Chị Lê Thùy Liên (Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội) chỉ vào những đám rỗ trên mặt và cho biết, đó là hậu quả kể từ khi chị dùng loại kem tái tạo da "Made in Italy". Sản phẩm nói trên có trong túi quà tặng kèm khi chị Liên mua hàng tại một shop mỹ phẩm cao cấp ở trung tâm thương mại. Dốc tiền đầu tư cho làm đẹp mà vẫn gặp họa nên chị Liên học làm mỹ phẩm thủ công. "Đồ mình tự làm để dùng cho bản thân đương nhiên phải an toàn", chị Thùy Liên chia sẻ.
Không chỉ muốn tự làm mỹ phẩm để trấn an bản thân, chị Liên còn muốn tự tạo ra được những màu son, loại kem độc quyền của riêng mình và làm quà tặng ý nghĩa cho bè bạn. Sau khi tham khảo, chị Liên bỏ tiền đăng ký tham gia một khóa học tự làm mỹ phẩm kéo dài 3 buổi trị giá 4 triệu đồng.
Các khóa đào tạo tự làm mỹ phẩm dù có học phí đắt đỏ vẫn hút đông học viên tham gia. Ảnh: NVCC. |
Chị chia sẻ, nếu không muốn mất tiền, mọi người cũng có thể học miễn phí qua các video và website trên mạng. Tuy nhiên, có lần chị đã xem một clip hướng dẫn làm mỹ phẩm, trong đó, hướng dẫn viên sử dụng đũa ăn chưa khử trùng để khuấy hỗn hợp son môi - "Hành động ấy không thể cho ra một sản phẩm an toàn chứ chưa nói là tốt. Tôi muốn tham gia một khóa học tử tế và bài bản”.
Nhu cầu học làm mỹ phẩm handmade nở rộ khiến cho tại Hà Nội, TP.HCM xuất hiện nhiều cơ sở nhận dạy làm loại mỹ phẩm này. Thời lượng mỗi khóa học dao động từ vài ngày đến 2 - 3 tháng, khung giá khoảng 150.000 - 1,5 triệu đồng/buổi.
Nổi lên trong các địa chỉ hướng dẫn tự làm mỹ phẩm tại Hà Nội thời gian qua có khóa học do một nữ 8X tổ chức. Dù học phí tại đây được xếp hạng đắt đỏ nhất, 2,5 - 4 triệu đồng/khóa chỉ kéo dài 8 - 16 tiếng nhưng vẫn có nhiều người ở miền Nam, miền Trung ra đăng ký học. Chủ khóa học, chị Đỗ Anh Thư cho biết, chính chị cũng tự thấy học phí mình đưa ra khá đắt nhưng không có ý định giảm giá, thậm chí gần đây đã tăng học phí lên mức đồng nhất 4 triệu đồng/khóa chia làm 3 buổi học chính.
“Tôi đã mất gần 5 năm tìm tòi, nghiên cứu và thực hành làm mỹ phẩm handmade. Kinh nghiệm 5 năm ấy được đúc kết trong 1 khóa học trên dưới 10 tiếng", Anh Thư chia sẻ. Học phí cao là cách để ban tổ chức chọn lọc những học viên nghiêm túc, biết trân trọng kiến thức và trải nghiệm phải bỏ tiền ra mua.
Học phí cao là cách mà Đỗ Anh Thư đưa ra để lựa chọn thái độ nghiêm túc, cầu thị và trân trọng kiến thức từ học viên. Ảnh: NVCC. |
Khóa học truyền đạt 3 mảng nội dung lớn: Khoa học về da giúp mỗi người nhận diện các loại da cơ bản, tự “khám sức khỏe” cho da để có phương pháp chăm sóc phù hợp; các kiến thức cơ bản về mỹ phẩm như mỹ phẩm công nghiệp, thiên nhiên, handmade, nguyên liệu làm mỹ phẩm handmade, cách lựa chọn và kết hợp nguyên liệu an toàn, hiệu quả, phù hợp; phương pháp và các công thức làm những loại mỹ phẩm handmade cơ bản như son, kem, phấn…, cách vệ sinh, bảo quản dụng cụ và thực hành.
Học viên Minh Thủy (chuyên viên truyền thông, quận 2, TP.HCM) chia sẻ, điểm khác biệt của khóa học này chính là việc đem tới cách hiểu đúng về mỹ phẩm chọn ra được dòng sản phẩm phù hợp cho mình chứ không phải là thái độ cuồng tín với mỹ phẩm handmade.
Thủy cho hay, nhiều người nghĩ mỹ phẩm 100% tự nhiên mới an toàn, còn loại công nghiệp sẽ có hại vì có hóa chất. Tuy nhiên, khi học, chị mới biết chỉ có song dưỡng handmade mới thường có 100% nguyên liệu thiên nhiên. Còn lại, phần lớn các mỹ phẩm khác, dù tự làm, cũng phải dùng hóa chất để chống nấm mốc, bảo quản... Cũng từ đó, chị không còn ác cảm với một số thành phần hóa chất cần có trong mỹ phẩm nữa.
Ngoài tiền học phí 4 triệu đồng/khóa, học viên ở xa còn phải chịu thêm chi phí vé máy bay đi - về, ăn ở, nghỉ việc tại cơ quan/công ty… “Các học viên tỏ ra rất nghiêm túc và cầu thị. Dù theo tôi được biết, nhiều bạn chỉ đến học vì sở thích chứ không phục vụ mục đích kinh doanh. Một số người sau khi trở lại Sài Gòn vẫn liên lạc với tôi nhờ góp ý cho những công thức mỹ phẩm mới”, giáo viên đứng lớp cho biết.
Dù nguyên liệu làm mỹ phẩm handmade chủ yếu được lựa chọn từ các thành phần tự nhiên an toàn. Song bao bì đựng sản phẩm hầu hết có xuất xứ Trung Quốc. |
Bên cạnh dịch vụ đào tạo, cơ sở này cũng nhận cung cấp nguồn nguyên vật liệu làm mỹ phẩm handmade. Nguồn hàng được nhập từ Mỹ và châu Âu. Riêng các loại chai lọ, bao bì đựng sản phẩm vẫn là nguồn Trung Quốc vì theo người đứng lớp, hiện không có nguồn cung cấp bao bì nào thay thế. Ngay cả ở Mỹ cũng chỉ sử dụng nguồn bao bì từ Trung Quốc.
“Ăn theo” thị hiếu thị trường, nhiều cơ sở đào tạo và bán mỹ phẩm handmade cũng đua nhau mọc lên tại Đà Nẵng, TP.HCM. Chủ một cơ sở khá nổi tiếng tại TP.HCM cho biết, hoạt động làm mỹ phẩm tự chế đã có từ nhiều năm trước nhưng chưa bao giờ nở rộ như thời gian gần đây. Đáp ứng kịp nhu cầu từ khách hàng, riêng về mảng đào tạo, doanh thu mỗi tháng của cơ sở này đạt tới hơn 100 triệu đồng với các khóa được mở mới hàng tuần.
“Làm lâu, có uy tín, chúng tôi cũng muốn sản xuất mỹ phẩm handmade bán ra thị trường với số lượng lớn nhưng do vướng nhiều thủ tục kiểm định, cấp phép phức tạp nên không chỉ riêng bên tôi mà ở nhiều cơ sở khác vẫn chỉ dám tập trung khai thác kinh doanh ở mảng dịch vụ đào tạo”, chủ cơ sở tiết lộ.