Ngày 6/7, Sở Y tế TP.HCM thông tin về nguy cơ dịch chồng dịch tại TP.HCM.
Số nhân sự nghỉ việc gần đây chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố. Trong khi đó, biến chủng Omicron BA.4, BA.5 mới xuất hiện kèm theo dịch sốt xuất huyết bùng phát khiến ngành y tế TP.HCM gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế cũng cho thấy số ca mắc Covid-19 mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới. Trong khi trước đây số ca mắc mới đã giảm dưới 30 ca/ngày.
Cùng với đó, TP.HCM cũng ghi nhận hơn 21.000 ca sốt xuất huyết, tăng 184% so với cùng kỳ. Số ca tử vong là 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em.
Các phòng điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, luôn trong tình trạng đông đúc bệnh nhân. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước nguy cơ dịch chồng dịch, ngành y tế đặt mục tiêu đẩy nhanh hơn tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại và đẩy mạnh công tác diệt muỗi, lăng quăng.
Sở Y tế cũng sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cũng thông tin Sở đã tập huấn cho 3.600 bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn về công tác điều trị sốt xuất huyết. Những nơi này khi tiếp nhận thêm bệnh nhân sẽ tránh tình trạng người bệnh đổ dồn về các bệnh viện tuyến cuối, gây quá tải.
Thống kê từ Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng.
Từ năm 2021 đến hết tháng 6 toàn thành phố có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng. Xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc đang có sự gia tăng so với giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.
Để ứng phó nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai nghị quyết của HĐND về các chính sách củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng. Kiến nghị sớm có hướng dẫn để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện công lập.