Di động 10 triệu đang là phân khúc có nhiều biến động. Trước đây nhóm này chủ yếu là những siêu phẩm cũ hạ giá. Vài năm trở lại đây, nhóm này trở nên sôi động hơn khi các hãng lớn bắt đầu định vị lại thị trường và lấp đầy những phân khúc còn trống.
Mở đầu cho xu hướng này là Samsung, họ đánh chiếm vào thị trường 10 triệu với Galaxy A. Apple gần đây cũng tham chiến với iPhone SE. Thị trường hiện khá sôi động các thiết bị mới từ Sony, Oppo, Huawei.
Điểm chung của những model trong nhóm này là thiết kế đẹp bên cạnh những trang bị tiên tiến được thừa hưởng từ dòng cao cấp.
Từ thị trường bỏ quên
Vài năm về trước, di động nhóm trên 10 triệu hầu như không xuất hiện trong bản đồ thị phần smartphone tại Việt Nam. Những phân khúc nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dùng là di động giá rẻ, smartphone trung cấp và những model cao cấp. Nhóm 10 triệu hầu như không được biết đến, nhà sản xuất cũng bỏ ngỏ thị trường.
Lý giải về điều này, anh Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS chia sẻ: "Người dùng có xu hướng chọn mua những flagship được giảm giá hơn là mua các thiết bị mới. Ví dụ Samsung Galaxy Note 4 cũ luôn có sức tiêu thụ tốt hơn Galaxy A7 mới cho dù có cùng mức giá. Cảm giác dùng các smartphone đầu bảng vẫn đem lại những trải nghiệm đặc biệt hơn".
Trong tầm giá 10 triệu, người dùng có xu hướng tìm đến những siêu phẩm cũ hạ giá.
|
Vòng đời sản phẩm ngắn, thị trường cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều flaship nhanh chóng bị rớt giá. Đây là cơ hội để những người thích sở hữu một smartphone đầu bảng nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép.
Lâu dần, xu hướng này trở thành thói quen, nhà sản xuất e dè với phân khúc "lỡ dở", thị trường bị bỏ quên, người tiêu dùng hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ các siêu phẩm hạ giá.
Đến miếng bánh béo bở
Khi mang Xperia XA và Xperia X về Việt Nam, đại diện của Sony đã thẳng thắn chia sẻ rằng di động trung cấp và trung cao sẽ là đích đến của họ trong thời gian tới. Sở dĩ họ không mang mẫu X Performance cao cấp về nước do phân khúc này đã bão hòa và ổn định, rất khó để chen chân vào. Trong khi đó, di động trung cao là thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai phá.
Trong khi Sony phải co cụm ở mảng di động thì Samsung đang ngày một lớn mạnh và thể hiện ảnh hưởng của mình đến toàn thị trường. Họ mở đầu cho phân khúc di động 10 triệu bằng mẫu Galaxy A7 bản 2016. Không lâu sau đó mẫu Galaxy A9 Pro với màn hình lớn, cấu hình cao. Gã khổng lồ Hàn Quốc đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường mới nổi này.
Ông lớn Apple cũng không ngoại lệ. Trước đó hãng đã thử chen chân vào thị trường trung cấp với mẫu iPhone 5C nhưng không mấy thành công. Năm nay họ quay lại với iPhone SE và trở thành đối thủ đáng gờm trong phân khúc smartphone 10 triệu.
Không có doanh thu ấn tượng nhưng iPhone SE lại đang có ảnh hưởng nhất định đến thị trường di động Việt. Ảnh: Duy Tín. |
Một vài tên tuổi mới nổi từ Trung Quốc cũng từng bước tiến đến thị trường này sau khi làm mưa làm gió ở phân khúc giá rẻ và trung cấp. Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là Oppo và Huawei. So với các đối thủ lớn smartphone của họ không hề kém cạnh về thiết kế, thậm chí có model còn được trang bị nhiều tính năng độc quyền, hấp dẫn hơn.
Một vài tên tuổi khác như Microsoft, BlackBerry, HTC cũng góp mặt trong nhóm này bằng những siêu phẩm hạ giá. Từ thị trường bị bỏ quên, smartphone trên dưới 10 triệu dần nóng lên rất nhiều và trở thành miếng bánh béo bở của các hãng, người dùng có thêm nhiều lựa chọn mới thay vì phải chờ siêu phẩm cũ hạ giá như truyền thống.
Canh bạc về sáng
Mặc dù là thị trường mới khai phá nhưng bức tranh toàn cảnh về phân khúc 10 triệu đã dần hoàn thiện. Trong khi các tên tuổi lớn như Samsung, Apple không đặt nặng vấn để doanh số thì Sony và các tên tuổi mới lấn sân lại xem đây như yếu tố sống còn.
Báo cáo mới nhất của GfK cho thấy người Việt ngày càng "chịu chi" hơn cho smartphone cao cấp. Cụ thể, từ nửa đầu 2015 đến cùng kỳ 2016, smartphone trong tầm giá từ 4-6 triệu đồng thị phần tăng từ 18,2 lên 21,2 %. Từ 6-8 triệu đồng tăng từ 5,5 lên 6,6 %. Đáng kể nhất là nhóm di động từ 8-10 triệu đồng khi tăng trưởng gần gấp đôi, từ mức thị phần 3,5 lên 6,6 %. Nhóm cao cấp (trên 10 triệu) tăng nhẹ từ 8,0 lên 9,7%.
Số liệu từ GfK cho thấy thị phần của nhóm 8-10 triệu đang có mức tăng trưởng vượt bậc. |
Còn quá sớm để nói trước ai sẽ là người thắng cuộc trong canh bạc về sáng. Rõ ràng lợi thế đang nghiêng nhiều về các ông lớn, các hãng nhỏ đang phải vất vả để giành lấy thị phần bằng nhiều cách khác nhau.
Oppo tiếp tục đẩy mạnh mảng truyền thông như cách mà họ đã thành công ở nhóm thấp hơn. Sony lại rơi vào con đường giảm giá. Khi mới lên kệ mẫu Xperia X được chào bán với giá 13,9 triệu, sau vài tháng lên kệ với doanh thu èo oặt, model này tiếp tục được điều chỉnh giá bán xuống còn 11,9 triệu đồng.
Huawei có thể là nhân tố tiềm năng, họ chấp nhận bán mẫu P9 cao cấp trong nhóm hơn 10 triệu.
Người dùng được hưởng lợi
Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, sự chuyển dịch này có lợi thế nhiều hơn cho các tên tuổi lớn và là thách thức với những hãng mới. Smartphone đắt tiền đã vượt qua ngưỡng thiết bị công nghệ mà trở thành món đồ thời trang, vì vậy người dùng thường có tâm lý chọn mua những tên tuổi lớn, yếu tố thiết kế và cấu hình chỉ là thứ yếu. Để cạnh tranh, những tên tuổi mới phải chấp nhận bán điện thoại của mình với giá rẻ hơn so với đối thủ.
Tàn canh, người dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Trên thực tế, những model trong nhóm 10 triệu đều thừa hưởng những thiết kế đẹp từ những model cao cấp, chỉ một vài tính năng bị cắt giảm. So với việc chờ siêu phẩm cũ giảm giá như trước đây, người dùng đã có thêm rất nhiều lựa chọn tốt.