Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi tìm sắc xuân giữa 'Bốn mùa trên xứ Phù Tang'

Những cánh anh đào trong trắng, hoa tulip rực rỡ bung nở, hoa mười giờ Shibazakura, hoa mắt xanh nở biếc biểu thị sức sống mạnh mẽ của mùa xuân Nhật Bản.

Du ký có lẽ là thể loại sách được khá nhiều người lựa chọn để bắt đầu sự nghiệp viết lách và ghi lại những trải nghiệm của chính mình trên chặng đường khám phá thế giới. Nguyễn Chí Linh là người lữ khách đã dành cả tuổi xuân để trải nghiệm những điểm đến mới lạ và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hơn 90 quốc gia. Thế nhưng, những cánh hoa đào của đất nước Nhật Bản lại luôn khiến tâm hồn anh vương vấn. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua từng trang du ký Bốn mùa trên xứ Phù Tang.

Rong chơi theo những cánh hoa xuân

Nguyễn Chí Linh đã dành một phần dung lượng khá lớn trong sách để nói về Xuân - mùa hoa ở Nhật Bản. Cuối tháng ba là mùa hoa anh đào nở rộ và cơ quan dự báo thời tiết có nhiệm vụ thông báo thời gian dự tính hoa nở để bắt đầu lễ hội hoa anh đào, đây là quốc lễ của Nhật Bản. Người người thu xếp đến công viên, ngồi dưới cội anh đào ngắm hoa, vui chơi, ăn uống.

Sac xuan o xu Phu Tang anh 1
Sách Bốn màu trên xứ Phù Tang.

Để hiểu hơn về lễ hội này, tác giả không quên kể một truyền thuyết về một vị Samurai - tương truyền là người đầu tiên tổ chức lễ hội ngắm hoa anh đào. Cũng chính vì truyền thuyết này mà hoa anh đào không chỉ thể hiện cho sự trong trắng, mong manh mà còn là biểu tượng của sự liêm khiết, chính trực và quân tử của một Samurai.

Vì tình yêu của tác giả với những cánh hoa đào ấy, người đọc sẽ luôn bắt gặp trong sách hình ảnh con đường lãng mạn với anh đào nở rộ tuyệt đẹp ở Tokyo, ở chân núi Phú Sĩ, ở cố đô Kyoto mơ màng. "Kyoto trong mắt tôi ngày ấy là một vài chú hươu đốm hoa gặm cỏ trên những đồi hoa anh đào...", Nguyễn Chí Linh viết. Thậm chí ở một vùng biển vắng nào đó, anh tình cờ bắt gặp: "Dưới gốc hoa anh đào trong cơn mưa phùn mà tôi bắt gặp trên đường đi... Các ngư dân sinh sống ven biển, họ xem hoa anh đào là thần mang lại sự may mắn và hạnh phúc".

Mùa xuân ở Nhật Bản không chỉ có hoa đào, khi những cánh anh đào cuối cùng lìa cành cũng là lúc "hoa tulip rực rỡ bung nở, hoa mười giờ Shibazakura, hoa mắt xanh nở biếc trên những triền đồi, hay câu chuyện về niềm tin may mắn và hạnh phúc đến từ cánh hoa tử đằng có mùi thơm nhẹ nhàng". Với tác giả Nguyễn Chí Linh, đó là sức sống mạnh mẽ của đất nước Nhật Bản. Chúng không chỉ được thể hiện qua những mùa hoa rực rỡ mà còn phủ khắp kiến trúc, văn hóa, tinh thần người dân nơi này.

Nhật Bản lôi cuốn qua những truyền thuyết, giai thoại

Không chỉ khiến độc giả mê mẩn với những cánh hoa Nhật Bản, Bốn mùa trên xứ Phù Tang còn khơi dậy niềm hứng thú của người đọc về những món ăn đặc trưng của đất nước này với một giọng kể cuốn hút và chân thật của tác giả.

Sac xuan o xu Phu Tang anh 2
Cuốn sách mang tới vẻ đẹp Nhật Bản qua bốn mùa. 

Nhắc đến Nhật Bản, điều đầu tiên người nghĩ đến là món sushi nhưng ít ai biết món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi du nhập vào Nhật Bản, sushi được người dân phát triển hoàn thiện và trở thành món quốc ẩm. Tuy nhiên, ở Nhật không chỉ có sushi, mì ramen cũng rất được ưa chuộng và có nhiều cách chế biến khác nhau. Theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Chí Linh, vào thời khắc giao thừa, người Nhật thường ăn một bát mì ramen "sợi mì dai, dài, mềm và thơm tượng trưng cho sự trường thọ, thịnh vượng và may mắn trong cuộc sống".

Trong cuốn du ký Bốn mùa trên xứ Phù Tang, tác giả đã thú nhận: "Tôi là một kẻ ngoại đạo trong thế giới viết lách. Chỉ viết những gì mình từng biết và tìm hiểu trong ánh mắt của một gã nhà quê". Có thể Nguyễn Chí Linh không nuôi mộng thành một cây bút tên tuổi dựa vào cuốn sách này, thế nhưng những gì anh thể hiện trong sách đã lột tả niềm say mê tìm hiểu, cảm xúc nồng nhiệt đối với đất nước Nhật Bản.

Tác giả đã trở lại đất nước mặt trời mọc nhiều lần để chiêm ngưỡng thiên nhiên bốn mùa, thưởng thức ẩm thực. Không chỉ vậy, Nguyễn Chí Linh đã có nhiều cuộc trò chuyện với người dân bản xứ để thêm hiểu và yêu vùng đất mình đặt chân đến. Sự hào hứng, lòng nhiệt huyết ấy của tác giả đã lôi kéo người đọc xuyên suốt 500 trang sách với bao điều kỳ bí về nơi đây.

Vì sao Nhật Bản tự coi mình là một thần quốc?

Sách "Lịch sử tư tưởng Nhật Bản" đã nhấn mạnh rằng, tư tưởng quốc gia thái quá được xem là đặc tính quan trọng nhất, khiến Nhật Bản trở thành một đất nước phát triển như ngày nay.


Khánh Huyền

Bạn có thể quan tâm