Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không phải tài năng, rèn luyện mới là con đường mà người viết cần đi

Việc biết mình muốn gì cho bạn một tấm bảng chỉ đường; tính kỷ luật, hay sự rèn luyện là con đường mà một người viết thực sự cần phải đi.

Tôi nghĩ, viết lách vốn là trò tiêu khiển của những người thất bại trong giao tiếp với xã hội. Nếu tôi là một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, nếu tôi dễ dàng làm quen hay mở lòng với người lạ, nếu tôi ưa thích đám đông và hoạt động hội nhóm, thì có lẽ tôi đã chẳng vùi mình vào những chồng sách hay viết linh tinh đầy khắp cuốn sổ tay.

Nguyễn Ngọc Tư từng nói: “Cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn”. Molly Bakes trong một bức thư trả lời người mẹ có con gái muốn trở thành nhà văn, đã nói đơn giản rằng: “Hãy để yên cho con bé cô đơn”.

Bố mẹ chấp nhận sự cô đơn của tôi, cũng như chấp nhận việc tôi ưa thích chữ nghĩa, nhưng không ai nghĩ tôi sẽ theo nghề viết. Mà thật ra tôi cũng không tin viết lách có thể trở thành một nghề. Vậy nên tôi nghe theo lời khuyên của gia đình: Đi học tài chính và coi chuyện viết lách chỉ là thú vui lúc rảnh rang.

Có điều, sự viết lại gắn bó với tôi nhiều hơn mức tưởng tượng. Tôi bắt đầu lập một blog cá nhân, viết bài cộng tác cho vài tạp chí và trở thành copywriter cho một agency dù chưa hề có kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn.

Công việc quảng cáo của tôi thú vị, lương của tôi cao, tin rằng viết lách cũng có thể đủ sống, thậm chí sống tốt. Thế nhưng đây cũng là lúc vấn đề của người viết bắt đầu. Khi bạn viết chỉ để vui, thì bạn viết sao cũng được. Khi bạn viết để thỏa mãn chính mình, thì miễn là bạn thấy hay.

Nhưng khi bạn muốn đi sâu hơn vào việc viết lách, bất luận để trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, copywriter... hay bất kỳ ai, bạn cần nhiều hơn sự yêu thích và khả năng thiên bẩm.

Bạn cần, trước tiên, là hiểu mình muốn gì. Giả dụ hôm nay bạn muốn đi tới quán trà, thì bạn cần tự hỏi xem, mình tới đó làm gì. Sau đấy mới tìm hiểu cái quán đó ở đâu, mình có thể đi đến bằng cách nào, có phương tiện hỗ trợ gì không.

Nhưng sự cốt lõi, vẫn là nhìn thấu cái sự muốn. Đó là bước đầu tiên, cũng là kim chỉ nam dẫn dắt cuộc đời mình. Kế đó, là tính kỷ luật. Có rất nhiều người không biết làm gì với cuộc đời mình. Cũng có rất nhiều người biết mình muốn làm gì nhưng vẫn không cán đích được. Ấy là vì sao? Vì họ cứ tiến một bước lại lùi hai bước, họ đi được một đoạn lại nhăm nhe rẽ sang hướng khác, cho vui.

Mình muốn trở thành cầu thủ bóng đá nhưng tập nhiều đau chân quá. Muốn trở thành nhà văn tài năng nhưng nghĩ mãi chẳng ra gì, thôi đi xem phim cái đã. Muốn trở thành họa sĩ vang danh thiên hạ nhưng hôm nay bạn bè lại rủ đi bar.

Nếu việc biết mình muốn gì cho bạn một tấm bảng chỉ đường; thì tính kỷ luật, hay sự rèn luyện mới là con đường mà một người viết thực sự cần phải đi.

Ngày xưa tôi không hiểu chuyện này lắm. Tôi cho rằng người làm nghệ thuật nói chung nên sống tự do và phóng túng, như vậy mới đem đến nhiều trải nghiệm thú vị và lấy đó làm ngọn nguồn cảm hứng cho mình. Nhưng mộng mơ là chuyện chẳng khó gì trên đời, ai cũng làm được. Biến những cảm xúc ấy thành một dòng chảy mát trong không ngừng nghỉ, mới là thử thách của người viết.

Sach Chung ta song vi dieu gi anh 1

Kỷ luật, sự rèn luyện mới là con đường mà một người viết thực sự cần phải đi. Nguồn: betterteam.

Những nhà văn mà tôi kính trọng đều có sự khắc kỷ rất lớn. Haruki Murakami mỗi ngày thức dậy lúc 4 giờ sáng và viết trong khoảng 5-6 giờ. Buổi chiều, ông chạy bộ khoảng 10 km hoặc bơi 1.500 m, hoặc cả hai, đọc và nghe nhạc. Đi ngủ lúc 9 giờ tối. Lặp lại mỗi ngày, liên tiếp nhiều năm.

Những con số này, khi vang lên cũng không lấy gì làm hoảng hồn lắm, cho tới khi chúng thực sự áp vào bản thân. Tôi đã bắt đầu từ bài tập đơn giản nhất dành cho tất cả người viết: viết trong một khoảng thời gian cố định. Tại sao? Vì khi tôi có cảm hứng, chẳng khó gì để viết một vài truyện ngắn, dăm bài thơ vui. Nhưng nếu tôi có thể viết tốt trong mọi hoàn cảnh, dù chẳng hứng khởi gì, thì đó mới là tài năng.

Quan trọng hơn, làm sao người ta có thể làm những chuyện mình muốn, mà không có bất cứ thời hạn nào. A goal is a dream with a deadline (Napoleon Hill), đó thôi.

Viết lách giờ đây cũng giống như việc tôi chạy bộ, chơi cờ vây, tập Ki Aikido hàng ngày. Chạy bộ không khó, chạy liên tục nhiều cây số mà không mệt mỏi, nản lòng mới khó. Chơi cờ vây không khó, chơi cờ vây giỏi mới khó. Tập Ki không khó, giữ Ki liên tục 24/24 mới khó. Viết lách cũng vậy, cũng không khó. Viết mà hiểu vì sao mình muốn viết, viết liên tục, bền bỉ từng ngày, từng ngày, mới khó.

Cuối cùng, tôi nghĩ đời sống của một người sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chuyện viết của người đó. Vì ngôn từ là cái bóng của người viết đổ xuống mà thôi. Nếu tôi muốn văn mình gọn gàng, không lý nào tôi lại dám bừa bãi. Nếu tôi muốn câu chữ mình giản dị, không nhẽ nào tôi lại sống cầu kỳ.

Người xưa có câu, nét chữ nết người. Nên trước khi luyện viết, tôi phải uốn mình trước đã.

Nhược Lạc / Phục Hưng Books / NXB Thông tin & Truyền thông

SÁCH HAY