Theo số liệu từ GfK, thị trường di động tại Việt Nam 6 tháng đầu 2016 vẫn do Samsung và Oppo thống lĩnh. Hãng điện thoại Hàn Quốc hiện chiếm 34,7%, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó Oppo tăng 9,2%, từ 12,6% lên mức 21,8%.
Nếu cộng cả Samsung và Oppo, hai thương hiệu này chiếm hơn nửa thị trường. Đây là kết quả không gây bất ngờ, bởi cả hai đã chiếm 45% thị phần smartphone Việt Nam 2015, theo số liệu từ IDC.
Số liệu từ GfK. |
Nhà giàu cũng khóc
Gạt qua một nửa "miếng bánh" đã bị chiếm bởi Samsung và Oppo, phần còn lại thuộc về hàng chục thương hiệu lớn nhỏ đang cố gắng tồn tại.
Đầu tiên là câu chuyện buồn của Microsoft. Hãng ra mắt bộ đôi Lumia 950 và Lumia 950 XL vào cuối 2015 một cách đình đám. Sau quý I/2016, đại gia này tiếp tục mang Lumia 650 - model thân kim loại đầu tiên - về nước và bán ở mức giá tầm trung. Thống kê từ các nhà bán lẻ cho thấy những sản phẩm này không như kỳ vọng.
Đó là tất cả những gì Microsoft làm được sau khi tiếp quản "di sản" của Nokia để lại ở Việt Nam. Thị phần của hãng rơi không phanh từ 20% xuống còn 4,7%, giảm mạnh nhất trong số các thương hiệu có mặt trên thị trường.
Microsoft trở lại rầm rộ từ cuối 2015, nhưng đến nay vẫn chưa tìm lại được ánh hào quang của Nokia tại Việt Nam. Ảnh: Duy Tín. |
Bên cạnh Microsoft, Asus cũng giảm từ 5,9% thị phần xuống còn 2,6%. Nguyên nhân được cho là do Zenfone 2. Model này được quảng cáo rầm rộ, nhưng việc vội vã tiến lên mức giá tầm trung, rời bỏ lợi thế giá rẻ của Zenfone đời đầu khiến Asus chỉ tạo ra được một nốt trầm.
Trả lời Zing.vn, ông Jerry Shen, CEO Asus thừa nhận hãng "mất đà" tại Việt Nam với Zenfone 2, dù hãng làm tốt trên bình diện toàn cầu. "Về mặt sản phẩm, năm nay chúng tôi đã có bước nhảy vọt. Về mặt marketing, chúng tôi đang cố gắng xây dựng lại", ông Jerry chia sẻ.
Không giảm mạnh như Asus và Microsoft, HTC và Sony cũng dắt tay nhau tiến xuống nửa dưới của bảng xếp hạng thị phần (nửa đầu 2016) ở Việt Nam. Sony từ 5,2% xuống còn 4,6% và HTC xuống thấp hơn mức 2,7% của năm ngoái, dù cả hai đều có những sản phẩm được đánh giá rất tốt như Xperia X Series hay HTC 10.
Đáng buồn hơn, LG - đại gia của ngành điện tử tiêu dùng, có doanh thu điện thoại không đủ nhiều để có trong thống kê của GfK. Những bom tấn được khen ngợi hết lời như G5, V10 hay các sản phẩm giá rẻ đều không cứu được mảng di động của hãng ở Việt Nam.
Doanh thu chủ yếu của hãng vẫn đến từ TV và các thiết bị gia dụng. Theo nguồn tin riêng của Zing.vn, mảng kinh doanh di động của LG đang tái cấu trúc, nên hãng chưa thể trở lại và gây ấn tượng trên sân chơi di động.
"Ngựa ô" thương hiệu Việt tiến sát Apple
Số liệu không "hoành tráng" như Samsung hay Oppo, nhưng thị phần của Apple tại Việt Nam cũng tăng từ 6,2% lên 9,8%. Tức cứ 10 người dùng tại Việt Nam thì có một người sở hữu iPhone chính hãng (thống kê của GfK không tính đến thị trường xách tay).
Kết quả này được cho là mức tăng trưởng tự nhiên, không mấy ấn tượng nhất là trong bối cảnh Apple ngày càng nhiều đại lý cấp 1 ở Việt Nam.
