Tại biên giới liên Triều, người ta có thể thấy người dân ra đường ở các ngôi làng phía bắc mà không đeo khẩu trang và làm việc theo nhóm trên cánh đồng trong mùa gieo trồng lúa như thường lệ, theo Wall Street Journal.
Điều này cho thấy cách chống dịch của Triều Tiên - quốc gia vẫn chưa tiêm vaccine cho người dân - đến nay khác xa so với một số nước đang áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các nhà quan sát nhận định dường như có sự phân chia giữa khu vực nông thôn và thành thị trong cách áp đặt biện pháp phong tỏa.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện của biến chủng Omicron không phải mối đe dọa duy nhất đối với Triều Tiên lúc này. Nước này cũng đang chống chọi với vấn đề thiếu lương thực, theo Foreign Policy.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kiểm tra một hiệu thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 15/5. Ảnh: KCNA. |
Mắc kẹt giữa tình trạng thiếu lương thực và bệnh dịch
Triều Tiên không còn xa lạ với tình trạng thiếu lương thực, nhưng sự kết hợp giữa tình trạng mất an ninh lương thực cùng một loại virus đường hô hấp chết người là thách thức mới đáng lo ngại đối với Bình Nhưỡng.
Trước đó, biên giới của Triều Tiên hầu như đã bị đóng cửa trong suốt hai năm kể từ khi đại dịch bùng phát. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và hạn chế nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men.
Nếu tiếp tục các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 5 - thời điểm bắt đầu mùa trồng lúa của Triều Tiên - tình hình lương thực có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, ông Kim nói rằng mặc dù đợt bùng phát Covid-19 hiện nay là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Triều Tiên kể từ khi thành lập, người lao động nên tiếp tục làm việc trong khi tránh tiếp xúc với những người bên ngoài nhóm của họ.
Nhân viên của đơn vị quản lý thuốc quận Daesong ở Bình Nhưỡng cung cấp thuốc cho người dân. Ảnh: AP. |
Hoạt động trồng lúa vẫn diễn ra tương tự ở cả hai bên biên giới liên Triều hôm 16/5. Các chuyên gia nhận định việc dân số chưa tiêm phòng tiếp tục các công việc thường ngày có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh ở Triều Tiên, nhưng nếu dừng lại, đất nước này có thể phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác.
“Sản xuất nông nghiệp trong nước của Triều Tiên, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, là yếu tố quan trọng đối với sự duy trì của đất nước, đặc biệt là bước vào năm thứ ba đóng cửa biên giới”, Lina Yoon, nhà nghiên cứu cấp cao về Triều Tiên tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Nguy cơ đối mặt cuộc khủng hoảng chưa từng có
Cho đến tuần trước, Triều Tiên vẫn tuyên bố virus chưa xâm nhập nước này sau hai năm đóng cửa biên giới. Một số nhà quan sát cho rằng thông báo mới đây cho thấy quy mô của đợt bùng phát đã lớn đến mức không còn có thể che đậy.
“Việc Triều Tiên công bố dịch cho thấy tình hình nghiêm trọng như thế nào”, bà Yoon nói.
Hôm 17/5, Triều Tiên báo cáo số "ca sốt” tăng 269.510 trường hợp, nâng tổng số trường hợp người mắc các triệu chứng lên gần 1,5 triệu, chỉ sau 4 ngày kể từ khi công bố đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên. Cùng ngày, nước này ghi nhận thêm 6 ca tử vong do "sốt", nâng tổng số lên 56 trường hợp, theo KCNA.
Triều Tiên, quốc gia thiếu trang thiết bị xét nghiệm Covid-19, mới chỉ xác nhận một người có kết quả dương tính với biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết quy mô của đợt bùng phát ở Triều Tiên gần như chắc chắn lớn hơn so với những gì được truyền thông nhà nước nước này đưa tin.
Trong bối cảnh đó, một số cảnh báo rằng nếu không có thêm vaccine và nâng cao năng lực xét nghiệm, Triều Tiên có nguy cơ bị bao trùm bởi một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có kể từ khi đất nước hứng chịu nạn đói khiến hơn một triệu người thiệt mạng vào những năm 1990.
Một nhân viên khử trùng sàn phòng ăn ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên để hạn chế sự lây lan của virus. Ảnh: AP. |
Dân số của Triều Tiên có thể đặc biệt dễ bị tổn thương vì tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến và hệ thống y tế không đủ khả năng chống chọi với một làn sóng dịch lớn.
Vừa qua, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Triều Tiên, ông Kim đã huy động quân đội để giúp đảm bảo cung cấp vật tư y tế cơ bản ở thủ đô, nơi ca mắc đầu tiên được báo cáo.
Ông cũng “chỉ trích mạnh mẽ nội các và ngành y tế công cộng vì thái độ làm việc vô trách nhiệm” tại cuộc họp, theo truyền thông nhà nước.
“Khi đến thăm một hiệu thuốc, ông Kim Jong Un đã tận mắt chứng kiến tình trạng thiếu thuốc ở Triều Tiên”, ông Cheong Seong Jang, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, nói với AFP.
"Ông Kim có thể đã dự đoán được điều này nhưng tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn", vị chuyên gia nói thêm.
Thế nhưng, ngay cả khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un "chỉ trích mạnh mẽ" các quan chức y tế vì phản ứng thiếu hiệu quả trong phòng chống dịch, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra phản hồi về đề nghị viện trợ vaccine của Hàn Quốc.
Một số nhà quan sát nhận định với quan điểm “tự lực cánh sinh” được gắn trong hầu hết chính sách của ông Kim Jong Un trước phương Tây, Bình Nhưỡng có thể chỉ thích tham gia vào các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm đối phó với đợt bùng phát lần này.