Tôi là một người hướng nội.
Bình sinh tôi không thích những nhóm người (nhiều hơn 5), tôi không thích những buổi gặp gỡ, hội họp, team-building… Tôi hay thấy mình lạc lõng. Dù có rất nhiều chuyện để kể, tôi lại thấy mình cực kỳ vụng về trong những câu chào hỏi làm quen như: Bạn tên gì? Làm nghề gì? Thích ca sĩ V-pop nào? Làm gì vào thời gian rảnh? (chắc phần nhiều là do tính hay quên, cho dù có hỏi đủ thứ thì sau đó tôi cũng không nhớ gì?!).
Nhưng tréo ngoe thay, tôi cũng là người hay bị thúc đẩy bởi người khác. Bất kỳ khi nào tôi thấy một bạn hướng ngoại, có thể làm quen với nhiều người, tôi lại ao ước được như bạn ấy. Thành thử, tôi hay bị giằng xé giữa việc: tiếp tục hướng nội như mình vốn vậy hay là tỏ ra vui vẻ nói cười (vừa dễ tạo mối quan hệ, vừa tránh bị chê là “chảnh cún”).
Mọi thứ cứ cho là tạm ổn đi nếu như những người khác không quy kết “im lặng là có vấn đề” và bắt đầu quay sang hỏi tôi: “Sao im lặng thế? Sao ít nói thế? Sao hiền thế?”. Tôi ghét việc mình ngồi im re trong khi những người khác có thể thoải mái nói chuyện. Tôi ghét việc tôi từng tin mình là một người ngoài cuộc.
Không vì sự chấp nhận của một nhóm người mà thỏa hiệp những giá trị cốt lõi của bản thân. Nguồn: 2dep. |
Cũng như nhiều người trẻ khác, khi mình chưa có nhiều mối băn khoăn lớn hơn (như những người lớn), có hai nỗi hoang mang kinh điển: hoang mang về giá trị bản thân và hoang mang về nhóm người mình thuộc về.
Điều trước dẫn đến điều sau. Để khỏa lấp cho nỗi băn khoăn về giá trị bản thân, người ta sẽ cần tìm cho mình một nhóm người mà ở đó người ta sẽ nói cho bạn nghe về năng lực của bạn (thành thật hoặc không).
Ở giữa một nhóm người cho mình cảm giác an tâm hơn, nói theo phong cách ngôn tình là “cảm giác thuộc về”, nói theo kiểu nghị luận phê phán xã hội cực đoan là “tâng bốc lẫn nhau”, nói theo ngôn ngữ sinh học là “mối quan hệ cộng sinh”, nói theo ngôn ngữ business và start-up là “network circle”.
Và nói theo kiểu của tôi là: sự chứng nhận (có thể đúng hoặc sai) cho những nghi ngờ về chính mình. Khi được ở trong một nhóm người, bạn có cái cớ rằng bạn phải xứng đáng mới được nhận vào. Bạn đi tìm giá trị của bạn dựa vào phản chiếu trong ánh mắt người khác.
Bạn an tâm rằng ở đây có những người đẳng cấp để giúp đỡ bạn và chỉ việc giao lưu với những người đẳng cấp mới làm cho bạn đẳng cấp.
Tôi cũng đã ở giữa rất nhiều nhóm người. Cho đến ngày tôi phải rời khỏi thành phố của tôi, đến một thành phố mới. Việc bạn tìm ra được một nhóm cùng chí hướng, họ chấp nhận bạn và bạn chẳng phải gồng mình là một điều lý tưởng.
Thực tế, có những lúc bạn chẳng tìm được nhóm người nào cả. Có những lúc tự bạn phải đối diện mọi thứ, tự bạn phải nhìn nhận bản thân mình thay vì dựa dẫm trên sự công nhận của người khác. Có những lúc bạn chẳng thể nhờ vào nhóm người hay mối quan hệ kết nối nào để tự tìm cho mình những cơ hội và sự giúp đỡ.
Và đó là lúc tôi tự hỏi: mình có thật sự, nhất thiết, lúc nào cũng phải ở trong một nhóm người?
Từ khi rời khỏi những điều thân thuộc xưa cũ, bài học lớn nhất mà thành phố mới dạy cho tôi là: chấp nhận có những lúc mình không thuộc nhóm người nào cả.
Mãi đến khi đứng ngoài quan sát, tôi mới được dịp hiểu và tôn trọng chính mình hơn. Mãi đến lúc này, tôi mới chịu chấp nhận rằng: Tôi là một người hướng nội. Không khác thế được. Nghĩa là tôi có quyền được im lặng, có quyền không tham gia các phen tụ tập, có quyền không nhất thiết phải nói cười trong tất cả những hoạt động tập thể. Đã đến lúc tôi thôi thúc ép mình phải tỏ ra hoạt bát để trở nên nổi bật giữa đám đông. Bởi đơn giản là tất cả người yêu quý và giúp đỡ tôi từ trước đến giờ đã luôn nhận ra tôi ngay cả khi tôi không cố tình làm điều gì để gây ấn tượng hay lấy lòng họ.
Cũng đã đến lúc tôi nhận ra: giá trị là cái có trước, nhóm người chấp nhận bạn là cái có sau (không phải chiều ngược lại). Cách thức “networking” mà tôi chọn cho mình là tự tôi luyện và rèn giũa bản thân, thuyết phục người khác yêu mến mình bởi những hiểu biết và giá trị tôi tạo ra chứ không phải cố gắng phát ra những tín hiệu để lấy lòng, để chứng tỏ tôi đẳng cấp và sành điệu.
Cuối cùng, việc phải “một mình” đã dạy cho tôi rằng: mình cần tồn tại và hòa nhập giữa sự giao thoa của rất nhiều nhóm người, mình phải rèn giũa sự độc lập và những giá trị riêng không gắn với nhóm người nào, không vì sự chấp nhận của một nhóm người mà thỏa hiệp những giá trị cốt lõi của bản thân. Cũng đừng vì sự từ chối của một nhóm người mà khổ sở và dằn vặt.
Trước khi biết được cách sống với người, thỉnh thoảng mình phải đi một mình, rất lâu và rất xa, để học cách chấp nhận và vượt qua sự đơn độc khó tránh khỏi.