos) xuất hiện với thông điệp về sự đoàn kết”, ông Froilan Calilung, nhà phân tích chính trị giảng dạy khoa học chính trị thuộc Đại học Santo Tomas, trả lời đài PTV-4.
Người dân Philippines đi bầu hôm 9/5. Ảnh: New York Times. |
Ông Calilung thừa nhận đúng là thông điệp đoàn kết không thể hiện rõ ràng chương trình nghị sự của ông Marcos nhưng người Philippines dễ bị thuyết phục trước những thông điệp như thế vì chúng dễ tiêu hóa.
Trong khi đó, chiến dịch của bà Robredo - đối thủ chính của ông Marcos - không tạo được dấu ấn vì tuyên bố muốn ngăn chặn sự trở lại của gia đình Marcos. Chiến dịch gõ cửa từng nhà để vận động của bà Robredo cũng được tổ chức quá muộn.
Nhưng bất kể kết quả ra sao, phong trào ủng hộ bà Robredo là bằng chứng cho thấy bà vẫn là nhân vật đối lập quyền lực nhất tại Philippines, theo ông Calilung.