Dịch cúm chết chóc nhất thập kỷ ở nước Mỹ
Toàn nước Mỹ đang phải chống chọi với dịch cúm nguy hiểm nhất 10 năm trở lại đây, cướp đi mạng sống của gần 20 người, khiến nhiều thành phố lớn phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Từ Florida đến Maine, giường bệnh trong các phòng cấp cứu luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng lớn bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu của cúm. Trong tháng 1 năm ngoái, số bệnh nhân mắc cúm ở thành phố Boston chỉ là 70 trường hợp nhưng nhanh chóng tăng lên 700 người vào cuối năm, bổ sung thêm thiệt hại vào tổng số 18 người chết ở bang Massachusetts.
Cả nước Mỹ đang chống chọi với dịch cúm. |
Tiến sĩ Barbara Ferrer, Giám đốc điều hành Ủy ban Y tế công cộng Boston cho biết: “Chỉ trong 2 tuần qua, số người mắc cúm đã tăng gấp đôi. Nếu tốc độ gia tăng bệnh nhân vẫn tiếp tục, Boston sẽ chìm trong dịch cúm”. Trong khi đó, số người nhiễm cúm trên khắp nước Mỹ cũng tăng gấp đôi chỉ trong tháng qua, buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên nhiều bang.
Tính tới thời điểm hiện tại, 44 bang của Mỹ đang phải vật lộn với dịch cúm đang ngày càng lan rộng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, với tần suất có thêm 100 bệnh nhân có triệu chứng cúm mỗi ngày. Đặc biệt, dịch cúm bùng phát kéo theo tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu trên khắp đất nước.
Tuy được đánh giá là nguy hiểm nhưng tác hại của đợt cúm đối với hầu hết các bang đều không quá nghiêm trọng so với dịch cúm lợn bùng phát ở Mỹ năm 2009. Tuy nhiên, tại một số vùng, dịch cúm mới nhanh chóng bỏ xa những hậu quả của dịch cúm H1N1 trong hơn 3 năm trước, với khá nhiều bệnh nhân thiệt mạng do virus.
Các nhà chức trách cho biết, mùa cúm ở Mỹ thường kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4. Chính vì lẽ đó, số người chết hoặc nhập viện vì mắc cúm chắc chắn sẽ có khả năng gia tăng. Nhằm ngăn ngừa dịch cúm lây lan, các nhà chức trách y tế Mỹ đang cố gắng cung cấp đủ vắc-xin phòng cúm theo mùa cho các cơ sở y tế nhằm hỗ trợ kịp thời tới người dân.
Hồng Duy
Theo Infonet