Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch vụ bán tem nam châm cho tài xế Uber, Grab nở rộ

Tem dán sườn nam châm được quảng cáo có thể tháo ra, dán vào dễ dàng, giúp tài xế Grab, Uber “lách luật” trong trường hợp cần thiết được rao bán bán với giá 25.000-30.000 đồng/cặp.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội dành cho cộng đồng tài xế Uber, Grab xuất hiện nhiều mẩu tin rao bán tem dán sườn nam châm (tem từ) in logo hợp tác xã vận tải (HTX). Người bán cho biết loại tem này có thể được tháo ra, dán vào thoải mái với mức giá 25.000 đến 30.000 đồng một cặp. 

Theo một người bán, đơn vị có thể cung cấp tem dán của tất cả HTX vận tải theo yêu cầu. “Ưu điểm của tem dán sườn nam châm là có thể tháo ra khi cần thiết. Trong khi đó, tem được các HTX cung cấp đều là tem giấy thông thường, được dán “chết” vào xe. Bởi vậy khá nhiều tài xế chọn mua tem nam châm”, người này nói thêm.

Trao đổi với người mua, người này cũng giới thiệu tem dán sườn nam châm có thể giúp tài xế Grab, Uber “lách luật”. Cụ thể, khi đi vào các đoạn đường cấm taxi cũng như các loại xe hợp đồng, tài xế có thể tháo tem dán và hoạt động như xe tư nhân.

mieng dan nam cham uber grab,  tem dan uber grab anh 1
Dịch vụ cung cấp tem nam châm được quảng cáo là có thể tháo ra dán vào dễ dàng nở rộ. 

“Đi đường cấm mình có thể tháo ra để đơn vị chức năng ngầm hiểu mình là xe gia đình, không kinh doanh vận tải. Nhưng nếu lỡ mình vi phạm gì đó, thanh tra họ xem giấy tờ thấy đăng kiểm của mình có kinh doanh mà không dán đầy đủ giấy tờ thì lại bị quy nhiều lỗi hơn. Thế nên tài xế cũng nên cẩn thận”, người này nói.

Khi được hỏi về nguồn gốc của những chiếc tem này, người bán nói họ xin lại từ các HTX vận tải, sau đó dán vào các miếng dán nam châm và bán lại cho người có nhu cầu.

Trả lời Zing.vn, đại diện một HTX vận tải ở Hà Nội cho biết thực tế chưa ai cấm tem dán nam châm nên việc sử dụng và mua bán là không phạm luật. Tuy nhiên nếu thực hiện nghiêm túc, đại diện các HTX sẽ phải dán cố định tem dán vào xe chứ không để tình trạng "tháo ra, dán vào" như một số quảng cáo trên mạng.

“HTX chúng tôi chưa từng và không bao giờ khuyến khích xã viên tháo, dán tem. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan thanh tra không khó để phát hiện xe nào là xe hợp đồng, xe nào là xe tư nhân. Nếu phát hiện vi phạm, lỗi chồng lỗi, cả cá nhân và tổ chức liên quan đều bị xử phạt theo quy định”.

Cũng theo đại diện này, tem dán thường được cung cấp miễn phí bởi các HTX. Trong trường hợp tài xế cần mua thêm, giá tem cũng khá rẻ. “100.000 đồng có thể mua được cả mét vuông, còn mua lẻ theo tấm cỡ A4, giá rơi vào khoảng 30.000 đồng/tấm, tương ứng với 16-18 tem”, vị này cho hay. 

Trước đó vào cuối năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải có phản hồi chính thức về kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về một số vấn đề của xe thí điểm hợp đồng điện tử.

Các xe Uber, Grab phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe, có logo nhận diện. Nếu không có logo nhận diện, mức xử phạt được quy định từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.


Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm