Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch lây lan rộng nhất sau Vũ Hán, Trung Quốc bám trụ 'Zero Covid-19'

Giữa lúc phải vật lộn với đợt bùng phát lan rộng nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc kiên quyết bám trụ với chiến lược “Zero Covid-19”.

Mặc dù các lần bùng phát sau Vũ Hán từng chứng kiến số ca mắc cao hơn, đợt dịch mới nhất đang được ghi nhận có sự lây lan rộng nhất. Kể từ khi đợt bùng phát xảy ra vào tháng 10, 19 trong 31 tỉnh thành ở Trung Quốc đã ghi nhận các ca mắc Covid-19, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).

Vào ngày 3/11, NHC đã báo cáo thêm 93 ca mắc có triệu chứng - số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong 3 tháng. Kể từ khi đợt bùng phát bắt đầu, đất nước này đã ghi nhận khoảng 500 ca nhiễm nCoV trên toàn quốc, theo Global Times.

Trung Quoc bung phat dich anh 1

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: AFP.

Giới chức Trung Quốc nhanh chóng vào cuộc

Đây là con số khá khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia phương Tây khác, vốn ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, đây lại là con số lớn với Trung Quốc, quốc gia đã trung thành với cách chống dịch triệt để “Zero Covid-19” qua việc kiểm soát chặt biên giới, và áp dụng quy định cách ly dài hạn với khách quốc tế, theo CNN.

Cách tiếp cận chống dịch triệt để này cũng đồng nghĩa với việc một số ít ca mắc mới cũng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng.

Trung Quoc bung phat dich anh 2

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho một người dân địa phương ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: The Paper.

Đợt bùng phát này đã bắt đầu vào ngày 16/10, khi một số ca nhiễm được phát hiện trong một nhóm người cao tuổi đã tiêm chủng đầy đủ từ Thượng Hải đi du lịch đến miền Bắc Trung Quốc.

Các ca nhiễm nCoV đã tăng lên nhanh chóng và lan rộng khắp các tỉnh phía bắc. Nhà chức trách ngay lập tức vào cuộc, bám sát những biện pháp đã chứng minh sự thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát trước đó, bao gồm xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa, cách ly, tạm dừng du lịch và giám sát.

Giới chức cấm các chuyến du lịch xuyên tỉnh đi qua những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tại một địa điểm du lịch nổi tiếng, tất cả người dân và du khách bị cấm rời khỏi nhà. Thủ đô Bắc Kinh thắt chặt các hạn chế ra vào thành phố, và trừng phạt những người vi phạm bằng biện pháp giam giữ.

Thành phố Lan Châu, nơi báo cáo hàng chục ca mắc Covid-19, đã được đặt trong tình trạng phong tỏa, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu dân.

Trung Quốc bám trụ chiến lược “Zero Covid-19”

Việc virus lây lan nhanh chóng đã đặt ra dấu hỏi về sự bền vững của chính sách “Zero Covid-19”, cũng như hiệu quả của các biện pháp ứng khó khẩn cấp của Trung Quốc. Điều này xảy ra trong bối cảnh các đợt bùng phát trở nên thường xuyên hơn và trong thời gian dài hơn.

Đợt bùng phát dịch đầu tiên của Trung Quốc ở Vũ Hán gần như đã được kiểm soát vào tháng 3/2020. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn xuất hiện đợt bùng phát mới, chúng cũng nhanh chóng được kiềm chế.

Song năm 2021 lại chứng kiến sự hoành hành của biến chủng Delta dễ lây lan. Biến chủng này là nguyên nhân dẫn đến các đợt bùng phát nghiêm trọng ở nhiều nước châu Á, vốn đã kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt vào thời điểm đó như Australia, Malaysia, Bangladesh, Thái Lan.

Với sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan hơn, cũng như lời khuyên ngày càng nhiều của các chuyên gia y tế quốc tế cho rằng Covid-19 có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu, nhiều quốc gia đã từ bỏ cách tiếp cận "Zero Covid-19". Thay vào đó, những quốc gia này "chấp nhận sống chung với virus".

Những ảnh hưởng của biến chủng Delta cũng trở nên rõ ràng ở Trung Quốc. Sau một thời gian dài sống trong trạng thái bình thường, đất nước này đã ghi nhận một số đợt bùng phát chỉ trong vài tháng gần đây.

Mùa hè năm nay, Trung Quốc đã trải qua một trong những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất do biến chủng Delta gây ra. Biến chủng này lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 7 tại thành phố Nam Kinh. Không lâu sau đó, các ca nhiễm mới đã được báo cáo ở hàng chục thành phố và cuối cùng đã lan ra 16 tỉnh thành.

Sau quy trình quen thuộc bao gồm việc xét nghiệm hàng loạt, phỏng tỏa, hạn chế di chuyển và cách ly bắt buộc, số ca mắc đã giảm xuống vào cuối tháng 8.

Mặc dù đã chứng minh được thành công, đợt bùng phát mùa hè mất nhiều thời gian để ngăn chặn hơn so với các đợt bùng phát trước đó. Đợt bùng phát này cũng lây lan nhanh hơn giữa các tỉnh của Trung Quốc.

Trung Quoc bung phat dich anh 3

Người dân Trung Quốc xếp hàng để tiêm mũi thứ ba. Ảnh: AFP.

Người dân và chính quyền Trung Quốc chỉ có vài tuần để thở phào trước khi một đợt bùng phát khác xảy ra vào tháng 9 ở tỉnh Phúc Kiến.

Đến ngày 29/9, giới chức y tế tuyên bố rằng ổ dịch ở Phúc Kiến đã được kiểm soát. Chưa đầy ba tuần sau, dịch lại bùng trở lại.

Tuy nhiên, bất chấp tần suất và thời gian bùng phát gia tăng, Trung Quốc không có dấu hiệu thay đổi chiến lược của mình, thậm chí còn càng thêm kiên quyết trước thềm một số sự kiện quan trọng sắp tới, trong đó có Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

"Đối mặt với đợt bùng dịch Covid-19 liên tục, các chuyên gia y tế tin rằng Trung Quốc không thể từ bỏ cách tiếp cận không khoan nhượng với Covid-19”, bài xã luận của Global Times hôm 3/11 cho biết.

Đồng thời, bài xã luận cảnh báo rằng "việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sẽ dẫn đến một kết cục thảm khốc”.

Trung Quốc bùng phát đợt dịch lây lan rộng nhất sau Vũ Hán

Nhiều tỉnh ở Trung Quốc phải tăng cường đối phó với Covid-19 sau khi ghi nhận đợt bùng phát lan rộng nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán vào năm 2019.

Ông Chung Nam Sơn: ‘Zero Covid-19’ ít tốn kém hơn sống chung với virus

Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, cho rằng cách chống dịch triệt để ít tốn kém hơn việc sống chung với virus và phải siết hạn chế mỗi lần bùng dịch.

Vân Đinh

CNN

Bạn có thể quan tâm