Bất ngờ nhất trong cuộc đua smartphone ở Việt Nam đầu 2016 thuộc về một tên tuổi trong nước: Mobiistar. Trong khi các thương hiệu mạnh như Microsoft, Asus, Sony, HTC, LG,... đồng loạt cài số lùi, Mobiistar bất ngờ tăng từ 3,1% lên 5,8%, tiến gần đến mức thị phần của Apple và bỏ xa nhiều thương hiệu nước ngoài.
Trong khi đó, IDC Việt Nam tiết lộ với Zing.vn rằng thị phần Apple và Mobiistar bằng nhau (đều ở mức 6%), nếu tính đến quý I/2016.
Tuy vậy, Mobiistar chỉ là điểm sáng hiếm hoi trên sân chơi di động. Những thương hiệu Việt khác như Q (trước đây là Q-Mobile) hay Bphone của Bkav đều không đủ sức lọt vào bảng thống kê vì doanh số ít ỏi.
HKPhone đình đám một thời đổi tên thành Rovi, sau đó lặng lẽ đóng cửa hàng loạt cửa hàng trên cả nước và chính thức biến mất khỏi thị trường, không kèn không trống.
Khe cửa hẹp cho những tên tuổi mới
Theo thống kê của hai hãng lớn IDC và GfK, thị phần những thương hiệu ít được biết đến tổng cộng chiếm khoảng 9-10%. 1/10 "miếng bánh" thị trường di động Việt Nam đang chia cho hàng chục cái tên mới như Obi, Wiko, Intex, Huawei,... và cả "ngáo ộp" giá rẻ Mastel.
Không đình đám trên Internet, cũng không góp mặt ở những thành thị lớn, Mastel mang những mẫu điện thoại giá rẻ của mình tiếp cận thị trường tỉnh, vùng cao vùng xa, "chiếm lấy" những người dùng đang chuyển từ điện thoại "cục gạch" (feature phone) sang smartphone, nhưng chưa sẵn sàng để chi trả cho số tiền trên 2 triệu đồng.
Nói với Zing.vn, ông Võ Lê Tâm Thanh của IDC Việt Nam cho rằng một hãng thuộc nhóm top dưới có thể bứt phá lên gia nhập chung nhóm hoặc thay thế Samsung và OPPO là điều có thể.
Tuy nhiên, "họ cần làm nhiều việc liên tục trong một thời gian dài như nghiên cứu và phát triển, marketing, logistic hay dịch vụ chăm sóc khách hàng, .v.v.", ông Thanh nhấn mạnh.
Các hãng điện thoại lớn dù tạo được quyền lực trên thị trường nhưng vị thế đó không phải là cái vững chắc không thể thay thế. Bằng chứng là sự tăng trưởng của các hãng đi sau như OPPO hay sự sa sút của người dẫn đầu một thời gian dài là Microsoft (Nokia).
- Ông Võ Lê Tâm Thanh, IDC Việt Nam.
Chuyên gia này cũng cho rằng các hãng điện thoại lớn đã có mặt tại nhiều nước và họ cũng đã quen với môi trường và văn hóa kinh doanh ở từng địa phương.
Do đó, các hãng top dưới cần xây dựng những bước chân vững chắc và tạo dựng niềm tin với khách hàng địa phương.
Nhận định về "cửa" cạnh tranh của các thương hiệu top dưới, ông Thanh cho rằng vẫn có hy vọng cho nhóm này. Hiện tại, các hãng điện thoại lớn dù đã tạo được quyền lực của họ trên thị trường nhưng vị thế đó vẫn có thể thay thế.
Ở nửa cuối bảng xếp hạng hiện là cuộc cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt tên tuổi đến từ Trung Quốc lẫn thương hiệu Việt. Vị trí thay đổi liên tục khi khoảng cách về thị phần giữa các hãng nhiều khi dưới 1%. Lenovo, Huawei, Infinix, Coolpad,... đang có chút lợi thế ở địa hạt này.
Theo các nhà bán lẻ, nhóm smartphone mới xuất hiện có thể tăng doanh số nhờ vào hình thức bán hàng online thông qua các trang thương mại điện tử. Nhờ đó, họ tiết kiệm được chi phí để giảm trực tiếp vào giá bán, tạo lợi thế cạnh tranh với top trên.