Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến vất vả sau ly hôn

Hôn nhân là một điều khó khăn. Nhưng bước ra khỏi hôn nhân là điều khó khăn hơn gấp bội.

Hà Nội mấy ngày gần đây mưa nhiều, mọi thứ đều trở nên ẩm ướt. Tâm trạng mình cũng không loại trừ, ẩm thấp nặng trịch, nên cứ là là mặt đất. Bây giờ là 1h35 sáng, tiếng ếch kêu nhèo nhẽo sau mưa vọng lên từ dưới mấy cái cống, mình nằm trong này, không ngủ được, lòng buồn buồn vì cuộc nói chuyện chiều nay với cô bạn.

“Cậu ơi, tớ muốn bỏ chồng” - bạn nói, mắt đỏ hoe rơm rớm.

Đây không phải lần đầu tiên mình nghe những câu như vậy - hoặc tương tự như vậy. Đã nhiều hơn một lần mình chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, thậm chí tìm cả luật sư giúp bạn bè xung quanh về việc ly hôn. Nhưng không hiểu sao, hôm nay thì khác.

Mình hỏi: “Cậu đã nghĩ kỹ chưa? Cậu đã cố gắng hết sức để cứu vãn tình thế chưa?”

Bạn trả lời: “Tớ không biết!” (Mặc dù trước đó bạn liệt kê ra một loạt gạch đầu dòng không thể chịu nổi với cuộc hôn nhân của bạn).

Hôn nhân là một điều khó khăn. Nhưng bước ra khỏi hôn nhân là điều khó khăn hơn gấp bội.

Sach Chung ta song vi dieu gi anh 1

Đừng buông tay khi vẫn còn có thể cố gắng. Nguồn: pinterest.

Mình từng ly hôn và vẫn nhớ như in ngày mình và cô con gái bé bỏng bắt đầu lại từ vạch xuất phát: là mình, với mức lương 6,5 triệu, hai bàn tay trắng, hai va-li quần áo, không nhà cửa.

Mình không nhớ, và thực lòng không muốn nhớ bằng cách nào mình đã đi qua những ngày tháng đó. Chỉ biết, mình làm và học như điên, đi dạy thêm hay thậm chí là soạn thảo văn bản thuê, mình làm hết. Tới mức, có đứa bạn sau quá nhiều lần hẹn gặp không được vì mình cứ bận việc nọ việc kia, đã mò tới tận nơi chỉ để nói vào mặt: “Mày làm để sống, hay làm để chết vậy?”.

Có lần giữa guồng công việc không ngơi, đột nhiên cơ thể chống đối, mình lăn ra ốm. Đó quả thực là đòn chí mạng. Bao nhiêu mệt mỏi, cô đơn, hờn tủi ập về và bủa vây.

Đơn thân không hề dễ chút nào, nhất là lúc ốm đau.

Thời gian qua đi và mọi việc dần ổn hơn. Mức lương của mình cũng tăng lên, đời sống dĩ nhiên nâng cao hơn chút ít. Vào sinh nhật con gái năm lên bảy tuổi, mình mua được chiếc xe đạp tặng nàng.

Có xe đạp dĩ nhiên phải tập xe đạp, hai mẹ con hào hứng mang xe ra công viên tập cho nhau. Mình giữ cho con đạp. Được hai vòng, mình thở ra đằng tai, giữ không nổi, xin phép con gái nghỉ.

Buổi thứ hai, không khá hơn. Buổi thứ ba, vẫn vậy. Con gái thốt lên: “Mẹ yếu như con sên, bạn Cún biết đi rồi đấy, vì bạn Cún có bố giữ xe cho!”. Và mình khóc. Mình khóc vì thương chính mình. Mình tưởng mình đã có thể diễn tròn cả hai vai bố và mẹ cho con.

Đơn thân không hề dễ, nhất là khi cần chia sẻ nặng nhọc của việc nuôi con.

Con gái mình rất nghiêm túc trong chuyện học hành. Con học viết văn. Cô giáo cho đề bài viết về gia đình. Dù gia đình của con vẫn “rất thương yêu nhau” giống văn mẫu, nhưng cô giáo vẫn gạch xoẹt và phê chữ “Xem lại” rất lạnh lùng vì con viết về gia đình của con chỉ có “em, mẹ em và dì em” chẳng giống với gia đình trong mẫu.

Tuy sau đó, mình có nói chuyện với cô giáo của con và cô nói “sai sót”, câu chuyện về bài văn này vẫn khiến mình buồn và chạnh lòng một thời gian khá dài.

Đơn thân không hề dễ, nhất là khi chứng kiến con mình phải đối đầu với những điều không giống mẫu.

Mình vốn là đứa vô thần, nhưng có một chuyện cách đây vài năm khiến mình phải lưu tâm. Mình đi đám cưới đứa bạn - cũng không thân lắm. Trong lúc giao lưu với đám bạn cũ, vô tình (hoặc cố tình) có người nói bóng gió mà dịch nôm ra là - “Mày vừa ly hôn xong tới đám cưới này coi chừng ám quẻ nó (tức cô dâu)”. Và quả thật, hai đứa nó ly hôn vội vã. Mặc dù biết chắc lỗi dĩ nhiên không phải do mình, nhưng một thời gian dài sau đó, mình hay trốn các đám cưới - “cho lành”.

Đơn thân không hề dễ, nhất là khi phải đối đầu với định kiến xã hội.

Khi bố của con có gia đình mới, mình nói với con: “Bố có em bé mới, con có muốn về thăm em bé mới của bố không? Con có buồn không?”. Con gái đã trả lời: “Con mừng cho bố, chứ buồn cái gì?”, với một chất giọng đượm buồn.

Đơn thân không hề dễ, nhất là khi phải chia sẻ với con những nỗi buồn đã muốn giấu nhẹm đi. Khi bạn buông tay hôn nhân, bạn sẽ buộc mình phải bước vào một cuộc chiến khác còn vất vả gấp nhiều lần.

Nhưng nếu hỏi mình có ân hận về việc ly hôn không, mình sẽ trả lời là không. Nếu thời gian quay lại, mọi việc vẫn diễn ra đúng như cách nó đã diễn ra và mình không hối hận vì mình biết ngày đó mình đã suy nghĩ kỹ lưỡng và cố gắng tới cùng cực để bao dung với nhau, cứu vãn với nhau. Sự cố gắng ấy, còn là cố gắng vì chính bản thân mình nữa.

Đừng buông tay khi vẫn còn có thể cố gắng. Vì vậy, mình hỏi bạn: “Cậu đã cố gắng hết sức chưa?”

Dương Thạch / Phục Hưng Books / NXB Thông tin & Truyền thông

SÁCH HAY