“Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ”.
Cái lạnh của những ngày đầu đông dễ khiến con người ta bồi hồi nhớ về điều xưa cũ. Như lời bài hát Em ơi, Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang, thủ đô trong tâm thức mỗi người Hà Nội là góc phố cổ mái ngói rêu phong, con đường vắng lác đác lá vàng hay mặt nước hồ Tây lao xao khi bóng chiều buông xuống.
Trong tiết trời se lạnh và khung trời bàng bạc, vẻ đẹp của Hà Nội trở nên rõ ràng hơn. Đó là nét cổ kính của dòng chảy thời gian - 1.000 năm lịch sử thăng trầm. Với những người con nơi đây, Hà Nội là ký ức, để khi xa xứ chỉ cần thấp thoáng thấy góc phố quen hay nghe đâu đó tên gọi thân thuộc, lại nao nao, da diết nhớ thương.
Dường như, ai cũng giữ cho mình một kỷ niệm riêng về Hà Nội. Người khắc khoải mãi hình ảnh cụ già thư thả ngồi đọc báo bên hồ Gươm, gánh hàng hoa lướt đi duyên dáng trên phố. Người trầm ngâm soi mình về quá khứ trên từng nhịp cầu Long Biên in bóng trên sông Hồng.
Có người dành cả phần đời để dạo quanh phố cổ hoài không chán, ghé đến Hàng Gai nhộn nhịp, tạt qua Hàng Mã sắc màu, hay thả bước trên con ngõ êm ả của Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Hòm...
Nhưng đâu chỉ có phố xá hay công trình kiến trúc trầm mặc, thủ đô còn khiến bao người lưu luyến bởi phong vị đặc sắc của phở, bún chả, bún thang, kem Tràng Tiền, cốm làng Vòng, bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường…
Dễ ăn, dễ nhớ, những thức quà này để lại dư vị khó phai trong lòng người Hà Nội và cả những du khách chỉ ghé đến đây đôi ba lần.
Kể về văn hóa, ẩm thực của Hà Nội mà không nhắc đến bia là một thiếu sót. Cách đây hơn một thế kỷ, từ năm 1890, Hà Nội là một trong những nơi đầu tiên ở Đông Nam Á có nhà máy bia. Đó là Hommel - tiền thân của Nhà máy bia Hà Nội - nơi ra đời của những nhãn hiệu bia nổi tiếng như Hà Nội, Trúc Bạch, bia hơi Hà Nội...
Trong đó, Trúc Bạch được ví như một kiệt tác của người thủ đô, vì là nhãn bia đầu tiên do người Việt sản xuất. Ngày 15/8/1958, nhãn đã sản xuất mẻ bia đầu tiên, đánh dấu bước chuyển mình lớn cho ngành bia Việt Nam. Tên loại bia này được đặt theo tên của hồ Trúc Bạch - địa danh gắn liền với nghìn năm văn hiến Thăng Long.
Được chắt lọc từ những nguyên liệu quý như lúa mạch vụ xuân thu hoạch từ những vùng nguyên liệu nổi tiếng của Pháp và Cộng hòa Czech, hoa bia Saaz từ thung lũng Zatec - Cộng hòa Czech kết hợp men và bí quyết nấu bia truyền thống của Việt Nam, bia Trúc Bạch tạo nên hương vị tươi mới và khác biệt, khiến bao người thương nhớ.
Với màu bia vàng sóng sánh như mật, bọt trắng mịn dâng cao; hương dịu nhẹ, khoan khoái; vị đầm, đắng nhẹ và dịu êm, bia Trúc Bạch chinh phục mọi giác quan từ thị giác, khứu giác đến vị giác của người thưởng thức. Vì thế, trải qua 60 năm thăng trầm, nhãn hiệu bia này luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng người dân xứ kinh kỳ.
Bia Trúc Bạch là một phần ký ức của người Hà Nội. Quyện trong dòng chảy nồng say là bao biến cố của thủ đô từ thời đạn bom, bao cấp đến mở cửa và hội nhập. Có thể nói rằng, khi uống một hớp bia Trúc Bạch là thực khách đang thưởng thức một phần lịch sử của Hà Nội.
Trải qua bao thăng trầm, Hà Nội giờ đây đã khoác lớp áo mới hiện đại với những tòa nhà cao tầng san sát, đường phố đông nghẹt xe cộ ngược xuôi. Tuy vậy, hồn thủ đô vẫn được giữ vẹn nguyên, trầm mặc và cổ kính, ẩn khuất, đan xen trong nhịp sống sôi động; điều mà chỉ những trái tim thật sự yêu Hà Nội mới cảm nhận được.
Song hành với những đổi thay của mảnh đất kinh kỳ, bia Trúc Bạch cũng trải qua nhiều lần đổi mới. Có thời điểm, thương hiệu bia đầu tiên của người Việt phải dừng sản xuất nhưng đã kịp hồi sinh và tái hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của Hà Nội.
Năm 1990, ngành bia Việt gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt, nhãn bia âm thầm rút khỏi thị trường. Vào thời điểm này, Trúc Bạch vẫn là cái tên len sâu vào tâm thức của thế hệ 7X, 8X, nên để lại nhiều luyến tiếc cho người Hà Nội.
Năm 2008, nhân ngày kỷ niệm 50 năm - ngày chai bia đầu tiên của người Việt ra đời, Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) đã hồi sinh nhãn bia vang danh một thời. Những tưởng sau gần 20 năm, thói quen uống bia của người Hà Nội đã khác xưa, nhưng Trúc Bạch vẫn chiếm được cảm tình của số đông.
Theo ý kiến của nhiều thực khách, nhãn bia này vẫn nhận được sự ủng hộ sau hai thập kỷ vắng bóng vì là một phần ký ức của người thủ đô. Uống những ngụm bia vàng mật êm dịu, họ như tìm thấy một phần hồn của Hà Nội xưa. Bên cạnh mái ngói xô nghiêng, ngõ vắng rì rào cơn mưa nhỏ, mùi hoàng lan nồng nàn thì những dòng chảy say mê của Trúc Bạch cũng phảng phất một nét đẹp rất riêng của Hà Nội.
Không chỉ được lòng thế hệ trước bởi hương vị của ký ức, nhãn bia cũng nhanh chóng chinh phục được thế hệ trẻ với diện mạo ngày càng sang trọng, mới lạ. Từ thời điểm hồi sinh đến nay, thương hiệu bia đầu tiên của người Việt đã trải qua hai lần thay áo mới: Thiết kế nhãn bạc ánh kim cho bia chai - năm 2014 và thay đổi thiết kế theo cảm hứng paramount beer vào năm 2018.
Tuy bao bì thay đổi, nhưng chất lượng của bia Trúc Bạch vẫn giữ nguyên giá trị như cách đây 60 năm. Cùng với slogan “Kiệt tác bia”, HABECO định vị đây là dòng bia cao cấp - gắn bó với từng thế hệ người Hà Nội, cùng họ giữ gìn hồn cốt của thủ đô, giúp các giá trị lịch sử không bị mai một trước dòng chảy hối hả của thời gian.
Đánh dấu hành trình phát triển của bia Trúc Bạch, HABECO đã tổ chức đêm nhạc “Trúc Bạch Concert - Dạ tiệc xanh”. Bằng loạt tình ca bất hủ với sự thể hiện của diva Hồng Nhung và các danh ca Lệ Quyên, Bằng Kiều, Hà Anh Tuấn, Phạm Khánh Ngọc… đêm nhạc đưa khán giả sống lại những năm tháng xưa cũ của Hà Nội.
“Trúc Bạch Concert - Dạ tiệc xanh” diễn ra vào ngày 8/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội với toàn bộ không gian được phủ xanh cùng hiệu ứng ánh sáng huyền diệu. Sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và men bia nồng say mang đến cho khán giả một trải nghiệm nghệ thuật đầy mới lạ.
Được chia làm 3 chương gồm “Ký ức Hà Nội”, “Hà Nội, tình yêu của tôi” và “ Ngẫu hứng phố”, đêm nhạc đưa khán giả quay ngược thời gian rồi trở về hiện tại, tìm về những kỷ niệm riêng với một Hà Nội bình dị và sâu lắng, mới mẻ và thân thương.
Với “Ký ức Hà Nội”, Lệ Quyên chiếm trọn trái tim người Hà Nội với những tình ca vượt thời gian về thủ đô như liên khúc Hà Nội vắng những cơn mưa - Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Hoa sữa, Sóng về đâu, Chuyến tàu hoàng hôn. Bằng giọng ca nội lực, nồng nàn, Hồng Nhung và Bằng Kiều khiến khán giả xúc động với “Hà Nội, tình yêu của tôi” trong các nhạc phẩm Hà Nội ngày trở về, Nhớ về Hà Nội, Đánh thức tầm xuân…
Khác với hai chương trước, ở “Ngẫu hứng phố”, Hà Anh Tuấn đưa khán giả đến với những cảm xúc mới lạ. Bên cạnh những cảm xúc đong đầy về Hà Nội trong lời ca của Ngẫu hứng phố, Người tình mùa đông, giọng ca 8X còn đưa người hâm mộ đến những tiết tấu mới lạ trong Tháng 4 là lời nói dối của em, Có chàng trai viết lên cây…
Ngoài ra, ca sĩ Phạm Khánh Ngọc đã đem đến concert màn trình diễn opera I dream a dream ấn tượng; NSND Hoàng Dũng và Á hậu Thụy Vân xuất hiện trong đêm nhạc với vai trò MC khéo léo dẫn dắt chương trình và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh với vai trò Tổng đạo diễn đã giúp đêm nhạc diễn ra thành công.
Thông qua đêm nhạc, HABECO khẳng định Trúc Bạch luôn là một phần hồn của Hà Nội, với những giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo tiếp tục được lưu giữ nguyên vẹn. Không chỉ chinh phục những tín đồ sành bia bởi hương vị thơm ngon, Trúc Bạch còn là một trong những nét đặc trưng của thủ đô, được người Hà Nội trân trọng và dành nhiều cảm tình.